Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Thừa Thiên Huế thông tin, trên địa bàn tỉnh có 2 ngân hàng thương mại (NHTM) cho 41 chủ tàu vay vốn theo NĐ67 với tổng số tiền cho vay đóng mới tàu cá theo cam kết là 304,5 tỷ đồng.
Tàu hậu cần thường ngừng hoạt động từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau nên rất khó thu nợ
Nối dài những chuyến biển
Hai NHTM tham gia hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu thuyền theo NĐ67 gồm Ngân hàng Nông nghiệp&Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Đầu tư&Phát triển (BIDV) với lãi suất cho vay 7%/năm. Ngư dân chỉ trả lãi từ 1-3% tùy loại tàu, phần lãi suất còn lại được Nhà nước hỗ trợ; thời hạn vay trong vòng 11 năm. Trong đó, năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, ngân sách Nhà nước sẽ cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các NHTM. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay.
Ông Trần Dành ở thị trấn Thuận An (Phú Vang) là chủ nhân chiếc tàu vỏ thép có tổng kinh phí hơn 21,4 tỷ đồng (vay vốn từ Agribank Thừa Thiên Huế 20 tỷ đồng) được hạ thủy cuối năm 2017. Với con tàu này, mỗi chuyến biển ông Trần Dành cùng bạn thuyền bám biển từ 12-15 ngày.
Theo ông Dành, nhờ ngư lưới và kỹ thuật hiện đại cộng với kinh nghiệm đánh bắt nhiều năm nên mỗi chuyến ông cùng bạn thuyền đánh bắt từ 600 triệu đến trên 1 tỷ đồng, sau khi chia cho các bạn thuyền và chi phí, nhiều chuyến lãi từ 300-400 triệu đồng.
Thế nhưng hỏi về lý do không trả nợ, ông Dành cho rằng nợ gốc và lãi quá cao nên không có khả năng trả nợ.
Doanh thu cao nhưng không chịu trả nợ khi đến hạn, mặc cho cán bộ ngân hàng hàng tháng đều xuống tận nhà thu (sau mỗi chuyến biển), ông Dành được chuyển vào nhóm nợ xấu và Agribank Thừa Thiên Huế đang hoàn tất thủ tục khởi kiện.
Cũng như ông Dành, nhiều tàu hậu cần nghề cá cũng đã và đang được tiếp sức từ NĐ67. Trước đây, anh Nguyễn Văn Thành ở thị trấn Thuận An có tàu công xuất nhỏ nên việc thu mua gặp không ít khó khăn.
Từ nguồn hỗ trợ vay vốn đóng tàu theo NĐ67, anh Thành mạnh dạn vay 3,9 tỷ đồng đóng tàu công suất lớn để phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ đó, các chuyến biển đều kéo dài từ 5-6 ngày, thu lãi mỗi chuyến biển từ 50-60 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo anh Thành, đặc thù của tàu hậu cần chỉ hoạt động mạnh trong những tháng nắng, khi các tàu khai thác tăng cường vươn khơi, những tháng còn lại (từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau) phải nằm bờ nên việc trả nợ ngân hàng những tháng này gặp khó khăn.
Anh Thành bày tỏ, phía ngân hàng cần tạo điều kiện trong công tác thu nợ. Ví như những tháng nghỉ biển có thể cơ cấu nợ cho ngư dân.
Nợ xấu chiếm gần 84%
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, Ngô Văn Đủ thông tin, trên địa bàn xã có 386 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, trong đó vay theo NĐ67 có 23 tàu (2 tàu sắt và 21 tàu vỏ gỗ). Kiểm tra sản lượng đánh bắt thông qua cảng Thuận An và đội hậu cần nghề cá, chỉ có 1 tàu cá của ông La Văn Thoạn hoạt động không hiệu quả, các tàu còn lại đều có thu nhập mỗi chuyến từ 400-500 triệu đồng.
Nguồn vốn vay đang phát huy được hiệu quả, thu nhập khá ổn, thế nhưng đa phần các chủ tàu đều không trả nợ đúng hạn.
Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc NHNN- Chi nhánh Thừa Thiên Huế, hiện, toàn tỉnh có 2 NHTM cho 41 chủ tàu vay vốn theo NĐ67 với tổng số cho vay đóng mới tàu cá theo cam kết là 304,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay theo NĐ67 gần 286 tỷ đồng.
Thời gian qua đã xuất hiện nhiều chủ tàu không thực hiện đúng cam kết trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng, do đó dẫn đến phát sinh nợ quá hạn và nợ xấu. Từ 3 chủ tàu phát sinh nợ xấu vào tháng 3/2018 đến nay đã có 16 chủ tàu (đều vay tại BIDV Thừa Thiên Huế) đã bị chuyển nợ xấu với dư nợ xấu ở mức 118,6 tỷ đồng.
Agribank Thừa Thiên Huế cũng đã phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 17 chủ tàu với dư nợ được cơ cấu là 121,1 tỷ đồng; 1 chủ tàu là ông Trần Dành mặc dù đánh bắt doanh thu rất cao nhưng không chịu trả nợ nên ngân hàng này không cơ cấu chuyển sang nợ xấu. Như vậy, tổng nợ cơ cấu và nợ xấu toàn địa bàn tỉnh ở mức 239,7 tỷ đồng, chiếm 83,8% dư nợ cho vay theo NĐ67.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang Nguyễn Văn Chính cho hay, người dân vay vốn theo NĐ67 không chịu trả nợ đang có thái độ nhìn nhau và tạo nên hiệu ứng dây chuyền gây khó khăn rất nhiều cho các ngân hàng trong công tác thu nợ. Các ngân hàng cần làm việc với các ngư dân, phân loại nợ theo loại tàu đánh bắt, hậu cầu và nhận thức của các chủ tàu để có giải pháp thu nợ cho từng tàu cụ thể. Đồng thời, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc tuyên truyền, động viên người dân trả nợ ngân hàng đúng hạn để tránh ảnh hưởng đến những chương trình hỗ trợ vay vốn về sau.
Hoàng Loan
Bài 2 : Ngân hàng khởi kiện