ClockThứ Năm, 04/07/2024 06:34

Vay vốn nhà ở xã hội: Khó vốn, khó cả cơ chế - Bài 1: Thời “huy hoàng” của nguồn vốn nhà ở xã hội

TTH - Cùng với nguồn vốn vay nhằm thúc đẩy người dân tiếp cận với các dự án nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Những ngôi nhà ở riêng lẻ được xây dựng từ nguồn vốn vay nhà ở xã hội đã mở rộng khái niệm về nhà ở dành cho đối tượng người có nhu nhập thấp.

Vay vốn mua nhà ở xã hội vẫn khóTiếp sức cho giấc mơ an cưThủ tục vay vốn nhà ở xã hội cần được đơn giảnVốn nhà ở xã hội luôn được “săn đón”

 Chủ đầu tư và người dân dự án Vicoland nhận được khá nhiều hỗ trợ từ gói vay vốn nhà ở xã hội

Tiếp sức cho người dân lẫn doanh nghiệp

Có thể sở hữu một căn nhà sau nhiều năm sinh sống ở thành phố Huế là mơ ước của vợ chồng anh Lê Quang Đạo, quê Hà Tĩnh. Tuy nhiên, mơ ước đó sẽ khó thành nếu thời điểm dự án nhà ở xã hội Xuân Phú mở bán không có sự tiếp sức từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội do các ngân hàng thương mại triển khai. Bởi theo nhẩm tính của anh Đạo, với lương của hai vợ chồng và phải lo cho 2 con thời điểm đó tiết kiệm là điều gì đó khá xa vời.

Anh Đạo chia sẻ, nếu để dành đủ số tiền 600-700 triệu đồng mua một căn nhà ở xã hội (thời điểm đó giá nhà ở xã hội có diện tích 54m2 có giá tầm 650 triệu đồng) hay mua đất làm nhà cần tầm hơn 1 tỷ đồng thì không biết bao lâu vợ chồng tôi mới có được một mái nhà. Nếu vay ngân hàng thương mại thì với thu nhập của hai vợ chồng, lãi suất mua nhà khoảng 11%/năm thì chỉ ngang câu chuyện trả lãi hàng tháng đã là gánh nặng khiến vợ chồng tôi “còng lưng” chứ đừng nói đến câu chuyện trả gốc hàng tháng. Tuy nhiên may mắn thời điểm đó, gia đình chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn vay nhà ở xã hội từ gói vay 30.000 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại triển khai với lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn kéo dài nên áp lực trả nợ không lớn. Nhờ đó 8 năm nay, gia đình tôi có một mái ấm của riêng mình, số tiền gốc lãi cũng đã trả được phần nhiều.

Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội mà anh Đạo được tiếp cận là một trong những chương trình có sức hút và tạo được động lực thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2013-2016. Chương trình này, bắt đầu từ ngày 1/6/2013 và kết thúc giải ngân đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp ngày 1/6/2016, với nhóm khách hàng cá nhân thời điểm kết thúc là 31/12/2016. Nguồn vốn để thực hiện chương trình lấy từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước hỗ trợ cho các ngân hàng thương mại cho vay. Lãi suất áp dụng cho khách hàng là 6%/năm trong năm 2013 và 5%/năm từ năm 2014 đến nay, thời gian vay tối đa từ 5 năm đến 15 năm tùy đối tượng khách hàng.

 Nguồn vốn vay nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp sức cho giấc mơ an cư của nhiều gia đình

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời điểm kết thúc chương trình, các ngân hàng thương mại trên địa bàn cho vay hỗ trợ nhà ở cho 342 cá nhân với dư nợ 103,1 tỷ đồng. Ngoài các cư dân, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được tiếp cận với nguồn vốn này để đầu tư phát triển nhà ở. Cụ thể, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Phú trong giai đoạn 1 của dự án cũng tiếp cận được với gói vay 30.000 tỷ đồng này với dư nợ 55,90 tỷ đồng; dự án nhà ở xã hội của Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Vicoland cũng được tiếp cận nguồn vốn này tại BIDV Hà Nội với dư nợ 34,3 tỷ đồng.

Thời điểm đó chỉ có dự án Chung cư Aranya do khởi công muộn hơn khi gói tín dụng này hết hiệu lực nên không được tiếp cận với vốn vay nhà ở xã hội. Cũng từ khi kết thúc gói vay vốn này đến nay, rất ít dự án nhà ở xã hội được đầu tư. Điều này phần nào khẳng định, nguồn vốn nhà ở xã hội là nguồn lực quan trọng thúc đẩy các dự án đầu tư nhà ở trên địa bàn.

Giấc mơ thành hình

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã đồng hành, hỗ trợ rất lớn cho người dân, doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội phát triển.

Khi chương trình kết thúc, để tiếp tục tiếp sức cho chương trình nhà ở xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100 ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đến năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng triển khai chương trình tín dụng nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà nói chung. Trong 2 năm 2022-2023, chương trình tín dụng này còn được phân bổ thêm nguồn vốn bổ sung cho vay cho cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Nguồn vốn phân bổ trong thời điểm mặt bằng lãi suất tăng cao nhất trong lịch sử đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình tiếp cận tín dụng ưu đãi để xây dựng và sửa chữa nhà ở... Chị Nguyễn Thị Trà My, tổ 9, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy là một trong những hộ may mắn vay được số tiền 500 triệu đồng đầu tư xây dựng nhà ở từ nguồn vốn này.

Chị My cho biết, là giáo viên mầm non với đồng lương khá thấp, còn chồng là lao động tự do thu nhập bấp bênh lại phải nuôi con nhỏ nên mong muốn có một mái nhà riêng nhiều lần bị tạm gác lại. Từ thông tin của một đồng nghiệp, tôi được biết NHCSXH thị xã Hương Thủy hỗ trợ vay vốn đầu tư nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm. Điều này thôi thúc hai vợ chồng quyết tâm đầu tư xây dựng không gian sống riêng cho hai vợ chồng, đồng thời có cơ hội phụng dưỡng ba mẹ và chăm sóc con cái.

Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thực hiện cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, doanh số cho vay từ năm 2018 đến tháng 4/2024 là 406,975 tỷ đồng với 1.045 khách hàng vay vốn. Dư nợ đến ngày 30/4/2024 là 336,585 tỷ đồng với 954 khách hàng còn dư nợ.

Có thể thấy, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp không chỉ tập trung vào nhóm người có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội là các dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà bao hàm luôn cả nhu cầu nhà ở riêng lẻ cho đối tượng người có thu nhập thấp. Đây cũng là giai đoạn người mua, thuê, xây dựng và sửa chữa nhà ở nhận được nhiều ưu đãi nhất để hiện thực hóa giấc mơ nhà ở xã hội.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Hoàng Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách

Nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; đối tượng chính sách ổn định cuộc sống hơn nhờ vào nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quảng Điền.

Ổn định cuộc sống nhờ nguồn vốn vay chính sách
Phát triển nhà ở xã hội: Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2: Khó ở đâu, gỡ ở đó

Hiện, số lượng các dự án nhà ở thương mại được đầu tư hàng năm khá lớn, nhưng các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, ngoài hoàn thiện chính sách thuộc thẩm quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong thúc đẩy đầu tư NƠXH, việc lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng nguồn lực đầu tư NƠXH đã là hiệu lệnh.

Phát triển nhà ở xã hội Ý Đảng thỏa lòng dân - Bài 2 Khó ở đâu, gỡ ở đó
Vay vốn nhà ở xã hội: Khó vốn, khó cả cơ chế - Bài 3: Vốn cần, nhưng chưa đủ

Vốn và các rào cản điều kiện thủ tục trong đầu tư phát triển nhà xã hội đang là bài toán khó trong thúc đẩy thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, cũng như khơi thông nguồn vốn cho đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.

Vay vốn nhà ở xã hội Khó vốn, khó cả cơ chế - Bài 3 Vốn cần, nhưng chưa đủ
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân A Lưới thoát nghèo

Thời gian qua, các điểm giao dịch xã, thị trấn của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện A Lưới đã có nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp người dân A Lưới thoát nghèo

TIN MỚI

Return to top