ClockThứ Sáu, 21/06/2019 14:30

Xâm nhập điểm tập kết gỗ rừng trái phép vùng suối Cha Moong

TTH - Phải sau hơn 1 tháng đeo bám, thông tin về “đường dây” vận chuyển gỗ khai thác trái phép giữa ban ngày ở Nam Đông mới được xác thực. Đáng nói, để chở những phách gỗ được xẻ ngay ngắn từ điểm tập kết về xuôi, “lâm tặc” nhất định phải đi ngang... Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thượng Lộ.

Bắt giữ 4 mô tô “độ chế” vận chuyển gỗ trái phépCần xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừngTăng cường kiểm tra, ngăn chặn khai thác gỗ trái phép ở khu vực Mỏ Quạ

Trạm quản lý bảo vệ rừng Thượng Lộ - nơi chốt chặn con đường "độc đạo" gỗ vẫn lọt qua

Gỗ khai thác trái phép “qua mặt” trạm chốt giữa ban ngày

Sau nhiều lần thất bại dù đã phát hiện lối mòn vận chuyển gỗ lậu từ rừng ra gần tuyến đường cao tốc La Sơn- Túy Loan, ngày 18/6, nhóm phóng viên nhận được thông tin con đường này hiện “lâm tặc” không dùng đến mà chuyển qua đường khác thuận tiện hơn.

Nói con đường vận chuyển này thuận tiện hơn, nhưng từ ngã 3 Thượng Lộ (Nam Đông) đến điểm tập kết chừng 5km, sau một đoạn bằng phẳng, chiếc xe máy côn tay 150 phân khối luôn phải duy trì ở số 1, số 2 và liên tục chồm trên mặt đường lởm chởm đá đang thi công dở mà một bên nhìn xuống là khu vực có công trình thủy điện.

Bỏ xe máy “cuốc bộ” một quãng đường, khi đến suối Cha Moong, nơi được cho là bãi tập kết gỗ khai thác trái phép đã thấy 4 phách gỗ vứt ngổn ngang kế bên những chiếc xe máy mà mới nhìn qua cũng có thể đoán được là phương tiện “chuyên dụng” để chở gỗ lậu dựng ngổn ngang không thèm che đậy.

Xác định xong địa điểm tập kết, nhóm phóng viên quyết định bám trụ. Tuy nhiên, cho đến khi chỉ còn tiếng rả rích của côn trùng, tiếng quạ kêu đêm trong màn đen dày đặc mà ánh đèn từ phía thủy điện không thể xua tan, bãi tập kết gỗ bên suối Cha Moong vẫn hoàn toàn im ắng!

Bãi tập kết gỗ ở suối Cha Moong

Rời bãi tập kết trong nỗi lo lắng sẽ thêm một lần “vồ hụt”, sáng sớm 19/6, nhóm phóng viên nhanh chóng có mặt nơi cũ. Những phách gỗ vứt ngổn ngang ở đây đã nhiều thêm. Dự đoán đây cũng là thời điểm lâm tặc sẽ sớm vận chuyển gỗ xuống núi, sau thời gian kiên nhẫn chờ đợi, đến 16 giờ chiều 19/6, trong cái nắng gay gắt của núi rừng Nam Đông, tiếng lội nước bì bõm, tiếng gỗ va đập rồi tiếng hô “1-2- 3…” nặng nhọc vang lên.

Trong tầm nhìn bị che khuất bởi cây rừng là 2 bóng thanh niên đang phụ nhau đưa từng phách gỗ dài thượt lên xe máy. Tiếp đó, từ phía thượng nguồn suối Cha Moong, một bóng người đàn ông lội nước ngang bụng đang đẩy 2 ruột ô tô được bơm căng, phía trên là 2 phách gỗ tím sẫm còn tươi rói về đến điểm tập kết.

Chờ cho tiếng động cơ 3 chiếc xe máy gầm rú vượt dốc ra khỏi điểm tập kết, nhóm phóng viên quyết định bám theo. Di chuyển chừng 500m, 3 chiếc xe máy chở gỗ lậu phải dừng lại bởi một chiếc xe ủi đang thi công đoạn đường dang dở chắn đường.

Cứ nghĩ giữa thanh thiên bạch nhật, gỗ lại không thèm che đậy, ngụy trang, nhóm người này sẽ lo sợ, e dè, hay chí ít phải tỏ ra sốt ruột khi dừng giữa đường. Nhưng không, mặc cho có sự xuất hiện của người lạ (nhóm phóng viên) sát bên, nhóm người này vẫn dừng xe trò chuyện và chờ đợi trong bình thản.

Áo quần người đàn ông vẫn còn sũng nước sau khi đưa 2 phách gỗ tím từ suối lên bờ

Tìm cách tiếp cận, qua những câu nói cộc lốc, rời rạc lơ lớ giọng Kinh, nhóm này cho biết đây là những phách gỗ được đốn hạ cách đây vài hôm. “Dồn chở một lần cho luôn. Nghe nói dưới xuôi mua làm cầu thang” - một thanh niên nói sau khi hỏi xin nước uống. “Lội rừng 1 ngày mới tới được. Không quen đi không nổi mô” – một thanh niên khác nói về điểm chặt hạ gỗ.

Đang tiếp tục khai thác địa điểm chặt gỗ trái phép, dường như người đàn ông chở 2 phách gỗ tím sinh nghi nên nhanh chóng luồn qua xe múc, tăng ga đi thẳng, để lại 2 thanh niên với 2 phách gỗ cồng kềnh choáng hết đường đi trong ánh chiều nắng gắt.

Trở lại những phán ảnh về việc vận chuyển gỗ khai thác trái phép, nguồn tin cho biết đường dây này đã tồn tại từ khá lâu ở Nam Đông và gần như công khai giữa ban ngày ban mặt. Câu hỏi đặt ra, liệu có sự tiếp tay, dung túng hay lơ là, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng?

Chỉ là gỗ sót lại trên nương rẫy?

Từ con đường lâm sinh bắt nguồn từ suối Cha Moong dẫn xuống núi, ngay hết đường bê tông là Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thượng Lộ (Hạt Kiểm lâm vườn Quốc gia Bạch Mã). Gỗ rừng từ đây theo con đường “độc đạo” đem về xuôi, “qua mặt” trạm này khá dễ dàng!

Hai thanh niên cùng 2 phách gỗ dài chắn hết đường đi bình thản đứng chờ xe ủi thi công

Từ thông tin phản ánh của phóng viên, Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Thượng Lộ tiến hành kiểm tra. Theo ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Đông, kết quả ban đầu cho thấy, đây là số gỗ “lóc lõi” còn sót lại sau khi người dân làm nương rẫy.

“Diện tích nương rẫy gần khu vực suối Cha Moong qua con đường lâm sinh trước đây người dân trồng cao su bị chết nên vừa rồi bà con phát lại rẫy để xuống giống trồng cây keo. Qua kiểm tra, số gỗ bị chặt có thể là gỗ còn sót lại trên nương rẫy, người dân tận dụng, chứ không có cây mới bị chặt trên diện tích rừng tự nhiên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin ban đầu, chúng tôi đang tiếp tục cho anh em rà soát kiểm tra lại”, ông Chúc nói.

Theo ông Chúc, gần khu vực đường lâm sinh là nơi thuộc rừng cộng đồng đã giao cho địa phương quản lý. Đi lên phía trên nữa thuộc diện tích rừng vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã. "Phía dưới chân đường lâm sinh có Trạm Quản lý bảo vệ rừng Thượng Lộ thuộc Hạt Kiểm lâm vườn Quốc gia Bạch Mã, ngoài trách nhiệm của kiểm lâm, xác định diện tích rừng thuộc chủ rừng nào thì chủ rừng đó phải có trách nhiệm”, ông Chúc nói thêm.

Khác với những kết quả kiểm tra ban đầu, ghi nhận của nhóm phóng viên cho thấy, những phách gỗ được vận chuyển trên phương tiện xe “chuyên dụng” của các đối tượng khai thác rừng trái phép tập kết tại khu vực suối Cha Moong, là gỗ mới xẻ, vết cưa, chất gỗ còn mới. Riêng hai phách được đối tượng vận chuyển từ khu vực suối bằng phao nổi lốp xe ô tô cũ còn nguyên mủ gỗ. Nếu gỗ còn sót lại trên nương rẫy không thể “tươi” thế được.

Ông Đoàn Hoài Nam, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã thông tin, trong ngày các ngày 19-20/6, phía đơn vị đã cho kiểm tra và theo báo cáo của lực lượng kiểm lâm tại các trạm chốt trên khu vực thuộc diện tích ranh giới của Vườn Quốc gia Bạch Mã không thấy có hiện tượng các đối tượng khai thác gỗ trái phép và gỗ rừng bị chặt hạ.

“Từ đường lâm sinh lên các chốt trạm thuộc lâm phận của đơn vị là một quãng đường dài đi hơn 5 giờ đồng hồ mới tới. Nếu gỗ tập kết dưới này có thể thuộc diện tích rừng cộng đồng giao cho địa phương quản lý. Hiện nay có thể do chương trình nông thôn mới xóa nhà tạm cho bà con, lợi dụng quy chế quản lý rừng cộng đồng “tranh tối tranh sáng”, ai có nhu cầu có thể người ta khai thác một vài khúc về làm nhà. Gỗ rừng thuộc diện tích của đơn vị quản lý phải là kiền và các loại khác, ít gỗ tạp”, ông Nam nhận định.

Trả lời câu hỏi có hay không gỗ “xuống núi” qua mặt Trạm Kiểm lâm Thượng Lộ thuộc Hạt Kiểm lâm vườn Quốc gia Bạch Mã, ông Nam cho rằng, trước đây đa số diện tích rừng cộng đồng khu vực này đều thuộc đơn vị quản lý, sau năm 2008 mới giao lại cho địa phương. Sau khi quy hoạch, giao lại diện tích rừng cộng đồng cho địa phương, giao lại đất cho người dân sản xuất cả nghìn ha, Trạm kiểm lâm Thượng Lộ chỉ là trạm dừng chân, nằm khá xa so với ranh giới diện tích rừng do Vườn Quốc gia Bạch Mã quản lý.

“Nếu trong trường hợp phát hiện gỗ rừng cộng đồng khai thác trái phép đi qua trạm, đơn vị chỉ có chức năng “cầm chân”, phối hợp với lực lượng kiểm lâm Nam Đông xử lý mà thôi chứ không có chức năng bắt giữ vì không phải là đơn vị chủ rừng”, ông Nam lý giải.

Bài, ảnh: Khánh - Nhân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

Ngày 20/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tòa án Nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn nhằm phổ biến pháp luật về thủy sản, chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); triển khai Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân (TAND) tối cao.

Tập huấn phổ biến pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU

TIN MỚI

Return to top