ClockThứ Năm, 17/09/2015 14:55

Cần xử lý triệt để “xe dù”, “bến cóc”

TTH - Mặc dù đã có nhiều đợt truy quét, xử lý mạnh tay nhưng “xe dù”, “bến cóc” hoạt động trên địa bàn tỉnh vẫn nhộn nhịp, gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, ảnh hưởng đến việc kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp vận tải.
Một xe biển số Lào dừng bốc hàng hóa ngay trên đường

Nhộn nhịp “xe dù”, “bến cóc”

7 giờ sáng một ngày đầu tháng 9/2015, tôi cùng anh bạn chạy xe máy đến Bến xe phía Nam mua vé xe đi Đà Nẵng. Vừa đưa xe vào bãi gửi, một thanh niên chạy lại bảo: “Đi Đà Nẵng à? Xuống cầu vượt Thủy Dương đi cho nhanh. Vào bến mua vé phải mất cả giờ mới có xe”. Không đợi chúng tôi đồng ý, anh này gọi ngay một tài xế xe ôm đứng trước đường bảo: “Chở 2 người này xuống cầu vượt. Tiền xe để đấy tui trả”. Sau khi được chở xuống cầu vượt, 2 chúng tôi được một xe khách tuyến Huế - Đà Nẵng đang dừng dưới gầm cầu vượt đón. Trong xe mới có khoảng 1/3 khách. Sau khi dừng khoảng 15 phút đợi bắt thêm khách xe mới xuất phát. Quãng đường từ cầu vượt Thủy Dương về đến gần sân bay Phú Bài khoảng 10km, xe chạy với tốc độ “rùa bò” để tiếp tục đón khách.
Tương tự, cứ sáng sớm đến hơn 8 giờ sáng hàng ngày, khu vực 2 bên QL 1A phía nam cầu An Nông (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc) nhộn nhịp xe khách các tuyến liên vận quốc tế Việt - Lào vô tư đậu đỗ, đón trả khách, hàng hóa trái quy định. Không chỉ xe khách mang biển kiểm soát Lào, khu vực này còn có nhiều xe mang biển số Thừa Thiên Huế và một số tỉnh khác. Ngoài xe khách, “bến cóc” này luôn có các xe tải nhỏ hối hả vận chuyển hàng tập kết về cho các xe khách cũng như nhận hàng hóa sau khi các xe khách “xuất ngoại” trở về. Mặc dù đăng ký khai thác tuyến từ Bến xe phía Nam TP Huế đi Lào, nhưng các xe này vô tư đậu đỗ chờ “vợt” khách và bốc xếp hàng hóa tại “bến cóc” rồi mới vào Bến xe phía Nam TP Huế làm thủ tục xuất bến. Chưa hết, các xe khách này thỏa sức “đáp” lại dọc đường như tại ngã 3 phía Nam đường tránh Huế để bắt thêm khách, chất thêm hàng hóa. Sự việc trên gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, nhưng dường như chưa bị lực lượng chức năng “sờ gáy”.
Không riêng gì tuyến QL1A, ở trung tâm TP Huế, tình trạng “xe dù”, “bến cóc” hoạt động tinh vi hơn. Các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện trên nhiều tuyến đường xảy ra tình trạng lái xe không xuất trình được hợp đồng kinh doanh, “xe dù” đón trả khách không đúng nơi quy định, len lỏi vào nhiều tuyến phố. Do không thể cạnh trạnh nổi với các phương tiện xe dù, xe open tour..., các doanh nghiệp vận tải hành khách chân chính bức xúc vì phải bù lỗ để duy trì hoạt động.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh về tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của xe taxi, xe khách hoạt động trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng gần đây cho thấy, tổng cộng có 556 trường hợp bị xử lý. Riêng liên quan đến “xe dù”, “bến cóc”, đã tiến hành xử phạt hơn 350 trường hợp và tạm giữ 3 phương tiện, tước giấy phép lái xe của 350 tài xế về các lỗi như: chạy không đúng tuyến, đón trả khách không đúng quy định, chạy quá tốc độ…
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý bến xe Thừa Thiên Huế thông tin, theo quy định, xe có tuyến từ Huế đi ra các tỉnh phía Bắc phải đón trả khách tại Bến xe phía Bắc; các xe có tuyến từ Huế trở vào các tỉnh phía Nam phải đón trả khách tại Bến xe phía Nam. Thế nhưng, khi có mặt lực lượng chức năng thì các “xe dù”, “bến cóc” tạm ngừng hoạt động, còn khi vắng mặt lực lượng chức năng thì họ hoạt động trở lại. Ông Sơn cho rằng, để giải quyết vấn nạn này cần có sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng liên quan.
Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm ra quân xử lý nghiêm tình trạng “xe dù”, “bến cóc”. Điều này góp phần lấy lại niềm tin và hy vọng về sự công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, lực lượng chức năng thừa nhận rằng trên địa bàn vẫn còn tình trạng “xe dù”, “bến cóc” và xe khách đội lốt hợp đồng du lịch khiến dư luận bức xúc. Thượng tá Lê Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP Huế thừa nhận, tình trạng “xe dù”, “bến cóc” vẫn còn lộng hành trên địa bàn nhưng đỡ hơn trước. Đối với xe khách đội lốt xe hợp đồng du lịch, cảnh sát giao thông TP Huế đã lập biên bản với nhiều xe vi phạm nhưng khó xử lý triệt để vì các doanh nghiệp này hoạt động rất tinh vi. Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho rằng, có thể chế tài xử phạt chưa thực sự nghiêm khắc nên chưa đủ sức răn đe với các loại hình “xe dù”, “bến cóc”. Cùng với đó, tâm lý thích xe đón trả ở trong thành phố để thuận lợi cho việc di chuyển của một số khách hàng phần nào đó đã vô tình tiếp tay cho các loại “xe dù”, “bến cóc” lộng hành.
Đã đến lúc lực lượng chức năng của tỉnh cần ra quân một cách đồng bộ, xử lý mạnh tay với trường hợp vi phạm để chấn chỉnh lại tình trạng “xe dù”, “bến cóc” lộng hành. Cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể về nơi đậu, đỗ đón, trả khách đối với các loại hình xe du lịch, tránh tình trạng lộn xộn, bát nháo, mập mờ. Về lâu dài, cần quy hoạch, bố trí các bãi đỗ xe, bến xe, trạm dừng hợp lý dọc QL1A để các xe này không đậu đỗ, đón, trả khách tự phát gây mất trật tự an toàn giao thông.
Bài, ảnh: Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc

Ngày 5/11, Ban Quản lý dự án (DA) Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh tổ chức hội thảo công bố đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị phía Bắc, phường Hương An, Hương Sơ, Hương Vinh (TP. Huế) và xã Hương Toàn (Hương Trà).

Công bố đồ án Quy hoạch phân khu Khu đô thị phía Bắc
Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa

Thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền hôm nay đã mang một diện mạo mới, tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị ở địa phương này vẫn còn chậm.

Chỉnh trang, phát triển đô thị Sịa
Siết chặt quản lý phương tiện vận tải

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải là một trong những giải pháp quan trọng của ngành chức năng, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), tạo môi trường kinh doanh vận tải (KDVT) lành mạnh.

Siết chặt quản lý phương tiện vận tải
Return to top