ClockThứ Hai, 29/04/2019 07:23

“Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình trong phát triển đô thị Huế”.

TTH - Huế là đô thị di sản, thế nên phát triển phải đi đôi với bảo tồn để giữ gìn những giá trị di sản đặc trưng riêng. Làm thế nào để đạt mục tiêu đó, Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành đã có những chia sẻ với Báo Thừa Thiên Huế.

Sáng nhưng phải đẹp & hài hòaChiếu sáng đô thị Huế: Đủ sáng & tạo dấu ấn

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Huế. Ảnh: PHAN THÀNH

Dù tỉnh, TP. Huế có rất nhiều nỗ lực để phát triển đô thị Huế, song đâu đó vẫn còn có ý kiến Huế chưa phát triển, ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng, điều đó chỉ đúng một phần. Huế chưa phát triển hoặc không phát triển là bởi ở những vùng di tích, di sản không thể đầu tư, cải tạo… Và ở đó, nếu không phát triển còn là điều đáng mừng bởi chúng ta giữ được di sản cho con cháu.

Ở các phường thành nội, cũng hạn chế chiều cao, độ lùi, tách thửa…, thế nên không thể có những công trình cao tầng, những dự án lớn… Dù 10 năm hay nhiều năm nữa vẫn vậy, khu vực thành nội cũng khó có thể thay đổi.

Ở vùng đệm cũng vậy, việc phát triển đô thị cũng bị hạn chế để tránh ảnh hưởng đến khu vực di tích, song đó là việc cần làm và phải làm để giữ đô thị di sản.

Còn những khu vực khác thì thế nào, thưa ông?

Việc hạn chế xây dựng như tôi đã nêu chỉ thực hiện ở những vùng di tích, vùng đệm, các khu vực khác như ở phía Nam sông Hương vẫn ưu tiên đầu tư phát triển đô thị. Mấy năm gần đây, đô thị Huế có bước phát triển tốt, nhất là về hạ tầng, giao thông, cây xanh, vỉa hè, điểm xanh, công viên. Song, nếu nói phát triển như mong muốn chưa thì tôi nghĩ là chưa.

Điều đó có thể do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan của TP. Huế và tỉnh, song chúng tôi cũng thấy được trách nhiệm của mình trong đó.

Vậy ông đã và sẽ làm gì để đô thị Huế ngày càng phát triển hơn?

Lãnh đạo TP. Huế luôn trăn trở, suy nghĩ và nhất quán trong ý tưởng đến hành động để phát triển đô thị Huế là đầu tư hạ tầng, bao gồm cả hệ thống đường giao thông, bó vỉa, cây xanh, chiếu sáng đô thị…

Quan điểm của chúng tôi là đầu tư một lần sử dụng lâu dài chứ không hạ định mức mức đầu tư khiến chất lượng công trình không đảm bảo. Tôi lấy ví dụ, các công trình xây dựng, giao thông trước đây chỉ xây mác 200, dày 15cm như thế sẽ nhanh hỏng, xe cộ đi một thời gian sẽ xuống cấp, sẽ tốn kinh phí đầu tư lại hoặc ít thì nâng cấp, sửa chữa… Vì thế, TP luôn yêu cầu phải nâng chất lượng công trình, phải đảm bảo mác 300-350, dày 18-20cm, nhờ thế niên hạn sử dụng được lâu hơn, ít hư hỏng hơn.

Việc đó đã áp dụng vào thực tế chưa, thưa ông?

Rất nhiều công trình áp dụng quy định này, ví như vỉa hè đường Lê Lợi, Tố Hữu, khu phố tây… tất cả đều lát đá, ít hư hỏng, dù bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư hạ tầng. Với các công trình do các ban, ngành… của TP. Huế làm chủ đầu tư, TP. Huế luôn yêu cầu phải đáp ứng tiêu chí này.

Với các trường học, chúng tôi cũng yêu cầu đầu tư bàn ghế, thiết bị phục vụ dạy học đảm bảo chất lượng, như bàn ghế thay vì chọn gỗ loại 3 thì chọn loại  2 để chống mối mọt, tăng thời gian sử dụng.

TP. Huế cũng tính toán làm sao để quản lý, sử dụng các công trình công cộng đạt hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách để tập trung nguồn lực cho các chương trình, dự án quan trọng hơn và quan trọng nhất vẫn là tập trung nguồn lực để phát triển đô thị Huế.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những nguồn lực này?

Ngoài ngân sách, chúng tôi cũng tranh thủ các nguồn xã hội hóa. Gần đây, khi thực hiện chỉnh trang tại ngã sáu Hùng Vương-Bến Nghé, khu vực cây xăng cũ, chúng tôi đã kêu gọi, vận động doanh nghiệp quảng cáo Thành Công đầu tư chỉnh trang để khu vực này đẹp hơn.

TP. Huế cũng luôn chủ động trong việc chỉnh trang, có những chỉnh trang rất nhỏ, ít tốn kinh phí song lại thay đổi được bộ mặt  đô thị, ví như chỉnh trang các công viên: Tứ Tượng, Lý Tự Trọng. Đây cũng là cách chúng tôi áp dụng cho các điểm chỉnh trang sau này.

Các dự án ở nhiều lĩnh vực khác, chúng tôi đều kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp, người dân và đem lại hiệu quả tốt, kể cả việc chiếu sáng, hoặc đầu tư, quản lý và sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Bước đầu, qua khai thác quản lý, sử dụng điểm nhà vệ sinh công cộng ở công viên Tứ Tượng đã phát huy hiệu quả và đây là mô hình có thể nhân rộng.

Hay như việc chiếu sáng, chúng tôi cũng kêu gọi sự chung tay của người dân, doanh nghiệp, trụ sở cơ quan Nhà nước chiếu sáng hàng đêm vào dịp lễ tết để TP sáng hơn.

Ông đang nói về nguồn lực xã hội hóa ở chiếu sáng đô thị?

Kế hoạch xã hội hóa trong chiếu sáng được chúng tôi triển khai từ rất lâu và xuyên suốt. Hẳn nhiên là Nhà nước có cấp kinh phí cho hoạt động chiếu sáng, song xã hội hóa là điều cần thiết, vì thế, từ lâu UBND TP. Huế đã ban hành văn bản kêu xã hội hóa trong việc chiếu sáng. Nhờ thế đã có nhiều doanh nghiệp, người dân chung sức cùng làm đẹp cho Huế.

Huế không chỉ đẹp mà còn phải thân thiện, mến khách, vì thế, ngoài nỗ lực của chính quyền cần sự cộng hưởng, chung sức từ phía người dân. Ông có nghĩ thế không?

Đó cũng là điều mà chúng tôi luôn theo đuổi và tìm mọi giải pháp để thực hiện. Tôi cho rằng, người dân mới là chủ thể, chủ nhân của thành phố, vì thế phải bắt đầu từ người dân và những người trực tiếp tiếp xúc với du khách. Họ phải là người thân thiện, có thái độ tôn trọng du khách, cởi mở, nhiệt tình… Vì thế, tôi nghĩ cần thiết phải xây dựng nếp sống văn minh đô thị từ những người lao động chân tay đến CB - CNV, trẻ em, học sinh…

Để thực hiện, lãnh đạo TP. Huế ngoài cụ thể hóa bằng các nghị quyết, văn bản, chúng tôi cũng tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại riêng với tài xế xích lô, xe thồ, taxi, doanh nghiệp, người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có điều chỉnh hợp lý.

Về lâu dài, theo tôi nên đưa vào chương trình giáo dục để các thế hệ sau này ý thức được vai trò chủ thể trong phát triển đô thị, để họ có những hành động, việc làm đúng đắn, góp phần phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

Xin cảm ơn ông!

“Ông có thể nói điều gì về “Xanh và bền vững” -  mục tiêu xuyên suốt trong phát triển đô thị Huế?

Huế là đô thị di sản nên đôi khi phải “chấp nhận thiệt thòi” để giữ đô thị. Hơn nữa, tỉnh đã xác định phát triển đô thị Huế theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường nên nhất quán quan điểm kêu gọi đầu tư là không vì dự án mà đánh đổi môi trường.

Ở bất kỳ dự án nào, dù chỉ là chỉnh trang nhỏ, chúng tôi luôn đặt mục tiêu xanh, bền vững lên hàng đầu. Thế nên, chúng tôi cũng mong muốn có sự nhất quán, cùng phối hợp thực hiện của các ban ngành trên địa bàn, bởi không phải dự án nào cũng do TP. Huế làm chủ đầu tư, quản lý. Chỉ khi có sự thống nhất, hạ tầng đô thị Huế mới đồng bộ. Song, với nhiệm vụ của mình, chúng tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình để đô thị Huế ngày càng xanh, đẹp hơn. Trước tiên sẽ tập trung đầu tư chỉnh trang hai bờ sông Hương, tiến đến chỉnh trang phía bờ Bắc để kết nối hai bờ sông Hương, tạo sự đồng bộ cho đô thị Huế.

Tâm Huệ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Return to top