ClockThứ Tư, 26/10/2016 14:19

Đẩy nhanh tiến độ kè chống xâm thực ở Phú Thuận

TTH - Xã Phú Thuận (Phú Vang) có gần 5,2km chiều dài bờ biển chạy qua 6 thôn. Nhiều năm trở lại đây, hiện tượng nước biển xâm thực lấn sâu vào các khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân sống ven bờ. Việc hoàn thiện hệ thống kè chống xâm thực là cần thiết, đáp ứng mong mỏi của chính quyền và người dân nơi đây.

Trước tình hình biển xâm thực bờ mỗi năm từ 3 đến 5m trải dài hầu hết các thôn, cuối năm 2014, Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng công trình kè chống xâm thực bờ biển Phú Thuận. Công trình được xây dựng tại các thôn An Dương 1, An Dương 2 và 1 đoạn An Dương 3 với tổng chiều dài 893m, chia thành 2 giai đoạn…

Đến nay, công trình đã thi công xong giai đoạn 1 gồm các hạng mục: đường đê bao, đê chắn sóng, cọc thủy lực… của hơn 450m. Hiệu quả bước đầu khá tích cực, cụ thể đợt áp thấp vừa qua không xảy ra tình trạng nước biển xâm thực bờ. Đời sống các hộ dân được ổn định. Ông Nguyễn Văn Bình, một trong số những người trước đây sống gần bờ biển nói: “Có chỗ ở ổn định, mùa mưa bão không lo sợ nữa, chúng tôi cũng yên tâm để làm ăn”. Tuy nhiên, với những vị trí chưa xây kè, người dân vẫn rất lo lắng. Sau đợt áp thấp nhiệt đới vào rạng sáng 14/10, tại 2 đầu công trình gồm các thôn: Tân An, Trung An giáp thị trấn Thuận An và phần còn lại của thôn An Dương 3 giáp xã Phú Hải có tổng chiều dài bờ biển gần 2,7 km không nằm trong dự án thì tình trạng xâm thực tiếp tục diễn ra nghiêm trọng. Vị trí cuối thôn An Dương 3 dài khoảng 700m, mức độ xâm thực vào bờ có chỗ lên đến hơn 5m, với hiện tượng vách cắt dựng đứng có đoạn độ cao từ 5 đến 6m. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, 60 tuổi, một người dân sống lâu năm ở đây thì tình trạng nước biển xâm thực như hiện nay là rất nguy hiểm, chỉ cần một trận mưa bão sẽ kéo khối lượng đất bị biển nhanh, cây cối, nhà cửa dễ bị cuốn theo.

Năm 2013, chính quyền xã Phú Thuận đã tổ chức di dời 40 hộ dân sống cách bờ biển 20m đến khu tái định cư tại thôn Xuân An. Tuy nhiên, những hộ còn lại trước đây được xem ở vị trí an toàn thì đến nay đã bị nước biển đe dọa.

Ông Nguyễn Văn Thìn, ở thôn An Dương 3 cho biết, trước đây từ nhà ông ra đến bờ biển còn có nhiều nhà khác. Mặc dù được xác định nằm trong vị trí an toàn, không phải di dời, nhưng đến nay nhà ông nằm gần biển nhất. Ông Thìn thổ lộ: “Mới là áp thấp nhiệt đới mà năm nay biển đã lấn bờ gấp đôi mọi năm. Nhà tôi chỉ còn cách biển vài chục mét, bão to hay sóng thần đến thì chạy mô cho kịp”. Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, các hộ dân ở đây không ai xây dựng nhà kiên cố, cũng không đầu tư phát triển hoa màu, chuồng trại… do còn lưỡng lự giữa ở và đi. Khu rừng dương phòng hộ được trồng từ nhiều năm nay, giờ gần như không đủ sức chống chọi với sự xâm thực của nước biển, có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Từ tháng 7/2016, công trình chống xâm thực bờ biển ở xã Phú Thuận đã khởi công giai đoạn 2. Chính quyền và người dân ở đây rất yên tâm, nhưng trước tình hình nước biển tiếp tục xâm thực ở những khu vực còn lại ngày càng nghiêm trọng lại là nỗi lo thường trực của người dân. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết: “Trước mắt, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu để có đánh giá tổng quát, sau đó sẽ tìm phương án di dời các hộ dân ở những vị trí không an toàn vào khu tái định cư để người dân yên tâm ổn định cuộc sống”.

HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển

Tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp ở một số địa phương ngay giữa mùa khô. Nguồn vốn tiếp tục được "rót" để xây kè, xử lý khẩn cấp các đoạn bờ xung yếu ở các địa phương.

Xây kè ứng phó sạt lở bờ biển
Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024

Ngày 25/2, UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) tổ chức lễ ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024. Sau tiếng trống xuất quân, đoàn tàu đánh bắt xa bờ rẽ sóng ra khơi, với hy vọng một năm thắng lợi, tôm, cá đầy khoang.

Ra quân đánh bắt thủy sản năm 2024
Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

Nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở biển về lâu dài, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương kiểm tra, khảo sát đề xuất phương án xử lý chống sạt lở và lập chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp, nhằm từng bước đầu tư khi có nguồn vốn.

Cần nguồn vốn xây kè ứng phó sạt lở biển

TIN MỚI

Return to top