ClockThứ Năm, 19/01/2023 06:20

“Huyết mạch” phía tây đô thị

TTH - Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương vừa khởi công là tin vui của nhiều người dân Huế. DA này đang được kỳ vọng sớm hoàn thành mở cơ hội thúc đẩy phát triển liên vùng không riêng phía tây TP. Huế.

Phía tây nhiều mới lạHoàn thiện diện mạo đô thị vùng caoXây dựng đô thị phía tây

Mô phỏng cầu vượt sông Hương nhìn từ trên cao

Điều ước thành hiện thực

Những chiếc cần cẩu tập kết vận liệu, sắt thép hiện diện bên bờ bắc sông Hương thuộc phường Kim Long, TP. Huế rộn ràng, không chỉ làm cho người dân địa phương vui mừng.

Ông Lê Hữu Mạch (90 tuổi, 134 Kim Long, TP. Huế) chia sẻ, khi nghe đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương xây dựng mở rộng, lòng ông phấn khởi lâng lâng khó tả. Theo ông Mạch, qua theo dõi thông tin được biết, sau khi DA hoàn thành sẽ là cú hích không riêng ở phường Kim Long mà còn cả khu vực DA đi qua sẽ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đồng thời, tạo điều kiện thu hút đầu tư, góp phần khai thác các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương…

Vài thập niên trước, với quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm đột phá xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông không chỉ ở khu vực TP. Huế, trong đó có hệ thống cầu Tuần, chợ Dinh..., gần đây là cầu Dã Viên bắc qua sông Hương để kết nối giao thông thuận lợi; phát triển KT-XH. Ngoài lợi ích kinh tế những cây cầu này còn tô vẽ cảnh quan cho đô thị Huế thêm văn minh, hiện đại, xứng tầm thành phố văn hóa du lịch của Việt Nam.

Gần đây trước nhu cầu phát triển, "chiếc áo" đô thị Huế dường như chật hơn do quy mô dân số, phương tiện giao thông gia tăng nên các tuyến đường nội đô thường bị ùn tắc vào giờ cao điểm, kìm hãm sự phát triển liên vùng. Chính điều đó hơn một thập niên qua nhiều người dân đã ước ao có thêm cầu vượt sông Hương ở phía tây TP. Huế và giờ đã thành hiện thực.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình giao thông tỉnh (BQL DA XDCTGT) thông tin, sau nhiều lần lỡ nhịp, ngày 23/12 mới đây, DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chính thức khởi công xây dựng. DA có quy mô đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương (ngân sách Trung ương 800 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương).

 Theo quy mô thiết kế, DA hoàn chỉnh, gồm 2 hạng mục chính là xây dựng cầu vượt sông Hương (điểm đầu thiết kế cầu tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng; điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân) và hạng mục đường Nguyễn Hoàng (nhánh đường vào cầu vượt phía bờ bắc sông Hương, chiều dài tuyến khoảng 1,08km).

"DA do BQL DA XDCTGT tỉnh làm chủ đầu tư và Liên danh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế... thi công, với thời gian 3 năm kể từ ngày khởi công" - ông Quyền cho biết thêm.

Bản đồ tổng thể hai nút giao bắc - nam cầu vượt sông Hương

Phối hợp, đảm bảo kế hoạch tiến độ

Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND phường Phường Đúc, TP. Huế chia sẻ, DA ra đời hứa hẹn tháo các "nút thắt" là ước mơ bấy lâu của người dân địa phương. Trước hết, với tiềm năng địa phương phát triển thương mại, dịch vụ như Phường Đúc có nhiều cơ hội để chuyển mình, nhất là sản phẩm các làng nghề được thông thương. Kỳ vọng hơn là tạo cú hích góp phần thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng ở vùng phía tây TP. Huế. Người dân đầu tư mở quán sá, nhà hàng, kinh doanh trao đổi hàng hóa sầm uất.

Với cơ hội trên, khi DA mở ra phường Phường Đúc có 107 hộ phải thu hồi hơn 12.900m2 (đất đô thị 11.710,5m2, đất giao thông 1.237,9m2, còn lại là các loại đất khác) nhưng hầu hết đều có tâm trạng phấn khởi, hưởng ứng tham gia công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Hiện nay Phường Đúc đang phối hợp kiểm kê các quán sá, tài sản trên đất mà tuyến đường đi qua; ngoài ra đã thống kê thu hồi các loại đất ảnh hưởng, chờ đơn vị chức năng thẩm định giá...

Theo ông Bùi Ngọc Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế (đơn vị triển khai công tác GPMB DA), khi triển khai DA có 131 hộ gia đình của phường Kim Long và phường Phường Đúc,TP. Huế ảnh hưởng phải thu hồi hơn 35.705m2 đất. Bên cạnh thu hồi đất bị ảnh hưởng DA của phường Phường Đúc, tại phường Kim Long có 25 hộ thu hồi 22.752,5m2 (đất đô thị 2.790,0m2; đất giao thông 670,5m2...). Trong số hộ dân ảnh hưởng DA, dự kiến có hơn 70 hộ chính và hàng chục hộ phụ phải tái định cư (TĐC) nơi ở mới. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với Chủ đầu tư DA đẩy nhanh việc kiểm kê, thẩm định đất thu hồi và có kế hoạch chi trả bồi thường, xúc tiến công tác TĐC cho người dân ảnh hưởng DA đến khu quy hoạch Lịch Đợi giai đoạn 4, tại phường Thủy Xuân, TP. Huế. Dự kiến công tác GPMB và TĐC phấn đấu hoàn tất trong tháng 8/2023.

Từ những lợi ích thiết thực mà DA sẽ mang lại, nhiều người dân ở Phường Đúc và Kim Long kỳ vọng cầu vượt sông Hương thi công đảm bảo tiến độ, đưa vào sử dụng đúng kế hoạch. Ngoài đảm bảo tiến độ thì chất lượng DA là vấn đề mà nhiều người quan tâm, mong muốn các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, lưu ý chủ đầu tư, các nhà thầu... thực hiện đúng quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng, an toàn lao động...

Ông Lê Tiến Vĩnh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, TP. Huế, DA đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương là một trong những DA giao thông trọng điểm của tỉnh xây dựng giai đoạn 2021-2025. Khi công trình hoàn thành sẽ kết nối các DA giao thông sắp triển khai, nhất là đường vành đai 3 phía tây sẽ giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi; giải quyết xung đột giao thông trên các tuyến và rút ngắn thời gian từ TP. Huế đến các địa phương phụ cận. Đây là DA kết nối phát triển KT-XH liên vùng, đánh thức tiềm năng thương mại - dịch vụ, du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội mới cho đô thị Huế.

DA có hạng mục cầu vượt qua sông Hương với chiều dài khoảng 380m, rộng 43m (bằng bề rộng đường Nguyễn Hoàng và đường Vành đai 3), với các làn xe ô tô và mô tô cùng các dải an toàn trên mỗi hướng xe chạy; làn đi bộ rộng 3m được bố trí khác mức ở cả hai bên cầu. Trên mặt bằng, các lề bộ hành được rẽ nhánh xuống công viên hai bên bờ sông bằng 4 cầu nhánh cong.

Tổng chiều dài toàn cầu gồm cả đường hai đầu cầu khoảng 590m. Phía bắc cầu kết nối nút giao giữa đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Hoàng (phường Kim Long). Phía nam cầu nối nút gần kiệt 266 của đường Bùi Thị Xuân (cách làng nghề Đúc đồng, Phường Đúc khoảng hơn 200m hướng lên phường Thủy Biều, TP. Huế) thiết kế theo phương án giao cùng mức và kết hợp chỉnh trang, vuốt nối phù hợp đường hiện trạng.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn đô thị

Có thể thấy, diện mạo Hương Thủy đang thay đổi từng ngày. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng những sự đầu tư để chỉnh trang, tạo mỹ quan đô thị đã giúp Hương Thủy tạo ấn tượng tốt hơn trong mắt người dân và du khách.

Điểm nhấn đô thị
Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị

Chiều 5/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan về giải pháp giám sát, quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường giám sát, quản lý trật tự đô thị
Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương

Với mục tiêu từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương, TP. Huế đã và đang triển khai nhiều dự án (DA) quy mô lớn, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình kịp hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Bước đệm cho thành phố trực thuộc Trung ương
Lập lại trật tự đô thị

Là đô thị trung tâm, lưu lượng người và các phương tiện tham gia giao thông đông, đặc biệt là 3 tháng cuối năm 2024 nên TP. Huế triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông (TTĐT - ATGT) trên địa bàn.

Lập lại trật tự đô thị

TIN MỚI

Return to top