ClockThứ Bảy, 17/08/2024 11:34

Nguy cơ sạt lở bờ sông ở Nam Đông

TTH - Nằm ở thượng lưu lòng hồ Tả Trạch, xã Hương Sơn (Nam Đông) đối diện với tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng do dòng nước chảy xiết. Giải pháp công trình ứng phó sạt lở được xem là cần thiết hiện nay.

Xử lý sạt trượt tại công trình xử lý rác Hương BìnhNguy cơ vùi lấp hồ thủy lợi Khe NgangĐầu tư kè ứng phó sạt lở bờ sông

 Sông Tả Trạch chảy qua địa bàn xã Hương Sơn (Nam Đông) bị sạt lở nhiều điểm

Sạt lở diễn biến phức tạp

Đứng ở khu vực cầu Hương Sơn nhìn xuống, hai bờ sông Tả Trạch nham nhở các điểm sạt lở đất. Dấu tích còn lại của đợt mưa lũ cuối năm 2023 là những đoạn sông bị sạt lở, xâm thực lên phần đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Nơi đây sạt lở đã ăn vào đất vườn, cách nhà dân chừng 50-70m, đe dọa nhiều diện tích rừng kinh tế.

Ông Trần Xuân Ngọc, một hộ dân sống gần khu vực cầu Hương Sơn cho biết, kể từ mùa mưa lũ năm 2020, bờ sông Tả Trạch sạt lở mạnh hơn, nhiều diện tích đất vườn của người dân đã bị mất. Dự báo năm nay mưa bão lớn, bà con rất lo lắng. Nếu tình trạng xâm thực này kéo dài, chắc chắn sạt lở sẽ đến mép nhà dân, đất vườn cũng không còn. Bà con mong muốn được xây kè kiên cố để ứng phó sạt lở.

Ông Nguyễn Sang, cán bộ Địa chính - Môi trường - Nông nghiệp xã Hương Sơn thông tin, hiện nay sạt lở nghiêm trọng nhất nằm ở địa phận thôn Ta Rung với chiều dài 200m, cách nhà người dân chỉ vài chục mét. Toàn tuyến sông Tả Trạch sạt lở nhiều điểm từ thôn Ta Rung đến thôn A2 trên chiều dài khoảng 2.500m. Qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, nguyện vọng người dân cũng như chính quyền muốn được đầu tư xây dựng kè nhằm kiên cố hóa bờ sông để bảo vệ đất sản xuất, ổn định đời sống.

Khu tái định cư xã Thượng Long đang triển khai xây dựng 

“Từ nhiều năm trước, để ứng phó sạt lở khu vực trọng điểm, UBND huyện đã đầu tư xây dựng đoạn kè khoảng 300m qua thôn Bha Bahar. Tuy nhiên, hiện nay sạt lở xuất hiện nhiều điểm hơn và kéo dài trên cả hai bên bờ sông qua địa bàn xã, đe dọa đến đời sống hàng chục hộ dân. Nguyên nhân là do xã Hương Sơn dù nằm ở thượng lưu hồ Tả Trạch, vào mùa mưa lũ, khi hồ tích khiến nước dâng, trong khi đó phía trên thủy điện Thượng Nhật điều tiết lưu lượng hoặc xả lũ khiến dòng chảy mạnh, gây sạt lở hai bên bờ”, ông Sang cho biết thêm.

Hàng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đều đưa ra cảnh báo các điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động cảnh báo, ứng phó trong thời điểm mưa lũ.

Tại huyện Nam Đông, cơ quan chức năng khuyến cáo cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất đá, mái taluy tuyến đường cao tốc La Sơn – Túy Loan qua địa bàn huyện, nhất là đoạn qua xã Hương Phú, Hương Lộc, thị trấn Khe Tre; đề phòng lũ quét, sạt trượt đất ở các khu vực dân cư ven sườn đồi, sông suối thuộc các xã Thượng Quảng, Thượng Long, Thượng Nhật, Hương Xuân, Thượng Lộ; các đoạn sạt lở ven sông Thượng Nhật, Tả Trạch thuộc địa bàn Thượng Long, Thượng Nhật, Hương Xuân, Thượng Lộ, Hương Sơn và thị trấn Khe Tre. Đặc biệt, có 9 vị trí nguy cơ sạt lở cao khi mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng đến các khu dân cư trên địa bàn huyện.

 Xây kè, di dân tái định cư

Theo UBND huyện Nam Đông, sau khi xác định các vị trí dân cư có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, UBND huyện đã tiến hành quy hoạch và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án tái định cư mới nhằm từng bước thực hiện công tác di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai xảy ra, như: Khu tái định cư Tà Rinh, xã Thượng Nhật, điểm định cư tập trung xã Thượng Long, khu tái định cư thị trấn Khe Tre…

Tuy nhiên, Nam Đông là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai, nên cần sự quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh để thực hiện.

Trên cơ sở báo cáo rà soát, kiểm tra các điểm sạt lở trên địa bàn huyện, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đã có chủ trương đầu tư Dự án di dời dân cư khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Trong đó, có dự án thành phần Di dân tái định cư tập trung thôn Lấp, Tà Rinh, A Tin, xã Thượng Nhật. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, hoàn thiện các thủ tục để triển khai.

Ông Dương Thanh Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định, việc đầu tư xây dựng kè ứng phó sạt lở dọc bờ sông đoạn qua xã Hương Sơn với chiều dài khoảng 2.500m và một số đoạn qua các xã, thị trấn Hương Phú, Khe Tre để đảm bảo an toàn giao thông đi lại, bảo vệ đất sản xuất, ổn định đời sống người dân là cần thiết. Nguồn kinh phí xây dựng công trình lớn, trong lúc ngân sách địa phương còn khó khăn, nên huyện đề xuất tỉnh có giải pháp về xây dựng các công trình ứng phó sạt lở cũng như xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dời các hộ dân vùng trọng điểm thiên tai.

Trước mắt, UBND huyện Nam Đông chỉ đạo chính quyền địa phương có biện pháp bố trí tiêu vè, rào chắn, lắp dựng các biển cảnh báo tại khu vực sạt lở nguy hiểm; khuyến cáo người dân không được cơi nới lấn chiếm, đổ chất tải nặng trên bờ sông đang bị sạt lở. Trong mùa mưa lũ, chủ động phương án di dời, dự trữ vật tư dự phòng “4 tại chỗ” và có kế hoạch bố trí kinh phí để xử lý tạm thời khi có sạt lở xảy ra.

Dự án di dân tái định cư tập trung thôn Lấp, Tà Rinh, A Tin, xã Thượng Nhật có tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng. Địa điểm được chọn dự kiến tại khu sản xuất ở thôn 5, xã Thượng Nhật, cách vị trí cũ khoảng 2km với diện tích 2,6ha. Khu vực này có địa hình dốc nhỏ tương đối bằng phẳng, thuộc đất trồng cây hàng năm, đất sản xuất, nguồn nước và điện sinh hoạt sẽ đầu tư đấu nối từ trục chính giao thông cách vị trí dự kiến 500m.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Siêu trộm” 5 tiền án sa lưới

Ngày 11/10, Công an huyện Nam Đông cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Đức Toàn (SN 1990, trú tại phường Vỹ Dạ, TP. Huế) về hành vi trộm cắp tài sản.

“Siêu trộm” 5 tiền án sa lưới
Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan sẽ khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Điều này làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện một quy trình nghi lễ bỏ mả truyền thống cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu
Nguy cơ “đất chảy” ở đường 71

Kiểm tra an toàn các công trình thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Rào Trăng, Sở Công thương cảnh báo, đường 71 đã xuống cấp nghiêm trọng, sạt lở tạo nên nhiều “hàm ếch” trên tuyến. Để kịp thời phục vụ công tác ứng phó thiên tai năm 2024, Sở Công thương yêu cầu các thủy điện sửa chữa tạm thời các điểm hư hỏng nặng và cắm biển cảnh báo các vị trí sạt lở.

Nguy cơ “đất chảy” ở đường 71

TIN MỚI

Return to top