ClockThứ Bảy, 08/04/2023 06:10
DỰ ÁN NÂNG CẤP HẠ TẦNG NGHỀ CÁ VÀ TÁI TẠO HỆ SINH THÁI THỦY SINH:

Hoàn thành trong năm 2023

TTH - Do có nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dẫn đến chậm tiến độ, nhằm tăng tính bền vững cho công trình nên chủ đầu tư là Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ cho phép gia hạn thời gian hoàn thành các Dự án Xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản.

Các dự án hạ tầng nghề cá: Tiếp tục gia hạn

leftcenterrightdel
 Triển khai thi công hệ thống hạ tầng cảng Tư Hiền

Nạo vét chỉ 30% khối lượng

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư và Xây dựng NN&PTNT tỉnh, sau một thời gian thi công, đến nay tổng khối lượng xây lắp các hạng mục thuộc dự án Cảng cá Tư Hiền mới chỉ đạt 72%. Trong đó chậm nhất là hạng mục đê ngăn cát, giảm sóng phía Bắc với khối lượng thi công được 75% và nạo vét luồng lạch, khu neo đậu cảng đạt khoảng 30% trên tổng số 220 nghìn m3 vật chất nạo vét. Dự án chậm thi công nhiều hạng mục, dù đã xin gia hạn tiến độ lần thứ 2.

Ghi nhận của PV cho thấy, hiện nay các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thành các hạng mục trên bờ như hạ tầng cảng cá, đài trữ nước, đường nội bộ. Đối với các hạng mục đê chắn sóng, nạo vét do ảnh hưởng của thời tiết và công tác GPMB nên không thể thi công được.

Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình (Sở NN&PTNT) thông tin, việc chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các dự án đều được đầu tư xây dựng trong vùng biển có nhiều ảnh hưởng thiên tai, điều kiện địa hình, địa chất phức tạp. Dự án có nhiều hạng mục nên quá trình thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh khi triển khai đã kéo dài thời gian thực hiện.

Cụ thể, đối với Dự án Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão do đặc thù công trình có hạng mục đê ngăn cát giảm sóng, đây là hạng mục công trình chỉnh trị cửa biển Tư Hiền nên trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư mất khá nhiều thời gian.

Quá trình triển khai thi công cần bổ sung, điều chỉnh một số hạng mục nhằm đảm bảo an toàn và phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, hạng mục này thi công phụ thuộc lớn vào thời tiết và biến động giá cả vật liệu xây dựng trên thị trường cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ thị công.

Đặc biệt, hiện vướng mặt bằng thi công nạo vét các tuyến luồng lạch và khu neo đậu, 55 trường hợp người dân bị ảnh hưởng chờ cấp có thẩm quyền chấp thuận đơn giá bổ sung, sau đó mới phê duyệt hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, trong quá trình thi công các tuyến đê tạm khu vực tiếp nhận vật chất nạo vét bị sự phản đối của người dân, phải huy động chính quyền địa phương và các lực lượng chuyên trách trên địa bàn hỗ trợ, do đó đã kéo dài thời gian thực hiện hạng mục dự án.

Tiếp tục hoàn thành

Một dự án khác là Dự án cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão đã thi công hoàn thành. Công trình vận hành sẽ đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU, đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên (công suất từ 45 đến 300CV), nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão, phát triển bền vững nghề cá.

Tuy nhiên, để đảm bảo lưu thông cho tàu cỡ lớn khi vận chuyển hàng hóa ra vào cảng và trong tình huống khẩn cấp tránh trú bão; tăng tính ổn định bền vững và thẩm mỹ cho công trình; đồng thời có thời gian bổ sung lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh dự án để sử dụng nguồn kinh phí dự phòng còn lại đầu tư thêm một số hạng mục.

Theo đó, sẽ nạo vét luồng tuyến khu nẹo đậu, luồng tuyến ra vào cảng với chiều dài 740m, từ cao độ -2,6m đến cao độ -3,4m (tăng 0,8m so với thiết kế ban đầu). Xây dựng nhà để xe, khu nhà quản lý điều hành. Lát gạch terrazzo khu hạ tầng kỹ thuật, ốp innox chân 64 trụ nhà cá.

Đối với dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh hiện đã hoàn thành hồ sơ dự án của 2 hợp phần và đã trình xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Theo đó, dự án gồm 2 hợp phần: Thả rạn nhân tạo khoảng 3km2 và hợp phần phục hồi, tái tạo rạn san hô khoảng 4ha đến 6ha, với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng.

Theo ông Thái Văn Phúc, đây là dự án lần đầu tiên thực hiện trên địa bàn tỉnh. Do dự án còn mới, có  tính đặc thù, các định mức kinh tế xây dựng chưa có nên gặp khó khăn trong công tác thẩm định, phê duyệt dự toán để tổ chức thực hiện. Đồng thời, nguồn giống không thể thực hiện đảm bảo phần diện tích nên phải điều chỉnh diện tích phục hồi rạn san hô và thả rạn san hô nhân tạo. Việc phục hồi và tái tạo rạn san hô sau khi thực hiện cần có thời gian kiểm tra, theo dõi.

Do tính chất phức tạp dự án nên trong quá trình xin ý kiến của bộ, ngành Trung ương phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. Mặt khác, hiện nay dự án này mới chỉ được bố trí nguồn tạm ứng 50 tỷ đồng để thực hiện và UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ phân bổ kinh phí để triển khai các bước tiếp theo.

Hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư là Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đốc thúc các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn nhằm hoàn thành các hạng mục. Đồng thời, để đảm bảo thực hiện hoàn thành các dự án và phát huy hiệu quả đầu tư, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét, đề xuất Chính phủ xin gia hạn thời gian hoàn thành các Dự án Cảng cá Thuận An đến 30/4, Cảng cá Tư Hiền đến hết tháng 30/9 và Dự án Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản đến 31/12/2023.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường đầu tư hạ tầng lưới điện

Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng lưới điện; xây dựng mới, sửa chữa lưới điện đạt chuẩn tại các địa phương đang xây dựng nông thôn mới (NTM)… sẽ góp phần phát huy các lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng cường đầu tư hạ tầng lưới điện
“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng

Sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) là ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng, sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên. Do đó, thúc đẩy chuyển đổi ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng “xanh hóa” sẽ đóng góp tích cực vào chuyển đổi xanh nền kinh tế, hướng đến phát triển bền vững.

“Xanh hóa” ngành vật liệu xây dựng
Đầu tư hạ tầng cảng biển

Với lợi thế có hơn 128km đường bờ biển cùng hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai lớn nhất khu vực Đông Nam Á, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chú trọng các dự án (DA) đầu tư vào hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá.

Đầu tư hạ tầng cảng biển
Return to top