Đường tỉnh 7 là tuyến huyết mạch nối Quốc lộ 1A với nhiều địa phương vùng miền núi, gò đồi thị xã Hương Thủy. Nhiều năm nay, tuyến đường này phải gánh một lượng lớn phương tiện quá khổ, quá tải từ các mỏ vật liệu trên địa bàn thị xã chở ra Quốc lộ 1A phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh.
Tính chất công trình chỉ thảm thêm lớp nhựa đường 5cm, dựa trên mặt nền đường cũ
Nhằm nâng cấp tuyến đường, dự án ATGT và mở rộng đường cong đoạn Km0+000 đến Km3+000 được triển khai đầu năm 2020. Công trình nâng cấp mặt đường dài 2km (điểm đầu nối Quốc lộ 1A và điểm cuối nối đường tránh Huế; riêng 1km giữa không triển khai nâng cấp), trên cơ sở nền đường cũ rải đá cấp phối 10cm và thảm nhựa 5cm, bổ sung thêm trụ tiêu, biển báo sơn đường đảm bảo an toàn giao thông với tổng kinh phí 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình mới hoàn thiện nghiệm thu đưa vào sử dụng chưa lâu thì xuất hiện hàng chục điểm nứt nẻ, vỡ vụn mặt đường.
Sáng 29/4, PV đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận tình trạng xuống cấp cũng như sửa chữa, khắc phục mặt đường của đơn vị thi công. Đoạn đầu Tỉnh lộ 7 nối Quốc lộ 1A đi vào chỉ vài trăm mét đã xuất hiện khoảng 10 điểm mặt đường có dấu hiệu nứt, vụn vỡ. Đơn vị thi công đã đánh dấu sơn vạch đỏ và đang chuẩn bị tiến hành cắt, bóc những đoạn này với kích cơ từ 1-3m2.
Đây là mặt đường nhựa vừa mới thảm xong, nằm sát khu dân cư với lưu lượng phương tiện khá nhiều làm mặt đường nhanh hỏng hơn. Ông N.V.D (phường Thủy Phương), một người dân cho biết: “Thời điểm thi công, những hộ dân chúng tôi rất khổ sở không chỉ bởi đường bụi bặm, ô nhiễm mà còn có nhiều phương tiện xe tải trọng lớn lưu thông. Mới đưa vào sử dụng mà hỏng như thế này, để thời gian nữa xe tải chạy ngày đêm e còn hỏng nặng hơn nữa”.
Không chỉ vỡ vụn, nứt bề mặt mà càng đi về phía đoạn tuyến giáp với đường tránh Huế, đường tỉnh 7 càng xuất hiện nhiều điểm bong tróc với quy mô lớn (từ 4-5m2) và quy mô dày đặc hơn. Ở đoạn này, mặt đường bị lún, bong ra lớp nhựa rơi vãi trên đường và đơn vị thi công đã đo đạc tiến hành cắt, cào bóc lớp nhựa bề mặt để đổ lớp bê tông mới. Đặc biệt, những điểm hư hỏng chỉ xuất hiện ở mặt đường mới thảm nhựa, còn mặt đường cũ (đoạn 1km ở giữa tuyến) thì hầu như không hề hấn gì!
Ông Trần Quang Ánh, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Công ty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình (QLĐB&XDCT) tỉnh - đơn vị thi công đồng thời quản lý tuyến đường, thừa nhận tuyến Tỉnh lộ 7 đang xuất hiện nhiều điểm hư hỏng mặt đường và cho rằng thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều điểm nữa bởi phải “gánh” một lượng lớn xe quá tải trọng.
Đơn vị thi công đang tiến hành "vá" lại đường
“Quá trình thi công chúng tôi cũng “khổ sở”, thiệt hại do xe quá tải trọng (từ 40 - 50 tấn) chạy liên tục với mật độ cao. Đường đang thi công hỏng phải làm lại. Mặc dù tuyến Tỉnh lộ 7 không hạn chế tải trọng nhưng đây là tuyến đường cấp IV đồng bằng, chỉ chịu được tải trọng tối đa là “1 trục” 10 tấn. Đây là công trình mang tính chất gia cố mặt đường trên cơ sở nền đường cũ nên với xe quá tải chạy như thế trong thời gian tới sẽ tiếp tục hư hỏng nữa”, ông Ánh nói.
Ông Trần Quang Ánh cho rằng, các vật liệu xây dựng kết cấu mặt đường đều đường nghiên cứu, kiểm nghiệm đầu vào nên không có chuyện chất lượng mặt đường không đảm bảo. Những điểm mới thảm không xuất hiện hư hỏng toàn tuyến mà chỉ vài điểm là do mặt đường phải liên tục “cõng” các phương tiện tải trọng lớn, nền đường nơi nào yếu sẽ bị hỏng trước, nếu kéo dài sẽ hư hỏng nhiều hơn. Chúng tôi đã báo cáo Sở GTVT yêu cầu lực lượng TTGT tăng cường công tác xử lý xe quá tải và xin bổ sung kinh phí để sửa chữa, nâng cấp tuyến đường này.
“Qua kiểm tra của đơn vị có khoảng 50m2 các điểm hư hỏng trên mặt đường. Chúng tôi sẽ tiến hành khoanh vùng và sửa chữa dần. Theo đó, sẽ tiến hành cắt, cào bóc và xử lý gia cố bằng xi măng, đầm lại và thảm nhựa lên”, ông Anh cho biết thêm.
Tuyến Tỉnh lộ 7 xuống cấp nhiều điểm
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyên