ClockThứ Năm, 17/01/2013 05:41

Làm ruộng đồng sâu

TTH - Yếu tố đầu tiên là nước trong câu ca “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã không còn ứng nghiệm với những đồng ruộng xứ thấp như Bàu Ô ở Vinh Hà (Phú Vang) hay những bàu ruộng thấp trũng tại Hương Phong (Hương Trà). Muốn phát triển sản xuất, các hợp tác xã và bà con nông dân phải xử lý vấn đề thoát nước và khai thác những đồng ruộng trũng này thế nào cho khoa học và hợp lý, do vậy là một bài toán khó.

Xã Vinh Hà có 933 ha lúa thì Bàu Ô chiếm tới một nửa. Đây được ví như một con sông lớn. Xưa người dân Vinh Hà khai thác Bàu Ô rộng lớn bằng một vụ lúa không ra hè thu và cũng chẳng giống đông xuân, khi gieo trồng vào khoảng tháng 3 và thu hoạch vào tầm tháng 6-7. Dù khung lịch thời vụ nằm gọn trong mùa hè, nhưng khi gieo cấy nước vẫn ngập sâu từ 1 đến 1,2m. Không chỉ khó khăn trong triển khai mùa vụ mà hiệu quả gieo trồng cũng không cao khi chỉ gieo cấy được các giống lúa địa phương hay nông nghiệp năng suất thấp như 203.

Lời giải cho Bàu Ô là cải tạo đồng ruộng bằng việc xây dựng các con đập, hình thành nên những bờ vùng, bờ thửa để tiêu úng. Vinh Hà đã thành công khi giải quyết bài toán khó ruộng sâu bằng biện pháp thủy lợi. Khi đã căn bản chủ động được nguồn nước thì chuyển đổi giống lúa, thực hiện cơ giới hóa trong làm đất, thu hoạch trên cơ sở có một kế hoạch chung thống nhất là điều nằm trong tầm tay. Ngay cả người dân Vinh Hà cũng phải ngỡ ngàng khi có thể sử dụng máy cày gặt đập trên đồng ruộng sâu trũng là Bàu Ô. Vào mùa thu hoạch, chỉ cần trước đó từ 10 đến 15 ngày, cho tiêu nước trơ đất giúp nền rắn lại là máy gặt đập có thể xuống bàu, thu hoạch với giá thành vừa rẻ lại nhanh, tránh được mưa lụt bất ngờ ập đến. Chi phí thấp nên hiệu quả hạt lúa làm ra là điều thấy rõ.

Cũng là lời giải cho vùng ruộng sâu trũng là sản xuất an toàn bằng nuôi trồng xen ghép. Trên cùng một diện tích mặt nước hay đất đai nuôi trồng nhiều loại cây con khác nhau để sinh lợi. Với xã Hương Phong, đó là việc lựa chọn xen ghép trồng lúa chịu mặn địa phương với nuôi cá nước ngọt mà chủ yếu là cá rô phi đơn tính. Cây lúa và con cá gộp lại, nguồn lợi cũng theo đó mà tăng lên gấp đôi. Cũng chính Hương Phong khi áp dụng mô hình nuôi tôm sú xen ghép với cua và cá kình (hay cá đối) đã nhìn thấy sự tương trợ và bổ sung cho nhau, giúp hạn chế được chi phí cho người nuôi và tạo ra môi trường nuôi tốt. Đáng nói, nuôi trồng xem ghép, con tôm chết đã có thu nhập từ cua, cá bù vào. Vậy là đỡ lo chuyện trắng tay “mất cả chì lẫn chài” trong đầu tư sản xuất, đặc biệt khi mà chi phí đầu vào rất lớn, nguồn vốn chủ yếu là vay mượn, dựa nhiều vào kênh vay vốn ngân hàng.

Kinh nghiệm làm ruộng đồng sâu ở Vinh Hà hay Hương Phong là tìm kiếm một giải pháp kinh tế vừa khắc chế được những khó khăn do điều kiện tự nhiên tạo nên, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, lại không quên điều căn bản về “an toàn là bạn”. Nó không quá mới lạ nhưng cũng là chuyện cần tham khảo, học hỏi và nhân rộng.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top