ClockThứ Tư, 01/07/2015 14:49

Lão nông “độ” máy

TTH.VN - Thời tiết khô hạn, hiệu suất làm việc trong nông nghiệp thấp là động lực giúp lão nông Trần Bình Thương (61 tuổi, thôn Sơn Quả, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) chế tạo những loại máy móc tăng hiệu quả sản xuất…

Giờ đây, các loại máy móc của ông Thương đã trở thành “thương hiệu” không chỉ tại địa phương mà còn vươn xa đến các huyện trong tỉnh.

Say mê sáng tạo

Xuất thân từ dân cơ khí, năm 1977, ông Thương được cử đi học lớp cơ khí tại TP. Huế trong 6 tháng để về phục vụ tại trạm bơm thủy nông của huyện Hương Điền (cũ). Theo nghề cơ khí đã trên 30 năm, mở xưởng và chế tạo các loại máy phục vụ, tăng hiệu suất trong nông nghiệp tại xã Phong Sơn hơn 10 năm, ông Thương đã có hàng loạt sáng chế hữu ích cho người nông dân.


Máy bơm nước gắn trước đầu máy cày rất cơ động, tháo lắp dễ dàng và hiệu suất lấy nước cao

Sản phẩm sáng tạo đầu tiên của ông là từ máy cắt cỏ “độ” thành máy cắt lúa mà theo như lời ông nói hai cha con phải làm sáng đêm mới đủ “hàng” xuất cho bà con. Là vùng gò đồi, Phong Sơn nhiều năm về trước thường không đủ máy móc để phục vụ trong nông nghiệp. Đặc biệt là máy gặt lúa ở những chân ruộng ướt, máy gặt nặng nề không thể xuống được. Từ chiếc máy cắt cỏ động cơ có xăng, ông Thương đã chế thêm chiếc lồng có gắn bộ phận điều khiển ở tay. Khi lúa gặt, bà con nông dân cứ “đi” từng lớp một. Dùng cần điều khiển gom lúa lại rất tiện lợi.

Ông Thương “thuyết trình” về chiếc máy của mình: “Trước đây 1 sào lúa phải tốn 4 người cắt (mất 4 công), mỗi công 150 nghìn đồng. Giờ đây từ chiếc máy này chỉ cần 1 người, cắt trong 45 phút, chỉ tiêu tốn khoảng 300ml xăng. Năm 2008, từ những cái máy đầu tiên tui chế trong xã, người dân TX Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc thấy hiệu quả ở vùng gò đồi nên đổ xô về mua, đặt máy tui làm rất đông. Thời điểm đó 2 cha ông tui làm từ sáng tới tối mịt mới đủ nguồn hàng cung cấp cho họ”.

Đặc điểm của máy này là tháo lắp dễ dàng, giá cả chênh lệch rất ít so với máy cắt cỏ nguyên gốc nên hợp với túi tiền của bà con nông dân. Giờ đây, các máy gặt, đánh đất với nhiều tính năng hiệu quả ra đời, máy cắt lúa từ động cơ cắt cỏ không còn phổ biến như trước, nhưng đối với bà con vùng gò đồi ở nhiều địa phương có sản xuất lúa thì nó đã trở thành công cụ không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Cao Đình Hưng, cán bộ khuyến nông- lâm- ngư xã Phong Sơn đánh giá: “Vào thời điểm các máy móc phục vụ nông nghiệp chưa phổ biến thì máy gặt lúa cầm tay với đặc tính gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí thu hoạch của ông Thương đã trở thành “cứu cánh” cho nhiều nông dân. Hiện nay, ở các vùng gò đồi vẫn còn sử dụng loại máy này, chứng tỏ “sức sống” của nó trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn.”

Tăng hiệu suất, khắc phục khô hạn

Thời tiết những năm trở lại đây diễn biến phức tạp, người nông dân ngày càng đối diện với tình trạng khô hạn, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Một trong những nguyên nhân là hệ thống các trạm bơm chưa cơ động, vươn xa hơn tới các vùng có nước, vùng gò đồi.


Máy thái sắn của ông Thương hiệu quả thái sắn gấp 10 lần so với máy quay tay

Thấy được tình hình đó, sau nhiều tháng tháo lắp, tính toán, ông Thương đã sáng tạo ra trục máy bơm gắn vào đấu máy cày đánh đất. Loại máy này gồm cánh quạt bơm, trục bơm và nơi gắn bộ phận truyền lực từ động cơ máy cày. Máy được chế tạo rất gọn nhẹ, cơ động có thể gắn đầu máy cày và tháo lắp dễ dàng. Để tăng hiệu suất lấy nước, ông Thương đã chế tạo lại cánh quạt và đặt dây curoa truyền lực từ trục quay động cơ sang lớn hơn so với trục bơm nhằm tăng số vòng tua của máy bơm. Ông còn chế tạo các máy bơm kích cỡ khác nhau phù hợp với nhu cầu của bà con nông dân.

Ông Thương cho biết: “Thông thường để có một máy bơm lấy nước thì cần dây dẫn diện, động cơ, máy bơm (nếu là động cơ điện), còn động cơ dầu diezen thì cần máy móc, bộ truyền lực… quá nặng nề, không thể mang tới những vùng xa chân ruộng để lấy nước. Tui chế máy bơm gắn trên đầu máy cày hiệu quả ở chỗ khi nào máy cày đánh đất làm việc xong có thể cơ động tới vùng lấy nước, gắn thêm bộ phận bơm vào đầu mũi, chuyển dây curoa sang là có thể cơ động lấy nước và tháo lắp dễ dàng.”

Theo tính toán của ông Thương, một máy bơm ông chế có giá khoảng trên dưới 1,2 triệu đồng. Với 30 khối nước, động cơ bơm nước bình thường tiêu tốn khoảng 1,3 lít dầu, với máy bơm ông Thương chỉ tiêu vốn khoảng 0,8 lít mà thôi. Nhờ máy bơm cơ động của ông mà nhiều vùng ở Phong Sơn sản xuất lúa, đậu trước đây khô hạn do thiếu nước, giờ đây đã canh tác được, góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài máy bơm, ông Thương còn chế thêm lưỡi dao thái sắn cũng gắn trên động cơ máy cày. Ở những diện tích sắn sau khi thu hoạch, sẽ dùng máy cày làm đất và bà con có thể thái sắn phơi ngay tại ruộng hay mang sắn về nhà. Loại máy này gồm 3 lưỡi dao gắn cùng trên một mâm quay; bộ phận truyền lực gắn dây curoa... Sắn được đổ vào “miệng” máy cố định. Hiệu suất máy rất cao khi 1 giờ có thể thái được 1 tấn sắn, gấp 10 lần so với máy thái sắn quay tay.

Mỗi mùa vụ nông nghiệp tại xưởng của ông Thương sửa chữa, chế tạo cho khoảng 300 các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương và hàng chục máy móc ở ngoài xã. “Nhà mình vốn cũng làm ruộng, hiểu được những khó khăn trong nông nghiệp của bà con. Mình chế tạo một phần vì mưu sinh, một phần để giúp nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất.”- ông Thương trải lòng. 

“Trên địa bàn xã Phong Sơn hiện có trên 300 máy cơ giới nông nghiệp lớn nhỏ, đều là sản phẩm cải tiến của ông Trần Bình Thương. Hiện, xưởng cơ khí của ông cũng tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên. Bằng những đóng góp được ghi nhận, các sản phẩm máy của ông chế tạo giờ đã trở thành mặt hàng được ưa chuộng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương”, ông Hoàng Công Thiện, Chủ tịch Hội nông dân xã Phong Sơn nhận định.

Hà Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

TIN MỚI

Return to top