ClockThứ Tư, 29/11/2017 10:22

Lo mùa nắng thông suốt mùa mưa

TTH - Cứ mỗi mùa mưa lũ về, "điệp khúc" sạt lở gây ách tắc giao thông lặp đi lặp lại, tập trung ở các tuyến đường qua vùng đèo núi.

Từ đầu tháng 11 đến nay, sạt lở trên các tuyến giao thông đang xảy ra khắp nơi. Nghiêm trọng có thể kể đến sự cố sạt lở trên đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Phú Yên, xảy ra từ ngày 4/11, với hơn 2.000 m3 chôn vùi đường sắt Bắc- Nam, gây tê liệt giao thông đường sắt nghiêm trọng; mãi đến ngày 14/11 mới thông tuyến trở lại. Tương tự, ngày 21/11 vừa rồi, trên tuyến đường sắt Bắc- Nam đoạn qua đèo Hải Vân đã xảy ra 7 điểm sạt lở núi vùi lấp đường sắt, làm 6 chuyến tàu với gần 1.000 hành khách bị mắc kẹt tại ga Lăng Cô…

Cùng với đường sắt, nhiều tuyến đường bộ qua các địa hình đèo núi cũng bị sạt lở ta luy dương, taluy âm gây ách tắc giao thông cục bộ, có khi kéo dài hơn cả ngày. Điều đáng nói tại các cung đường bị sạt lở, cả đường bộ lẫn đường sắt gần như thành quy luật, xử lý điểm này lại phát sinh ở điểm khác. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, sạt lở thường tập trung ở các tuyến QL49A Huế - A Lưới, đường Hồ Chí Minh, vị trí đèo La Hy trên đường 14 La Sơn-Nam Đông và các vị trí tại đèo Hải Vân, đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia nơi có QL1A và đường sắt Bắc- Nam ngang qua. Trong những trận mưa lũ vừa qua, ngoài sạt taluy dương vùi lấp đường sắt đoạn qua đèo Hải Vân như đã nói, các vị trí đường trên cũng bị sạt lở nặng nề. Đặc biệt vị trí sạt lở ở đèo A Co trên QL49A Huế-A Lưới đã cắt đứt giao thông nhiều giờ liền.

Điều ghi nhận là các đơn vị quản lý giao thông đã rất chủ động, sẵn sàng lực lượng và phương tiện tại chỗ để thông tuyến; phối hợp với chính quyền địa phương và công an nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giải tỏa hành khách khi sự cố khắc phục kéo dài. Công tác duy tu bảo dưỡng đã được quan tâm thường xuyên, nhiều tuyến đường còn được nâng cấp sửa chữa lớn. Tuy nhiên, mỗi khi mưa lũ đến, sạt lở vẫn cứ xảy ra; nguyên nhân do chưa xử lý triệt để những “túi” đất đá nằm ở trên cao…

Mạng lưới giao thông của ta hiện nay phần lớn được nâng cấp từ những tuyến đường có từ trước; đường qua vùng đèo núi ít hầm, ít cầu;  thường men núi, thung lũng để phóng tuyến nên rất hiểm trở và thường bị sạt lở khi mùa mưa. Đặc điểm này đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ để đảm bảo giao thông thông suốt.

Trên QL6 đoạn qua huyện Mai Châu (Hòa Bình), Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa thí điểm công nghệ “đóng đinh đất” chống sạt lở ở 3 vị trí; với hàng trăm chiếc đinh sắt cắm sâu vào đá, kết hợp hệ thống lưới thép bao phủ toàn bộ mặt bờ đá; mỗi sợi dây thép cường độ cao được nhập từ Thụy Sỹ chịu lực có độ bền hàng trăm năm; khi các khối đá rơi ra sẽ bị giữ chặt trong tấm lưới. Theo ông Ngô Văn Tuân, Giám đốc Sở GTVT tỉnh, công nghệ này chỉ phù hợp với những mái taluy đá; đối với mái taluy đất tốt nhất là nên bạt càng xuôi càng tốt; đồng thời ngăn hạn chế nước chảy trên mái taluy.

Khi thời tiết thuận lợi, các đơn vị quản lý giao thông cần tiến hành điều tra, đánh giá các vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở để chủ động xử lý kịp thời, nhằm hạn chế sạt lở trong mùa mưa, đảm bảo giao thông thông suốt.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lo nguồn nước sạch

Tính đến cuối năm 2022, Thừa Thiên Huế có 96% người dân được tiếp cận, sử dụng nguồn nước sạch, đạt kế hoạch đề ra.

Lo nguồn nước sạch
Mưa để dành

Đêm qua trời có mưa, chắc có lẽ mưa to mà tôi không biết. Dấu vết để lại là mảnh sân ướt đẫm, còn đọng lại một vài vũng nước nhỏ.

Mưa để dành
Quẳng gánh lo cho giáo viên

Câu chuyện một phụ huynh cãi tay đôi với giáo viên vì cho rằng, mình đã đóng tiền ăn bán trú cho con...

Quẳng gánh lo cho giáo viên
Lo ô nhiễm môi trường ở các khu chợ

Hiện nay hoạt động mua, bán ở các chợ trên địa bàn tỉnh luôn nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng... dẫn đến lượng rác, nước thải phát sinh ngày càng nhiều.

Lo ô nhiễm môi trường ở các khu chợ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top