ClockThứ Năm, 28/01/2016 08:40

Lo nguồn thu FDI

TTH.VN - Nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm gần 1/3 trên tổng số các nguồn thu nội địa mà ngành thuế thực hiện. Trong đó, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam chiếm tỷ trọng gần 90% trong tổng nguồn thu này. Nếu nguồn thu này có biến động, ngân sách tỉnh sẽ khó có nguồn khác để bổ sung, thay thế.

Ảnh hưởng từ các doanh nghiệp lớn

Để thực hiện đạt kế hoạch tăng khoảng 1.000 tỷ đồng cho nguồn thu ngân sách năm 2016, ngành thuế buộc phải tăng chỉ tiêu thu ở tất cả các nguồn thu. Tất nhiên, nguồn thu từ lĩnh vực FDI được điều chỉnh với mức tăng cao nhất, khoảng 300 tỷ đồng, nâng tổng số nguồn thu FDI lên 1.800 tỷ đồng.

Khách du lịch đi dạo ở Laguna. Ảnh: L.Tuệ

 

Để đạt con số này, ngành thuế đã có phương án, bàn bạc, thống nhất với Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam tăng mức nộp nâng sách từ hơn 1.300 tỷ đồng năm 2015 lên 1.500 tỷ đồng năm 2016. Nếu Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam làm ăn thuận lợi thì con số tăng thêm 200 tỷ đồng nộp ngân sách không phải là điều gì quá khó khăn. Song, hiện doanh nghiệp đang vướng tin đồn, cạnh tranh không lành mạnh khiến thị trường trong tỉnh, nơi mà từ trước tới nay được đánh giá là “chung thủy” với bia Huda dần bị một số hãng bia khác chiếm lĩnh, khiến Huda mất dần vị trí.

Điều này khiến không ít người lo lắng cho nguồn thu ngân sách, nhất là lãnh đạo tỉnh và những người làm công tác thuế. Rõ ràng, trách nhiệm trước tiên thuộc về doanh nghiệp, khi sản lượng tiêu thụ giảm, lợi nhuận chắc chắn sẽ giảm, đời sống cán bộ-công nhân viên, người lao động không tránh khỏi ảnh hưởng… Nếu người tiêu dùng không có thái độ đúng đắn trước những tin đồn thất thiệt, hùa theo đám đông để tẩy chay bia Huda, chắc chắn nguồn thu từ lĩnh vực này sẽ không như mong đợi.

Dây chuyền sản xuất bia lon công suất 60 ngàn lon/giờ của Công ty TNHH Bia Huế. Ảnh: Thanh Hương

 

Doanh nghiệp FDI có mức nộp ngân sách thứ hai là Công ty HH Xi măng Luks (Việt Nam) năm vừa qua cũng gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ, nên số nộp ngân sách giảm hơn trước khoảng 20%, tương đương khoảng 86 tỷ đồng. Sắp tới nguồn thu này dự kiến còn khó khăn hơn khi thị trường đầu ra càng lúc càng khó. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự đối với doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực may xuất khẩu là Công ty TNHH Hanes Brands Việt Nam.

Cùng hành động

Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, như với Tập đoàn Carlsberg là khánh thành dây chuyền sản xuất bia lon mới và công bố sản phẩm Huda Gold đạt huy chương bạc cuộc thi vô địch bia thế giới; liên kết tìm kiếm đầu ra và mở rộng thị trường như Công ty HH Xi măng Luks (Việt Nam)…, thì vai trò của các cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng những hành động cụ thể là hết sức quan trọng.

Nhà máy xi măng Luks gặp khó khăn trong tiêu thụ, làm giảm nguồn thu ngân sách. Ảnh: M.Phương

 

Năm 2015, nguồn thu FDI chỉ đạt hơn 95% kế hoạch, tương đương hơn 1.500 tỷ đồng. Trong tổng số hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chỉ có Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam có số nộp ngân sách cao hơn năm 2014, các công ty còn lại đều có số nộp ngân sách giảm, như Công ty HH Xi măng Luks Việt Nam giảm 20%, Công ty TNHH Hanes Brands Việt Nam giảm 83%, Công ty TNHH Laguna Việt Nam giảm 8%...

Cục Thuế tỉnh cho hay, để giúp Công ty HH Xi măng Luks (Việt Nam) ổn định sản xuất và tăng sản lượng tiêu thụ, ngành đã làm việc với chính quyền các địa phương liên quan để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xử lý các vụ việc liên quan đến môi trường để tạo uy tín cho công ty, cũng như khuyến khích, kêu gọi người dân sử dụng các sản phẩm xi măng do công ty sản xuất để doanh nghiệp tăng doanh thu, đảm bảo đời sống cho công nhân, người lao động cũng như đóng góp cho ngân sách.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Phương cho rằng, để thực hiện “Năm doanh nghiệp” 2016, ngành sẽ có tham mưu và đề xuất với lãnh đạo tỉnh thay đổi, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, trong đó quan trọng là thái độ làm việc, cách ứng xử của cán bộ các ban, ngành với doanh nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp cũng như tạo môi trường tốt để kêu gọi đầu tư. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp và kêu gọi đầu tư phải có vai trò quyết định trong việc tăng nguồn thu ngân sách, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn ở những lĩnh vực như điện tử, lắp ráp ô tô…

Cũng liên quan đến các giải pháp kêu gọi đầu tư năm 2016, trong một trả lời với chúng tôi, ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tỉnh đã thành lập tổ công tác, hay còn gọi là tổ giúp việc để hỗ trợ các thủ tục cho doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư trên địa bàn. Vai trò của tổ giúp việc đã phát huy hiệu quả với dự án xây dựng tổ hợp khách sạn và trung tâm thương mại tại ngã sáu Hùng Vương-Hà Nội-Đống Đa (TP Huế) do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tự tin, với thành phần đầy đủ cán bộ các ban ngành, địa phương, chắc chắn tổ giúp việc sẽ hoạt động hiệu quả, giúp tỉnh níu giữ thêm nhiều nhà đầu tư.

Phát biểu tại hội nghị triển nhiệm vụ năm 2016 của ngành tài chính, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho rằng, để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách năm 2016, cần sự chung tay, vào cuộc của tất cả các cấp các ngành, doanh nghiệp, kể cả người dân, trong đó, vai trò của những người đứng đầu các cơ quan, ban ngành khá quan trọng, nhất là trong việc tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, sản lượng, mở rộng thị trường, từ đó tăng doanh thu để nâng cao đời sống cho người lao động, cũng như tăng nguồn đóng góp cho ngân sách.

TÂM HUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Thu hút chuyển giao công nghệ mới từ FDI

Nhiều lợi ích mang lại khi thực hiện chuyển giao công nghệ thông qua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Không chỉ giúp tiết kiệm được nguồn lực mà còn rút ngắn được thời gian nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới với chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây còn là giải pháp hữu hiệu để đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thừa Thiên Huế.

Thu hút chuyển giao công nghệ mới từ FDI
Để doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy tăng trưởng

Đóng góp trên 10% GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt 4.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,8% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh năm 2023 là con số khá ấn tượng về những đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào tăng trưởng chung của kinh tế Thừa Thiên Huế.

Để doanh nghiệp FDI là động lực thúc đẩy tăng trưởng
Thừa Thiên Huế cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Chính quyền sẽ tăng cường các hoạt động, giải pháp đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp FDI phát triển là khẳng định của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị "Gặp gỡ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023” do Sở Kế hoạch và Đầu tư và Câu lạc bộ FDI Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức chiều 19/12.

Thừa Thiên Huế cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Return to top