ClockThứ Hai, 27/07/2015 07:35

Mái ấm cho gia đình chính sách

TTH - Dẫu ngân sách Nhà nước còn hạn chế, nhưng chính sách hỗ trợ nhà ở đã đến với hàng nghìn hộ gia đình có công cách mạng gặp khó khăn ở mọi vùng miền. Nhờ an cư lạc nghiệp, gia đình chính sách thấy ấm lòng hơn, yên tâm lao động, sản xuất và phát triển kinh tế.

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Đến thăm gia đình mẹ Trần Thị Cháu ở thôn Nam Phổ Hạ (xã Lộc An, huyện Phú Lộc) chúng tôi như vui lây khi bà được sống trong ngôi nhà mới. Mẹ Trần Thị Cháu tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày. Tuổi cao sức yếu, nên nhiều năm mẹ con bà Cháu sống trong căn nhà xiêu vẹo. Mới đây, bà Cháu được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà mới. Bà Cháu vui mừng: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành nên gia đình tôi có đời sống ổn định, được xây nhà và thăm hỏi kịp thời lúc trái nắng, trở trời. Trong ngày khánh thành nhà, các ban, ngành, họ hàng đã tặng nhiều đồ dùng sinh hoạt khiến càng làm cho ngôi nhà tình nghĩa của gia đình tôi thêm ấm cúng. Gia đình bà là một trong số 200 gia đình ở huyện Phú Lộc được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở theo Quyết định 22. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, huyện Phú Lộc đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể cùng chung tay hỗ trợ, như tổ chức khai thác vật liệu tại chỗ, hỗ trợ ngày công, góp phần giảm chi phí xây dựng công trình.
Ngôi nhà mới khang trang của bà Trần Thị Cháu ở xã Lộc An (Phú Lộc)
Cũng chung niềm vui như bà Cháu, ngày khởi công xây dựng căn nhà, ông Văn Đức Chắt, thị trấn Sịa (Quảng Điền), 85 tuổi, thương binh, nạn nhân chất độc da cam vẫn nhớ như in không khí ấm áp khi bà con hàng xóm đến giúp đỡ, chia vui với gia đình. Với 40 triệu đồng kinh phí hỗ trợ cộng với khoản tích góp của gia đình, anh em, con cái đóng góp, ngôi nhà của ông bề thế, khang trang khi số tiền lên đến 300 triệu đồng. Ngày chuẩn bị vào nhà mới, ông Chắt xúc động: Trong quá trình xây nhà, gia đình luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo xã, sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con, đó là niềm động viên rất lớn đối với gia đình. Trước đây, cả gia đình phải ở trong căn nhà tranh, tạm bợ nên cứ nơm nớp lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến. Bây giờ thì không còn lo lắng nữa vì đã có nhà kiên cố để ở, yên tâm tuổi già.
Nhiều gia đình chính sách khó khăn hoặc neo đơn, địa phương huy động nhân dân, các tổ chức, hội đoàn thể trong vùng đến giúp ngày công. Có nơi, người dân mang những thứ mà nhà mình có sẵn hoặc chưa cần, như: gạch ngói, tấm tôn, cửa… đến để hỗ trợ thêm. Số tiền được Nhà nước hỗ trợ được xem là “chất xúc tác” quan trọng để các hộ cố gắng huy động mọi nguồn lực thay thế các ngôi nhà cũ tạm bợ bằng ngôi nhà mới đàng hoàng, khang trang. Bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động TB&XH cho biết: “Để nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, giúp người có công có nhà mới, Sở Lao động – TB&XH đã vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình được hỗ trợ đóng góp thêm về kinh phí, vật tư, ngày công lao động... theo khả năng để xây dựng, sửa chữa, cải tạo hoàn thành căn nhà ở đảm bảo đủ tiêu chuẩn, kiên cố. Đồng thời, chính quyền cơ sở tạo mọi điều kiện cho các hộ thuận lợi trong quá trình xây dựng nhà ở như bảo lãnh cho các hộ gia đình được mua vật liệu xây dựng và trả chi phí cho các đại lý sau khi hoàn thành, hỗ trợ nền nhà...
 
Linh hoạt tháo gỡ khó khăn
Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho ở người có công từng bước nâng cao mức sống, đảm bảo về điều kiện chỗ ở vững chắc và an toàn cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh. Theo Quyết định số 22/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh sẽ có 5.264 người có công được hỗ trợ về nhà ở. Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới triển khai xây dựng 2.319 nhà với tổng kinh phí hơn 61 tỷ đồng, trong đó xây mới 749 nhà và cải tạo, sửa chữa 1.570 nhà. Do việc bố trí vốn của Trung ương chậm hơn so với dự kiến dẫn đến mục tiêu của năm 2013, 2014 không hoàn thành đúng tiến độ theo đề án được duyệt. Tỉnh chủ động tháo gỡ khó khăn bằng cách tạm ứng kinh phí từ ngân sách tỉnh với số tiền trên 50 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đối tượng nhà ở quá xập xệ, xuống cấp. Ngoài ra, các địa phương đã tích cực vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ nguồn lực để đôn đốc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa được hơn 2.000 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí gần 51 tỷ đồng.
Theo ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong quá trình triển khai vẫn gặp một số khó khăn. Đó là, hiện nay một số đối tượng chính sách có tên trong danh sách được phê duyệt hỗ trợ về nhà ở nhưng do tuổi già đã qua đời nên chưa có hướng giải quyết theo đúng quy định. Một số trường hợp thuộc diện sửa chữa nhà, nhưng do kết cấu nhà ở cũ đã hư hỏng nặng, không thể sửa chữa cải tạo được nên các hộ này xin điều chỉnh xây dựng mới làm phát sinh kinh phí hỗ trợ. Hơn nữa, do quá trình thống kê, rà soát đối tượng còn thiếu sót, vì vậy, sau khi danh sách hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở đã được phê duyệt, các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, bổ sung đối tượng.
Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và người nghèo nông thôn là nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội. Tuy nhiên, đây là một chính sách lớn, thời gian thực hiện dài, ngoài sự nỗ lực của Nhà nước, cần sự chung tay góp sức, cộng đồng trách nhiệm của nhiều chủ thể khác.
Bài,ảnh: Huế Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày 10/5, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Dự thảo Luật Tư pháp NCTN niên gồm 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Return to top