ClockThứ Hai, 16/11/2015 14:50

Mặt trận Dân tộc thống nhất, một nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam

TTH - Cách đây 85 năm, giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra rầm rộ khắp cả nước, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Sự ra đời của Mặt trận gắn liền với sự ra đời của Đảng và ngay từ đầu đã định ra được những vấn đề cơ bản về chủ trương, chính sách, phương pháp để tổ chức và xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất rất đúng đắn và sáng tạo. 
 
 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động quyên góp ủng hộ người nghèo. Ảnh: Anh Phong

Thành quả nổi bật của cách mạng Việt Nam

Mặt trận Dân tộc thống nhất được xây dựng theo những nguyên tắc: Trên nền tảng liên minh công nông (trong xây dựng chế độ xã hội mới có thêm lao động trí thức) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt trận hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương, dân chủ lấy việc thống nhất lợi ích của tầng lớp Nhân dân làm cơ sở để củng cố và không ngừng mở rộng. Đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thực sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Phương châm đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp khác nhau của Hồ Chí Minh là: “Cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung, đề cao cái chung, để hạn chế cái riêng, cái khác biệt.
Chúng ta rất tự hào về truyền thống đoàn kết của dân tộc ta, về lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Có thể khẳng định rằng, trong lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay không có thời kỳ nào vắng bóng tổ chức Mặt trận. Hội Phản đế đồng minh (11/1930), Mặt trận Thống nhất Nhân dân phản đế Đông Dương (11/1936), Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương (3/1938) và Mặt trận Việt Minh (19/5/1941) đã lần lượt ra đời, cùng với Đảng động viên, tổ chức các tầng lớp Nhân dân đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành lại quyền làm người và quyền làm chủ đất nước, lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Mặt trận Việt Minh và Mặt trận Liên Việt đã đoàn kết quân dân đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi. Sau Hiệp định Giơnevơ, ở miền Bắc thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9/1955), ở miền Nam ra đời Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/1/1968) đã đoàn kết quân dân cả nước làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang, giải phóng miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi đất nước thống nhất, ngày 31/1/1977, ba tổ chức Mặt trận thống nhất lấy tên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã động viên Nhân dân cả nước đoàn kết phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đã giành được thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đưa đất nước bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Trong 30 năm qua, thực hiện sự nghiệp đổi mới thông qua phong trào thi đua yêu nước; đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; cuộc vận động Ngày vì người nghèo... tình đoàn kết gắn bó giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo... ngày càng gắn bó. Sự đồng thuận xã hội ngày càng cao, các cuộc vận động phát triển xã hội, nhân đạo từ thiện ngày càng sâu rộng, thể hiện “ý Đảng, lòng Dân”, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Từ đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể Nhân dân ngày càng được phát huy, tạo mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, để “Đảng gần dân, dân tin Đảng”.
Quá trình lịch sử ấy khẳng định Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là vũ khí chính trị không thể thiếu được để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mặt trận Dân tộc thống nhất không ngừng củng cố và mở rộng còn góp phần quan trọng xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ chính quyền Nhân dân, củng cố khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang Nhân dân. Nhờ đoàn kết trong nước, chúng ta đã mở rộng và phát triển đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và hợp tác của bạn bè khắp năm châu.
Mặt trận Dân tộc thống nhất là một thành quả nổi bật của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận là vấn đề có tính nguyên tắc, đảm bảo cho Mặt trận không ngừng được củng cố và mở rộng. Thực tiễn lịch sử đã chứng tỏ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đi đôi với củng cố nền tảng và mở rộng sự liên hiệp là vấn đề cốt lõi có quan hệ hữu cơ với nhau trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Phát huy truyền thống
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thành lập và lãnh đạo từ năm 1930. Trải qua 85 năm không ngừng phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh luôn trung thành với lợi ích dân tộc, tiêu biểu cho truyền thống đoàn kết toàn dân, vận động các tầng lớp Nhân dân đoàn kết một lòng, đấu tranh kiên cường, bất khuất, lập nên những chiến công hiển hách có ý nghĩa lịch sử, là một trong những nhân tố quyết định góp phần thắng lợi chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 Lịch sử vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây đắp nên những truyền thống vô cùng quý giá, là niềm tự hào của Nhân dân tỉnh nhà, là bài học sáng ngời cho nhiều thế hệ, thúc giục các tầng lớp Nhân dân ra sức cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước “vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Một trong những nét nổi bật trong hoạt động của MTTQ Việt Nam tỉnh trong nhiệm kỳ qua đó là những kết quả và mô hình hoạt động của việc “Nói cho Nhân dân nghe”, chú trọng đổi mới về nội dung, phương thức tuyên truyền, từng bước có sự thống nhất giữa các cơ quan ngôn luận của các tổ chức thành viên để tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực; cung cấp thông tin mọi mặt đời sống xã hội đến với các tầng lớp Nhân dân, nâng cao ý thức chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam.
Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng. Đến nay toàn tỉnh có 1.336/1.486 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm tỉ lệ 89,9%; 84,4% gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 816/1.486 khu dân cư có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, chiếm tỉ lệ 54,9%. Năm năm qua, Quỹ vì người nghèo 3 cấp trong tỉnh đã thu được hơn 140 tỷ đồng, qua đó góp phần xây dựng và sửa chữa gần 11.400 ngôi nhà; hỗ trợ vốn sản xuất cho gần 121.000 lượt hộ gia đình; giúp đỡ gần 128.000 lượt học sinh nghèo hiếu học; hỗ trợ gần 363.000 bệnh nhân nghèo khám chữa bệnh...
85 năm qua, Mặt trận Dân tộc thống nhất nước ta đã không ngừng được củng cố và mở rộng, góp phần to lớn cho dân tộc, trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trước vận hội mới của đất nước, chúng ta tin tưởng rằng vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các cấp ngày càng được phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khối đại đoàn kết dân tộc càng được củng cố và tăng cường nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, xây dựng nền tảng để sớm đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; quê hương Thừa Thiên Huế giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, xây dựng thành công đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” mà Nghị quyết Đại hội XV (nhiệm kỳ 2015 - 2020) của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
PHAN CÔNG TUYÊN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp

Tại buổi tiếp xã giao bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/4, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình mong muốn, hai phía tiếp tục thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các mặt giáo dục, y tế, du lịch, thu hút đầu tư, bảo tồn di sản, nhất là quảng bá văn hóa.

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương của Pháp
Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy

Ngày 26/4, UBND TX. Hương Thủy tổ chức bàn giao bò sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Hỗ trợ phát triển đàn bò lai sinh sản” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2025.

Hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng bò giống sinh sản ở Hương Thủy
Đề phòng lừa đảo, trộm cắp dịp nghỉ lễ

Theo lực lượng công an, nghỉ lễ dài ngày dịp 30/4 và 1/5/2024, các đối tượng xấu sẽ lợi dụng sự sơ hở của người dân để lừa đảo, trộm cắp tài sản. Do vậy, Công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương trong tỉnh đặc biệt lưu ý với người dân, cần đề phòng, tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn để không để kẻ xấu lợi dụng.

Đề phòng lừa đảo, trộm cắp dịp nghỉ lễ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công

Ngày 26/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ như sau: 1. Xem xét cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ được phân công
Return to top