ClockThứ Ba, 08/06/2021 13:30

Mẹ Kăn Xiếp của núi rừng

TTH - Vượt qua chặng đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, mãi đến quá trưa, chúng tôi mới đến được trung tâm huyện A Lưới.

Xây dựng “Nhà tình nghĩa” tặng gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng ​

Đoàn cán bộ Quân chủng Phòng không - Không quân thăm mẹ Việt Nam anh hùng Kăn Xiếp

Mùa này, thời tiết nơi đây thật thất thường, đúng như câu thơ: “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa…”. Chúng tôi từ sườn Đông đang nắng chang chang, chớm sang sườn Tây thì trời bất chợt đổ mưa trắng xóa rừng núi. Xe phải chầm chậm bò qua từng con dốc, len lỏi qua từng quãng đường hẹp mới đến được xã Hồng Thượng để thăm mẹ Kăn Xiếp - mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống duy nhất của cả huyện.

Khi chúng tôi cùng đoàn cán bộ địa phương vào thăm mẹ, mưa bắt đầu ngớt, mây đẩy nền trời lên cao, một vài tia nắng yếu ớt đã trải vàng trên tán cây rừng.

Trong căn nhà nhỏ ấm áp, mẹ Xiếp với dáng người nhỏ gầy, lưng hơi còng, chống gậy. Mẹ ân cần nắm tay từng cán bộ, chiến sĩ, móm mém cười: “Bộ đội Cụ Hồ về thăm mẹ à, nhớ các con lắm! Khổ thân các con đã lặn lội đường sá xa xôi, khó khăn cách trở để đến thăm mẹ…”.

Chị Mai Loan, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới, nhỏ nhẹ tiếp lời: “Giới thiệu với mẹ, đây là Đoàn công tác của Quân chủng PK-KQ và Thiếu tướng Phạm Trường Sơn – Phó Tư lệnh về thăm mẹ cùng bà con dân bản đấy ạ”.

Mẹ bỏ gậy, đứng lên giang tay ôm chầm lấy chúng tôi. Mắt mẹ ngời sáng, nhìn kỹ từng khuôn mặt như với những đứa con đi xa mới về. Đón nhận món quà nhỏ từ những người lính, giọng mẹ run run, xúc động: “Năm nay, mẹ đã bước sang tuổi 92, được đón các con về thăm, mẹ rất vui. Cả đời mẹ đã gắn bó với núi rừng Trường Sơn, bám bản, bám làng. Con trai và con gái của mẹ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Hôm nay, các con của mẹ chắc cũng rất yên lòng. Bây giờ, mẹ chỉ mong các con luôn khỏe mạnh để góp công sức xây dựng, bảo vệ quê hương”.

Thiếu tướng Phạm Trường Sơn ân cần đỡ mẹ ngồi xuống. Sau cuộc trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe, ông nhẹ nhàng động viên mẹ: “Chúng con về đây, trước là thăm mẹ, sau là xin phép mẹ được thắp nén hương thơm cho các anh, chị. Thấy mẹ khỏe mạnh, chúng con mừng lắm”.

Mẹ Kăn Xiếp khó khăn đứng dậy, chỉ về phía trước: Kia là sân bay A So, nơi trú quân của Mỹ trong kháng chiến chống Mỹ. Phía trước là đồi A Bia, mọi người ở đây hay gọi là “Đồi thịt băm”. Mẹ còn nhớ trận đánh vô cùng ác liệt, hồi tháng 5/1969. Nơi đây, bộ đội và du kích của ta đã đánh bại 13 tiểu đoàn địch và tiêu diệt 1.500 tên Mỹ…”

Kể đến đây, ánh mắt mẹ rưng rưng. Sự hy sinh anh dũng của những người con thân yêu của bản làng vẫn còn nguyên trong ký ức của mẹ. Những năm tháng đó, quân thù ngày đêm cướp bóc, giày xéo, gây bao tang thương cho bà con dân bản. Được Đảng, Bác Hồ chỉ lối, người dân xã Hồng Thượng đều nhất tề đứng lên đánh giặc. Mẹ cũng động viên 3 người con của mình tham gia du kích, lên căn cứ theo bộ đội kháng chiến. Đội du kích của xã đã kiên cường bám trụ từng gốc cây, bụi cỏ, bờ đất, nương rẫy để bảo vệ bản làng. Rất nhiều trận đánh cam go, ác liệt đã khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Song kẻ thù hung hăng, tàn bạo được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, cũng gây cho dân bản nhiều tổn thất.

Trong một trận chiến đấu chống càn, trước thế giặc quá mạnh, đội du kích Hồng Thượng đã để lại 1 tổ chốt chặn và lui dần vào khu căn cứ. Hai con của mẹ ở lại cùng tổ du kích, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh. Nén nỗi đau thương, mẹ quyết tâm tiễn con trai út lên căn cứ tiếp tục cầm súng đánh giặc, trả thù cho bà con dân bản, trả thù cho anh Xêng và chị Xiếp. Còn mẹ thì cùng chị em phụ nữ các dân tộc Pa Cô, Ka Tu, Tà Ôi… ngày đêm vót chông, tải đạn lên rừng tiếp tế cho bộ đội, du kích đánh giặc cho đến ngày toàn thắng, bản làng sạch bóng quân thù…

Gian nhà nhỏ như lặng đi theo câu chuyện mẹ kể. Chúng tôi bùi ngùi, xúc động, cảm phục trước tấm lòng của mẹ, người con của núi rừng một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Càng cảm phục hơn nơi mảnh đất này “Ra ngõ gặp anh hùng, lên núi gặp bản làng anh hùng”.

Phút chia tay, hình dáng mẹ “nhỏ bé” trước hiên nhà, nhưng tấm lòng kiên cường của người mẹ anh hùng sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn. Ánh mắt của mẹ dõi theo, khiến chúng tôi “chân cứng đá mềm” trong cuộc hành quân tiếp tục về các thôn, bản, nơi biên giới xa xôi huyện miền núi A Lưới, để hỗ trợ, sẻ chia, cùng bà con vượt qua những khó khăn, nhắc nhở, thúc giục chúng tôi vững lòng tiếp nối thế hệ cha anh đi trước, xứng đáng là anh “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ phòng không-không quân trong lòng Nhân dân.

Bài, ảnh: Hữu Lệ-Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngắm đỗ quyên trên đỉnh Bạch Mã

Trên đỉnh Bạch Mã quanh năm dịu mát, sắc hoa, màu lá và muôn chim rừng nơi đây luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho những tay săn ảnh và những ai muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ. Qua những góc ảnh của tác giả Trương Vững, Thừa Thiên Huế Cuối tuần mời bạn đọc dạo thăm mùa xuân trên đỉnh Bạch Mã và ngắm những sắc hoa đỗ quyên nhiều màu, lạ mắt.

Ngắm đỗ quyên trên đỉnh Bạch Mã
Tìm “lộc” nơi rừng sâu

Mùa này là thời điểm thuận lợi cho dược liệu sinh sôi, ong theo hoa làm mật. Những chuyến đi tìm kiếm rau, nấm, mật ong, cá suối… của người dân vùng cao A Lưới lại bắt đầu với bao gian nan, nguy hiểm...

Tìm “lộc” nơi rừng sâu
Thương mớ quả rừng

Lên chợ vùng cao A Lưới, tôi vẫn giữ thói quen tìm đến những người bán quả trong gùi.

Thương mớ quả rừng
Khám phá thác Kazan:

Thác Kazan là một trong những con thác có nguồn nước mát lành, chắt chiu từ lòng núi, khung cảnh hữu tình, hoang sơ và chưa chịu nhiều tác động của con người ở Nam Đông.

Khám phá thác Kazan
Return to top