ClockThứ Tư, 26/01/2011 19:59

Một cách nhìn khác sau 40 năm

TTH - (Nhân đọc “Đối chiến”, tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy, NXB QĐND, 2010)

Nhà văn Khuất Quang Thụy và tác phẩm của ông


Tôi nói trước hết đến yếu tố thời gian, vì 40 năm đã đủ cho nhà văn có điều kiện để miêu tả chiến tranh một cách toàn diện, công bằng hơn. Chúng ta đều biết, cuộc chiến tranh nào cũng phải có hai phía, nhưng trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân, các tác phẩm viết về chiến tranh thường chỉ có “bên ta”, còn “bên địch” nếu không vắng bóng hoàn toàn thì cũng chỉ thấp thoáng.

 

“Đối chiến” lấy bối cảnh chiến dịch “Đường 9 - Nam Lào” (hay còn gọi là “Lam Sơn 719”), một chiến dịch đẫm máu, đánh dấu sự thất bại của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, diễn ra vào mùa Xuân 1971. Tròn 40 năm đã qua, kể từ đó, Khuất Quang Thuỵ (KQT), một chàng trai xứ Đoài, người lính một trung đoàn chủ lực xông trận trên “Đường 9 - Nam Lào” năm xưa đã thành một nhà văn tên tuổi, từng giữ chức Phó Tổng Biên tập Tạp chí “Văn nghệ quân đội”, với nhiều tiểu thuyết được giải thưởng của Bộ Quốc phòng và Giải thưởng Nhà nước 2007. Tuy vậy, đến Đối chiến KQT mới thật sự chứng tỏ bản lĩnh một nhà văn dám vượt qua những “giới hạn” do thời cuộc hoặc chính mình đặt ra trước đây.
Từ góc nhìn “thị trường” thì Đối chiến sẽ khó “thắng” vì tên sách không gợi, bìa sách không đẹp, lại dày trên 600 trang, giá bán gần một trăm ngàn đồng. Mặt khác, có thể nói tác giả đã “thắng” chính bản thân mình, đã dám có một cách “nhìn khác”, chọn lựa một cách tiếp cận hoàn toàn khác để miêu tả sự thật của chiến tranh. Mặc dù đó là sự thật, là sự công bằng, nhưng không hiểu vì sao phải lâu đến thế chúng ta mới có được những trang sách như vậy?
Sự “công bằng” trong Đối chiến, trước hết có thể đo đếm bằng số trang - sau phần I viết về một trung đoàn Bắc Việt chuẩn bị bước vào chiến dịch, tác giả đã dành cả phần II miêu tả cuộc sống của những người lính Sài Gòn trước bước ngoặt lịch sử: người Mỹ quyết định “Việt Nam hóa” để có thể sớm “rút lui trong danh dự” và cụ thể hơn, trước một trận đánh lớn mà trong lòng họ còn chưa tin rằng mình đã đủ sức giành chiến thắng trước đối phương. Tới phần III, khi hai bên “đối chiến” thì tác giả gần như là luân phiên thay đổi “điểm nhìn”, chương trước từ phía “ta” thì chương sau là từ phía “địch”, hai bên bện xoắn lấy nhau trong một cuộc quyết đấu. Dù miêu tả phía nào thì tác giả cũng đã đạt được sự khách quan, công bằng với cái nhìn hiện thực. Cũng phải có số lượng trang dành cho bên “địch” như thế, tác giả mới có thể diễn đạt được phần nào tâm trạng, số phận của những người lính đối phương tương đối chân thật. Tôi không phải là người trong cuộc, nên buộc phải dùng những từ có tính hạn chế (như “phần nào”, “tương đối”), mặc dù vậy vẫn phải nhận thấy Phần II và III đọc “vào” hơn Phần I. Có lẽ Phần I, đề tài phía bên “ta” đã quá quen thuộc và tác giả chưa dụng công tìm một cách diễn tả mới, các nhân vật (tiểu đoàn trưởng Kiều Bá Thịnh và Trưởng ban tác chiến Lê Hoài Dân, tiểu đoàn trưởng Hải Đông) được tác giả dựng thành nhân vật có góc cạnh, cùng hai mối tình nhiều nước mắt với Nhài và Miên - những cô gái Quảng Bình trong trung đội pháo 12 ly 7. Điều đáng quý là trong Phần II và Phần III ở những chương miêu tả cận cảnh các trận đánh sinh tử, tác giả đã đặt mình như là “người trong cuộc” ở cả hai phía. Trong đó phía bên kia, lần đầu tiên trong văn học viết về đề tài chiến tranh, chúng ta cũng thấy họ là những con người với mọi nỗi lo toan thường nhật, có tình yêu chân thành và vụng trộm, là những người lính, những sĩ quan có quan hệ đồng đội gắn bó, biết trọng danh dự, khi đến đường cùng thì tự sát (như đại tá Sơn Đường)...
Mặc dù đây là ngôn ngữ của nhân vật trong tiểu thuyết, nhưng trước đây thì có khi chỉ một vài dòng miêu tả đối phương như thế, tác giả đã có thể mang vạ, cho dù mọi người đều biết, nếu “đối phương” chỉ là một đội quân ô hợp, hèn nhát thì cuộc chiến tranh không thể kéo dài hàng chục năm và ý nghĩa của chiến thắng cũng chẳng lớn lao. KQT chưa “đổi mới” được nghệ thuật tiểu thuyết, nhưng với cách nhìn mới đậm tính nhân văn, Đối chiến sẽ là tác phẩm tìm được những “tri âm” từ bạn đọc từ nhiều phía, trong đó hẳn là có những quả phụ như cô Nhài ở Quảng Bình, Thu Cúc ở Huế cùng hàng ngàn người lính cả hai phía đã nằm lại nơi chiến trường xưa…

Nguyễn Khắc Phê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top