Thể thao

Một tình bạn đẹp

ClockChủ Nhật, 28/06/2020 06:45
TTH - Nói đến bóng đá Huế, 2 cái tên được nhiều người nhắc đến nhất là hậu vệ Lê Đức Anh Tuấn và tiền đạo Trần Quang Sang - những nhân tố nổi bật của bóng đá Cố đô vào những năm 1990 của thế kỷ trước. Nhưng ít người biết rằng, Lê Đức Anh Tuấn và Trần Quang Sang đã là đôi bạn thân chung trường, chung lớp từ bậc tiểu học cho đến những năm học đại học và sau này là trong màu áo của bóng đá Huế...

CLB Bóng đá Huế trắng tay sau chuyến làm khách trên sân Long AnSân Tự Do được mở cửa đón khán giả vào sân

Lê Đức Anh Tuấn và Trần Quang Sang (thứ 2 và thứ 6 từ trái qua, hàng đứng) trong màu áo đội bóng đá Trường cao đẳng Sư phạm TD TƯ 2. Ảnh: NVCC

Từ sân “bún bò” đến sân Quốc Học

Những năm đầu thập niên 1980, phong trào bóng đá của thiếu niên thành phố Huế phát triển rất mạnh. Ngoài giờ lên lớp học thì thú vui hấp dẫn nhất của thiếu niên hồi đó là đá bóng. Trong ký ức của thế hệ cuối 6X thì ở thành phố Huế có các sân cỏ luôn diễn ra các trận thi đấu bóng đá của các học sinh là sân cột cờ trước Đại Nội, sân bún bò đối diện với VTV8 Huế và sân Trường đại học Tổng hợp Huế nay là Trường ĐH Khoa học-ĐH Huế.

Lê Đức Anh Tuấn và Trần Quang Sang học chung lớp của Trường cấp 1, 2 Vĩnh Lợi A (Trường tiểu học Lê Lợi bây giờ) và từ năm lớp 2 đã bắt đầu biết thi đấu bóng đá. Hai cầu thủ nhí đã bắt đầu làm quen với trái bóng tròn và sân cỏ là tại sân “bún bò” gần trường. Tất nhiên, cùng học chung lớp nên Tuấn và Sang luôn là đồng đội của nhau trong các trận đấu với các lớp khác.

Sân Tự Do - nơi từng lưu giữ dấu ấn một thời hoàng kim của bộ đôi Quang Sang - Anh Tuấn. Ảnh: NVCC

Nhưng nếu như Lê Đức Anh Tuấn từ bậc tiểu học đã bộc lộ năng khiếu bóng đá thiên bẩm của mình là hậu vệ trái mang áo số 6 của Trường cấp 1, 2 Vĩnh Lợi A suốt những năm học cấp 1 rồi cấp 2 thì Trần Quang Sang chỉ là cầu thủ dự bị và với thể hình nhỏ con, cậu bé Sang hoàn toàn không cho thấy rằng, sau này mình sẽ trở thành một tiền đạo nổi tiếng.

Phải đến năm lớp 12 khi là học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học, Trần Quang Sang mới được lần đầu tiên khoác áo đội tuyển bóng đá của trường. Nhưng gần như lập tức, Quang Sang trở thành một hiện tượng. Anh nổi lên trong chiến thắng 2-0 của Trường THPT chuyên Quốc Học trước “kỳ phùng địch thủ” Trường THPT Hai Bà Trưng. Trần Quang Sang đã phá vỡ thế bế tắc bằng cú sút xa từ khoảng cách 20m ghi bàn. Sau bàn thắng này, thầy giáo dạy toán của anh lúc đó đã hứng khởi nhảy lên và nói thật to: “Chiều nay, tui phải cho nó 10 điểm!”. Sau trận đấu đó, anh còn lập kỷ lục ghi liền 5 bàn thắng trong trận Trường THPT chuyên Quốc Học thắng Trường THPT Gia Hội 5-0. Tất nhiên, người chơi ăn ý nhất với tiền đạo Trần Quang Sang là hậu vệ cánh trái Lê Đức Anh Tuấn với những pha đi bóng ảo diệu qua mặt đối phương và chuyền như đặt cho Trần Quang Sang ghi bàn...

Cũng mùa hè năm học cuối cấp, đội bóng thiếu niên phường Vĩnh Ninh là một đội bóng mạnh của thành phố với sự xuất sắc của hậu vệ Lê Đức Anh Tuấn và tiền đạo Dương Công Quốc. Hồi đó, đội bóng TN Vĩnh Ninh đá rất đẹp mắt với sự ăn ý của bộ đôi Anh Tuấn- Công Quốc. Thế nhưng, mùa giải năm 1987, đội bóng TN Vĩnh Ninh của Lê Đức Anh Tuấn vào chơi trận chung kết gặp TN Vĩnh Lợi của Trần Quang Sang thì kết quả là TN Vĩnh Lợi đã thắng 1-0 và giành chức vô địch TP. Huế... Sau giải đấu này, đôi bạn Tuấn- Sang đã chia tay tuổi học trò, chia tay Huế để vào học Trường cao đẳng TDTT Trung ương 2 TP. Hồ Chí Minh...

“Tượng đài” của sân Tự Do

Cho dù đã nổi tiếng trong màu áo Trường THPT chuyên Quốc Học và sau đó là giải thiếu niên (TN)TP. Huế, nhưng với đôi bạn Lê Đức Anh Tuấn và Trần Quang Sang thì những trận bóng đá những năm đó chỉ là những cuộc chơi của tuổi học trò. Đôi bạn thân thiết Tuấn, Sang đã chọn con đường lập thân của mình với việc trúng tuyển vào Trường cao đẳng Sư phạm Thể dục Trung ương 2 (nay là Trường ĐH Sư phạm TDTT TP. Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp, cả 2 anh về Huế và nộp đơn vào các trường phổ thông cũng như đại học ở Huế để tìm việc. 

Lê Đức Anh Tuấn kể: “Mình xin vào dạy thể dục ở Trường THPT Nguyễn Huệ, họ nhận đơn nhưng chờ mãi không thấy trả lời. Hồi đó kiếm được một chân đi làm trong các cơ quan Nhà nước thiệt khó”.

Không tìm được việc làm, theo lời khuyên của ông Tống Viết Hồng đang làm cán bộ ở Đoàn Bóng đá Huế, Trần Quang Sang xỏ giày ra sân Tự Do tập đá bóng với các cầu thủ đội Huế; vài tháng sau, nghe lời khuyên của bạn, Lê Đức Anh Tuấn cũng quyết định đi đá bóng để đỡ buồn. Đó là mùa hè năm 1991…

Mùa bóng năm 1995, bóng đá Huế đã làm nên kỳ tích khi giành chức á quân Quốc gia. Tất nhiên, hai cái tên được người hâm mộ nhắc đến nhiều nhất chính là Lê Đức Anh Tuấn và Trần Quang Sang. Hậu vệ số 5 Tuấn “đầu bò” chơi vừa mềm mại lại vừa tốc độ ở hành lang cánh trái với những cú tạt bóng cầu âu đẹp mắt và chính xác. Tiền đạo số 10 Sang “ông già” chơi thông minh với khả năng chiếm vị trí tốt để dứt điểm và đặc biệt là những cú sút xa bất ngờ đầy uy lực để ghi bàn.

Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp đó đã rất hiểu nhau trong từng đường bóng. Có những tình huống, chỉ thoáng thấy Lê Đức Anh Tuấn cầm bóng dốc biên ở cánh trái, Trần Quang Sang đã chạy chỗ chọn vị trí để đánh đầu ghi bàn...

Bộ đôi cầu thủ của Trường THPT chuyên Quốc Học và Trường cao đẳng Sư phạm Thể dục TƯ 2 ngày nào đã cống hiến tài năng của mình cho những ngày tháng đẹp nhất của bóng đá Huế. Lê Đức Anh Tuấn sau đó còn là tuyển thủ quốc gia với lối chơi kỹ thuật đẹp mắt tạo ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ. Còn Trần Quang Sang vẫn là chân sút xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Huế...

Mùa bóng năm 2000, Tuấn “đầu bò” nói lời chia tay sân cỏ. Hai năm sau Sang “ông già” cũng bịn rịn chia tay sự nghiệp thi đấu lừng lẫy của mình. Cả hai anh đã trở thành “tượng đài” của sân Tự Do và trong lòng những người yêu bóng đá Huế...

PHI TÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”

Nửa mùa hạng Nhất đã đi qua và với vị trí top 3, bóng đá Huế đang có một mùa giải trên cả mong đợi. Cụ thể với 17 điểm, các học trò của ông Nguyễn Đức Dũng chỉ xếp sau 2 đội bóng được chỉ đích danh thăng hạng ngay từ đầu mùa giải và không có chi bất ngờ nếu được góp mặt ở sân chơi V. League vào năm sau. Sự thật thì chỉ có SHB Đà Nẵng là vượt trội, còn PVF-CAND cũng chỉ hơn CLB Huế vẻn vẹn 1 điểm và vượt lên ở lượt đá cuối cùng vào cuối tuần qua.

Vượt qua mặc cảm “bóng đá nhà nghèo”
Chờ ngày “hóa rồng”

Biết dựa vào nội lực và đặt niềm tin vào lớp trẻ, bóng đá Huế đang có hy vọng “cá chép hóa rồng” và tạo được đột phá trong tương lai.

Chờ ngày “hóa rồng”
Đón chờ bất ngờ từ U13 Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có cơ hội thể hiện mình khi lần đầu tiên chính thức được góp mặt tại Giải bóng đá thiếu niên quốc tế U13 lần thứ 5. Hy vọng, sẽ có được bất ngờ đến từ các cầu thủ nhí Cố đô.

Đón chờ bất ngờ từ U13 Huế
Đá hay đó chơ!

Dự khán trận cầu đầu tiên trên sân Tự Do mùa giải mới, CLB Huế gặp CLB Phù Đổng Ninh Bình, tôi nghe nhiều lời khen từ khán giả Huế, vốn khá kiệm lời. Chứng kiến bàn thắng đẹp mắt mở tỷ số của “Voi rừng” Hồ Thanh Minh, chạy cắt mặt cầu thủ đối phương để đánh đầu ở góc hẹp từ quả từ quả đá phạt góc bên cánh trái vào phút 63 của trận đấu, nhiều khán giả cạnh tôi không dấu được cảm xúc: Đá hay đó chơ!

Đá hay đó chơ
Ấn tượng “lò” đào tạo bóng đá Huế

Cho dù còn khiêm tốn nhưng bóng đá Thừa Thiên Huế vẫn góp mặt đầy đủ ở các giải trẻ. Cũng đã xuất hiện nhiều tài năng trẻ từ “lò” đào tạo bóng đá Huế.

Ấn tượng “lò” đào tạo bóng đá Huế
Return to top