ClockThứ Tư, 20/05/2015 10:09

Mùa hè không chủ quan với dịch bệnh

TTH - Thời tiết nắng nóng và bắt đầu kèm theo những cơn mưa giông là điều kiện thuận lợi để một số dịch bệnh phát sinh, nhất là bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy... Công tác phòng, chống dịch bệnh đang được các ban, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm.

Cán bộ y tế phối hợp người dân phường Thuỷ Dương (Hương Thuỷ) kiểm tra chỉ số muỗi ở các giếng khơi

Ít xảy ra dịch bệnh

Theo khuyến cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế, mọi người đều có thể mắc các bệnh truyền nhiễm vào mùa hè nhưng đối tượng dễ mắc nhất là trẻ em. Bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em từ 6-12 tháng tuổi; bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi; quai bị thường gặp ở lứa tuổi thanh - thiếu niên; thủy đậu thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi; viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ từ 3-5 tuổi. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ đang lớn, hệ thống miễn dịch đang từng bước hình thành, chưa đủ khả năng phòng bệnh, khi mắc bệnh dễ lây cho trẻ cùng trang lứa.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Vỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy cho biết dịch bệnh mùa hè chưa xảy ra trên địa bàn. Nhiều địa phương đông dân cư có nguy cơ dịch bệnh nằm dọc theo trục QL1A, như Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Dương nay đã được khống chế. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thủy Dương cho biết, công tác phòng chống bệnh gần đây ở địa bàn luôn trong tâm thế chủ động. Tháng 3 vừa qua, Thủy Dương chỉ xảy ra một trường hợp sốt xuất huyết. Sau khi nắm thông tin, trạm y tế phối hợp chính quyền địa phương chủ động phun thuốc, khoanh vùng xử lý triệt để nhằm tránh lây lan trong cộng đồng.
Tại huyện Phú Lộc, địa bàn có địa hình đồi núi, đồng bằng và đầm phá ven biển hàng năm thường tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh vào mùa hè. Gần đây, tình hình dịch bệnh khá ổn định. Từ đầu năm đến nay chỉ xảy ra 3 trường hợp bị sốt xuất huyết. So với thời điểm này năm trước, số ca bệnh giảm hẳn. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Huynh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Phú Lộc, thời tiết nắng nóng kéo dài, một số địa bàn nằm ven đầm phá, biển, cửa sông có tiềm ẩn gây dịch bệnh cao, nhất là trẻ em. Ngoài sự chủ động phòng, chống dịch của ban ngành chức năng, chính quyền địa phương luôn phối hợp tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, phòng dịch bệnh.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm 2015 đến nay chỉ có 23 trường hợp sốt xuất huyết; trong đó có 18 trường hợp dương tính, 5 trường hợp chẩn đoán lâm sàng; bệnh tay chân miệng có 3 trường hợp; các dịch bệnh khác không xảy ra. So với các địa phương khác, Thừa Thiên Huế là địa phương ít xảy ra dịch bệnh ở khu vực miền trung và cả nước.
Tạo thế “miễn dịch” mùa hè
PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, dù đạt kết quả cao trong phòng, chống dịch bệnh nhưng không nên chủ quan vì đến thời điểm này vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Ông Sơn thông tin, hiện tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận trong 5 tháng đầu năm 2015 có hơn 3.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải điều trị. Tại các địa phương, như Vũng Tàu, Bình Dương, An Giang, Cần Thơ... số ca mắc sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Ở Thừa Thiên Huế, thời tiết nắng nóng kèm theo những cơn mưa giông chiều và đêm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm mốc, côn trùng truyền bệnh, vi sinh gây bệnh phát triển. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh dịch mùa hè, nhất là đối với trẻ em.
Nhằm hạn chế bệnh dịch mùa hè xảy ra, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm, như thường xuyên chỉ đạo các trung tâm y tế tăng cường giám sát các bệnh viện; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, người dân ký cam kết không để xảy ra dịch bệnh; xóa ổ dịch cũ, dập tắt ổ dịch mới. Đặc biệt, trung tâm đã chỉ đạo tuyến cơ sở chủ động phun hoá chất phòng dịch ở các địa bàn có mật độ ruồi muỗi, gây phát sinh dịch cao; đồng thời phối hợp khoanh vùng, xử lý triệt để.
Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện chủ động bố trí khu vực cách ly, sẵn sàng về chuyên môn để tiếp nhận bệnh nhân nhằm hạn chế lây lan khi có ca nghi ngờ. Chính quyền các cấp và tổ chức ban, ngành, đoàn thể chủ động vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch bệnh; phát động phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh thau quét bọ gậy; tuyên truyền người dân ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học, các lễ hội... 
Bài, ảnh: Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Ngày 10/5, Sở Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Dự thảo Luật Tư pháp NCTN niên gồm 11 chương, 166 điều, điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Dự án Luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong Kỳ họp thứ 7 tới.

Góp ý dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên
Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên (1953 - 1954)

Giữa năm 1953, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có nhiều thay đổi quan trọng theo hướng thuận lợi cho ta hơn. Quân ta liên tiếp giành chiến thắng ở Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… dồn địch vào thế bị động. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở khắp các vùng miền, vùng giải phóng được mở rộng thêm.

Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế phối hợp với chiến trường Điện Biên 1953 - 1954
Return to top