Thế giới

Mỹ, Ấn kêu gọi không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực tại Biển Đông

ClockThứ Tư, 01/10/2014 14:17
TTH.VN - Đây là kết quả của cuộc hội đàm tại Nhà Trắng vào sáng 1/10 (giờ địa phương) giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Mỹ và Ấn Độ đã cam kết phối hợp chặt chẽ để giải quyết một loạt các vấn đề về kinh tế, an ninh-quốc phòng, và biến đổi khí hậu. Đây là kết quả của cuộc hội đàm tại Nhà Trắng vào sáng 1/10 (giờ địa phương) giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. 

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng

 Đáng chú ý là trong tuyên bố chung được đưa ra cùng ngày, 2 nhà lãnh đạo đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại Biển Đông và kêu gọi các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm thúc đẩy các yêu sách tại khu vực này.

Cuộc hội đàm rất được mong đợi giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách thúc đẩy quan hệ đang bị đình trệ với Ấn Độ nhằm đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương.

Trả lời các phóng viên sau cuộc gặp, Tổng thống Obama cho biết: “Hôm nay chúng tôi đã dành thời gian trao đổi về tình hình quốc tế và các vấn đề an ninh, trong đó có các thách thức tại Trung Đông, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS). Chúng tôi cũng thảo luận các vấn đề thương mại, các vấn đề liên quan tới đảm bảo tuân thủ các quy định hàng hải, hợp tác song phương trong một loạt các lĩnh vực, từ thăm dò vũ trụ, nghiên cứu khoa học cho tới đối phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo như dịch Ebola tại Tây Phi”.

Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Modi tuyên bố Mỹ và Ấn Độ là 2 “đối tác toàn cầu tự nhiên” và Ấn Độ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ trong 1 số vấn đề chủ chốt. Dù không tiết lộ giải pháp đối với một số bất đồng khiến quan hệ song phương xấu đi trong thời gian qua, trong đó có tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng tân Thủ tướng Ấn Độ đã khẳng định quyết tâm cùng Mỹ giải quyết những vấn đề tồn tại trong tương lai gần, đồng thời nhấn mạnh sẽ tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Modi cũng cho biết Ấn Độ đặc biệt hoan nghênh các công ty Mỹ hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ, đồng thời đang xem xét giải quyết những vấn đề đang cản trở các công ty Mỹ phát triển năng lượng hạt nhân tại đây. Mỹ và Ấn Độ cũng nhất trí sẽ đối xử với nhau như những đối tác thân cận nhất trong các lĩnh vực như chuyển giao, buôn bán, nghiên cứu, đồng sản xuất và đồng phát triển công nghệ quốc phòng. 

Trong khi hợp tác quân sự liên tục được mở rộng thì quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Ấn Độ lại gặp nhiều trắc trở khi Washington bày tỏ sự không hài lòng đối với việc New Dehli từ chối mở rộng cơ hội cho đầu tư nước ngoài, chưa giải quyết được nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, và đặc biệt là từ chối ký 1 thỏa thuận của WTO về đơn giản và tiêu chuẩn hóa các quy định nhằm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại. Các quan chức Ấn Độ lo ngại rằng thỏa thuận trên sẽ ảnh hưởng tới chương trình trợ cấp lương thực cho 850 triệu người dân nước này.

Thủ tướng Modi đã mở ra triển vọng cho vấn đề này khi cho biết: “Ấn Độ ủng hộ thuận lợi hóa thương mại nhưng tôi cũng hy vọng chúng ta có thể tìm ra giải pháp đáp ứng được mối quan tâm của chúng tôi về an ninh lương thực. Tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết sớm”.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc gặp, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đã đề cập tới một loạt các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, năng lượng và biến đổi khí hậu, quốc phòng và an ninh nội địa, công nghệ cao, vũ trụ và y tế, tham vấn về các vấn đề toàn cầu và khu vực. Hai bên khẳng định sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển nhằm đảm bảo tự do hàng hải và các hoạt động thương mại và vận tải biển hợp pháp không bị cản trở, theo đúng các nguyên tắc và luật pháp. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định lợi ích của 2 nước trong đảm bảo hòa bình và ổn định tại châu Á-Thái Bình Dương, coi đây là những nhân tố thiết yếu đối với sự thịnh vượng của khu vực.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi bày tỏ quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh biển và đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông. Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi kêu gọi tất cả các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền.

Hai nhà lãnh đạo cũng hối thúc các bên liên quan giải quyết các tranh chấp biển và lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được thừa nhận trên toàn thế giới, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Hai bên cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với mối đe dọa khủng bố, đặc biệt là Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đồng thời nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần có những nỗ lực toàn diện để dánh bại chủ nghĩa khủng bố, loại bỏ sào huyệt của các mạng lưới khủng bố và tội phạm, ngăn chặn các nguồn hỗ trợ tài chính và chiến thuật cho mạng lưới như Al Qaeda, Lashkar-e Taiba, Jaish-e-Mohammad, D-Company và Haqqanis. 

Trong một tuyên bố về tầm nhìn đối với hợp tác song phương trong 10 năm tới, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi cho rằng quan hệ đối tác Mỹ-Ấn sẽ là hình mẫu cho toàn thế giới. Mỹ và Ấn Độ cam kết hợp tác trong ứng phó với thảm hoạ và khủng hoảng nhân đạo, ngăn ngừa phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt, cắt giảm bũ khí hạt nhân và thúc đẩy giải trừ hạt nhân. Hai bên cũng nhấn mạnh sẽ ủng hộ một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc, trong đó Ấn Độ đảm nhận trách nhiệm đa phương lớn hơn, bao gồm cả trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

Trước cuộc hội đàm chính thức 1 ngày, Tổng thống Obama đã mời Thủ tướng Modi ăn tối và làm việc tại Nhà Trắng. Thông thường thì Tổng thống Mỹ chỉ tiếp các nguyên thủ quốc gia 1 lần tại Nhà Trắng nên việc ông Obama gặp ông Modi tới 2 lần trong 2 ngày là sự kiện hy hữu, cho thấy vai trò chiến lược của Ấn Độ trong các vấn đề song phương và quốc tế, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang rất cần một đối tác mạnh để thực hiện chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương.

Mặt khác, chính sách ngoại giao tích cực và chủ động của Thủ tướng Modi với một loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc chỉ trong vòng 4 tháng sau khi nắm quyền là dấu hiệu cho thấy Ấn Độ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh tại châu Á./.

Theo VOV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top