Thế giới

Mỹ và liên quân cần một kế hoạch chiến lược trong cuộc chiến chống IS

ClockThứ Ba, 14/10/2014 15:37
TTH.VN - Theo giới chuyên gia, các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chưa thực sự hiệu quả do sử dụng chiến thuật rất dễ đoán trước.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một mối đe dọa đối với toàn bộ thế giới. Để đối phó với lực lượng này, cộng đồng thế giới cần có một kế hoạch chiến lược. Đây là nhận định của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Saudi Arabia Al-Faisal diễn ra ngày 14/10, tại Saudi Arabia.

Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Steinmeier đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo đặt ra hiện nay. Theo ông Steinmeier, hành động quân sự là điều cần thiết trong cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo song cần phải được lồng ghép trong một chiến lược toàn diện mới có thể giúp đánh bại được lực lượng này. 

 
Khói bốc lên từ một tòa nhà tại Kobani sau trận không kích của liên quân (Ảnh EPA)

Ngoại trưởng Đức nói: “Lực lượng Nhà nước Hồi giáo là một mối đe dọa không chỉ đối với Iraq và Syria. Theo số liệu mà chúng tôi được biết thì có hàng 000 chiến binh nước ngoài, trong đó có cả các công dân Đức đã gia nhập tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Đây thực sự là một mối nguy đối với toàn bộ thế giới. Theo tôi, hành động quân sự là cần thiết song chỉ sử dụng hành động quân sự thôi thì không hiệu quả. Hành động quân sự phải được lồng ghép trong một chiến lược chính trị”.

Cùng chung quan điểm với Ngoại trưởng Đức, Ngoại trưởng Saudi Arabia Al-Faisal cũng nhấn mạnh đến những nguy cơ mà lực lượng Nhà nước hồi giáo đặt ra, đồng thời khẳng định Saudi Arabia sẵn sàng chung tay với cộng đồng thế giới trong cuộc chiến chống IS.

Ông Al-Faisal nói: “Tôi cũng cho rằng để đối phó với khủng bố, chúng ta cần một chiến lược toàn diện. Tôi cũng hy vọng rằng nỗ lực của liên minh quốc tế hiện nay sẽ không chỉ giới hạn trong một phần việc nhất định nào đó mà cần phải được đặt trong một khuôn khổ mang tính chiến lược nhằm loại bỏ hoàn toàn khủng bố ra khỏi đời sống xã hội, cho dù có phải mất nhiều năm nữa”.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Đức và Ngoại trưởng Saudi Arabia không phải là không có cơ sở khi mà đến nay, các cuộc không kích do liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm hỗ trợ lực lượng người Kurd tại thị trấn chiến lược Kobani của Syria vẫn chưa đẩy lui được bước tiến của IS.

Trong khi đó, máy bay Mỹ từ tuần đầu tháng 10 đến nay vẫn không thể chặn đứng phiến quân áp sát thủ đô Baghdad của Iraq. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 13/10, quân đội chính phủ Iraq đóng quân ở ngoại ô thành phố Hit phía Tây tỉnh Anbar đã phải rút về một căn cứ khác.

Theo giải thích của các nhà lãnh đạo quân sự Iraq, thay vì để bị IS tấn công, lực lượng tại Hit được điều động về bảo vệ căn cứ không quân Asad. Asad là một căn cứ quân sự lớn ở phía Tây Bắc thành phố Hit, đồng thời là một trong thành trì cuối cùng nằm trong tầm kiểm soát của quân đội chính phủ ở Anbar.

Sau hàng loạt thất bại trước IS tại Anbar trong vài tuần trở lại đây, khả năng quân đội Iraq giữ được thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar là rất mong manh. Đích thân tỉnh trưởng tỉnh Anbar của Iraq ngày 12/10 vừa qua đã phải kêu gọi Mỹ điều động bộ binh đến Iraq. Ông khẳng định nếu Nhà nước Hồi giáo chiếm tỉnh Anbar, thủ đô Baghdad sẽ thất thủ.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, cho đến nay, sở dĩ các cuộc không kích của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu chưa thực sự hiệu quả là do các nước phương Tây vẫn giữ chiến thuật không kích cổ điển rất dễ đoán trước.

Trong khi, lực lượng Nhà nước Hồi giáo giống như vòi bạch tuộc hoạt động phân quyền. Mỗi tiểu đoàn lại có thể hoạt động độc lập, tự mở rộng chiến dịch mà không cần phối hợp tác chiến khiến chúng dễ dàng thích ứng với các cuộc không kích của liên quân.

Do đó, song song với chiến dịch không kích, Mỹ và liên quân cần phải có chiến lược chính trị rõ ràng và toàn diện.

Hồng Nhung (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top