ClockThứ Hai, 23/01/2012 22:49

Năm Thìn loanh quanh chuyện Rồng

TTH - Năm thìn, nghĩ về con rồng, tôi lại nhớ đến con rồng đất trong câu chuyện thi vẽ của trạng Quỳnh. Rằng, có sứ Tàu sang nước ta là tay giỏi vẽ. Một hôm, hắn khoe tài với Quỳnh, giọng thách thức: “Ta chỉ cần nghe ba tiếng trống đánh là vẽ xong một con vật. Còn ngươi có thể làm được như thế không?”. Quỳnh ta tỉnh bơ: “Thế mà gọi tài sao được. Như tôi đây, chỉ nghe một tiếng trống là đã vẽ mười con vật”. Sứ Tàu thách đấu và Quỳnh nhận lời ngay. Vào cuộc, nghe tiếng trống đầu tiên, sứ Tàu cắm cúi vẽ. Quỳnh thì cứ ung dung nhai trầu. Tiếng trống thứ hai nổi lên, Quỳnh lại vẫn ngâm nga. Nghe tiếng trống thứ ba, Quỳnh mới đứng lên, tiến tới bàn, nhúng cả mười đầu ngón tay vào nghiên mực rồi trét lên giấy thành mười vệt dài ngoằn nghoèo. Sứ Tàu chưa vẽ xong được hình thù con vật nào cả. Thời gian so tài đã hết, Quỳnh đưa tờ giấy ra, bảo: “Ông thua cuộc rồi đấy nhé ! Tôi đã vẽ xong ngay mười con rồng đất đây này”. Ui chao, sứ Tàu chỉ biết ôm đầu kêu trời.

Con rồng đất của trạng Quỳnh còn gọi địa long nghe rất sang trọng kia chính là chú trùn (còn gọi là giun) ở quê mình. Có quá nhiều điều rút ra từ câu chuyện trạng này và trước hết, tôi lại nghĩ đến thân phận con rồng. Nó là sản phẩm của trí tưởng tượng nên đó là con vật với bao móng-vuốt-sừng-vẩy uy nghiêm trong các bức tranh vẽ mà ta thường nhìn thấy, nhưng có trường hợp nó cũng là con vật có thật. Vậy nhưng, xem ra những con rồng thật mà tôi được biết như loài khủng long đã tuyệt chủng, hay con rồng Komodo ở Indonesia và cả chú trùn nhỏ bé kia trong tranh của trạng Quỳnh thì không tài nào tìm thấy được ở chúng những điểm gì là họ hàng của nhau. Tôi không thích con rồng Komodo, trong các tranh ảnh có được, trông nó thô kịch, bẩn thỉu, dài đến 3m và nặng chừng 70 kg, sống hoang dã trên 2 đảo Komodo và Rinca ở quốc đảo Indonesia. Đó cũng là con vật hung tợn, chuyên ăn thịt các loại động vật và từng tấn công cả con người. Người ta bảo rằng, rồng Komodo khi tìm kiếm thức ăn có thể di chuyển đạt tốc độ 30km/giờ. Bắt được mồi, chúng cắn và tiết nọc độc vào vết thương làm chết con vật một cách rất dã man.

 

 

Khi khủng long đã cách xa con người đến hàng vạn năm và rồng Komodo lại rất xa lạ thì cũng như bao người Việt, trong tôi hình ảnh con rồng đúng nghĩa nhất vẫn là ở những tranh vẽ và trang sách. Vậy nhưng, là sản phẩm của trí tưởng tượng nên con rồng cũng muôn hình vẽ, lắm sắc màu. Ví như ở nuớc ta, hình tượng rồng có từ Hùng Vương qua con vật thân dài có vẩy như cá sấu. Rồng thời Lý lại là con vật mình dài như rắn, thân có vẩy và lưng có vây. Đầu ngẩng cao, há miệng rộng với hai hàm răng nhỏ đang vờn đớp viên ngọc quý. Từ mũi thoát ra mào rồng có dạng ngọn lửa. Rồng thời Lê có đầu to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi. Mình rồng uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Vây trên lưng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Thế nhưng, dù hình dáng có lắm sự đổi thay nhưng tựu trung rồng vẫn là hình ảnh tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng thiên tử trong cách nhìn của người Việt Nam ta và cả phương Đông.

 

Tôi lại thích con rồng đất của trạng Quỳnh gần gũi và một thời là kỷ niệm tuổi thơ. Nhớ hồi còn nhỏ ở quê, cứ tầm tháng mười, tháng mười một âm lịch, mẹ tôi thường chuẩn bị sẵn một bầy vịt ăn Tết. Tôi được giao nhiệm vụ cuốc trùn cho vịt. Hằng ngày đi học về là tôi vác cuốc đi tìm trùn. Cái công việc ngó vậy mà xem chừng cũng lắm gian nan. Có khi đi suốt cả buổi chiều mà vẫn không đủ trùn cho mười chú vịt một bữa no. Trùn có nhiều ở những nơi ẩm thấp và tơi xốp. Hình dáng và màu sắc cũng thay đổi tuỳ theo chất đất. Có thứ đen thui, có thứ vàng ệt, có con dài ngoằn lại có con béo tròn. Chỉ biết có ngọ nguậy, trùn chả doạ nạt được ai cho dù cái thân thể thoạt nhìn trông có vẻ gớm giếc với nhiều người. Riêng những chú vịt của tôi ăn trùn no say, đi ngật ngưỡng thì nhìn dễ thương vô cùng. Tôi biết, trong các loại thức ăn dành cho vịt, khoái khẩu và giúp chúng chóng lớn nhất chính là loài trùn - rồng đất này. Ngày 30 Tết ăn món thịt vịt cuối năm, mẹ khen vịt béo, tôi nghe mà sướng đến phỗng mũi. Chị em cùng đùa: “Tụi mình ăn thịt rồng chế biến qua vịt đó”. Nghe cũng thật oách.

 

Lại nghĩ, trong các loài sống trên mặt đất cũng như trong biển nước mênh mông, mỗi con vật đều có một sức mạnh, khó lòng tìm được minh chủ, vậy nên cùng tôn con rồng không hiện hữu làm chúa tể của muôn loài, ở biển khơi còn gọi là long vương. Bên trong lòng đất yên lành, chả có nhiều loài sinh sống, chú trùn nhỏ có ích và vô hại không mấy loài cạnh tranh nghiễm nhiên được tôn vinh làm địa long, hùng cứ một phương trời bao la, vô tận. Để rồi, bất chợt nó trở thành ý tưởng tuyệt vời loé lên trong đầu ông trạng Quỳnh thông minh, hóm hỉnh mà nghịch ngợm trong cuộc đấu trí với kẻ ngoại bang kiêu ngạo. Và rồi cũng để vào ngày xuân Nhâm Thìn này, có kẻ như tôi nghĩ về con rồng, lại bàn từ rồng thiên tử trong tưởng tượng qua rồng thằn lằn Komodo, cuối cùng đọng lại rõ ràng, cụ thể và thân thương là chú trùn- địa long mà chợt thấm thía, rằng kể ra ông trạng Quỳnh xưa cũng có lý do sâu xa thâm thuý khi chọn con vật đơn giản kia làm đối tượng trong cuộc thi vẽ, đấu trí với sứ Tàu.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top