ClockThứ Sáu, 09/10/2015 16:13

Năng suất lao động VN: Nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan

TTH.VN - GDP của VN năm 1990 chỉ bằng GDP của Thái Lan những năm 1960. Đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, cả nước có 9,6 triệu lao động được đào tạo trong tổng số 52,7 triệu lao động có việc làm năm 2014. Trong ảnh: giờ thực hành của sinh viên khoa điện - điện tử hệ cao đẳng nghề Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: Như Hùng

Bộ Kế hoạch - đầu tư vừa trình Chính phủ báo cáo thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Theo đó, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2014 đạt 74,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,9% so với năm 2013. Bình quân giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7% mỗi năm.

Mặc dù năng suất lao động của VN trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định VN và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 - 2012 thì phải đến năm 2038 VN mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

81,8% lao động 
chưa được đào tạo

Giải thích cách tính năng suất lao động, TS Hồ Đình Bảo (thành viên nhóm nghiên cứu về “Tăng trưởng năng suất lao động VN của Đại học Kinh tế quốc dân) nói năng suất lao động xã hội (VND/lao động) là chỉ tiêu phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, thường tính bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên tổng số người làm việc bình quân (năng suất lao động = GDP/tổng số người làm việc bình quân). Ở đây Bộ Kế hoạch - đầu tư tính bằng GDP bình quân 1 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc.

Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ, năng suất lao động của VN tăng chậm hơn. Cụ thể, vào năm 1994 năng suất lao động của VN thấp hơn Trung Quốc 1,3 lần, đến năm 2013 lên 2,8 lần, giữa Ấn Độ và VN tăng từ 1,6 lần lên 1,7 lần.

Tương tự, tính theo sức mua tương đương, chênh lệch giữa năng suất lao động của Trung Quốc và VN tăng từ 771 USD năm 1994 lên 9.545 USD năm 2013, giữa Ấn Độ và VN từ 1.396 USD lên 3.867 USD.

Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa ra hàng loạt yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của VN. Trong đó, xét về cơ cấu kinh tế thì các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng, còn chiếm tỉ trọng thấp so với các nước trong khu vực.

Tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn khá cao (năm 2014 chiếm 46,3%) và cao hơn so với các nước trong khu vực. Phần lớn lao động làm việc trong khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Khu vực này có tới trên 46% lao động của cả nước nhưng chỉ tạo ra 18,1% GDP.

Cũng theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, cả nước có 9,6 triệu lao động được đào tạo trong tổng số 52,7 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2014 (chiếm 18,2%).

Lao động được đào tạo bao gồm những người đã học và tốt nghiệp ở một trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật của cấp học hoặc trình độ đào tạo tương đương thuộc hệ thống giáo dục quân dân từ 3 tháng trở lên, như vậy có tới 81,8% tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó.

“Điểm nghẽn” 
và “rào cản”

Một trong những yếu tố ảnh hưởng quyết định tới năng suất lao động là thể chế kinh tế và hiệu quả quản trị nhà nước, Bộ Kế hoạch - đầu tư nêu rõ VN đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Trong cải cách hành chính, còn nhiều thủ tục không hợp lý, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính tuy đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với mức trung bình của các nước ASEAN-6. Đơn cử trong năm 2014, thời gian nộp thuế (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm) của doanh nghiệp đã giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm, nhưng còn cao hơn nhiều mức bình quân 121 giờ/năm của các nước ASEAN-6.

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tuy có bước cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2014 chỉ số năng lực cạnh tranh của VN xếp hạng 68 trên 144 nền kinh tế và còn khoảng cách khá xa so với Singapore (thứ 2), Malaysia (20) hay Thái Lan (31), Philippines (52).

Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, đầu mối trực thuộc Chính phủ tuy đã giảm nhưng bộ máy bên trong các bộ, tổng cục còn chưa giảm. Chất lượng và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập.

Về quản trị nhà nước, tuy có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, hệ thống pháp luật, trách nhiệm giải trình, quản lý chi tiêu công... nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực.

Xếp hạng các chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) do Ngân hàng Thế giới xây dựng cho thấy vị trí của VN so với các nước trong khu vực ASEAN là tương đối thấp và ít có sự thay đổi trong giai đoạn 2000 - 2013.

Một công ty da giày trên đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thông báo tuyển dụng lao động ngày 8-10 - Ảnh: Thanh Tùng
Một công ty da giày trên đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thông báo tuyển dụng lao động ngày 8-10 - Ảnh: Thanh Tùng

Đề xuất thành lập ủy ban năng suất quốc gia

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa ra ba nhóm giải pháp về thể chế chính sách, giải pháp về nâng cao năng suất lao động cho khu vực doanh nghiệp và giải pháp nâng cao năng suất lao động cho toàn nền kinh tế.

Bao gồm sớm thành lập ủy ban năng suất quốc gia VN, gồm đại diện của Chính phủ, doanh nghiệp, các hiệp hội, công đoàn và giới học thuật. Thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động, có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của VN.

Đồng thời xây dựng và quyết tâm triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của VN với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động nước ta bắt kịp các nước trong khu vực.

Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng đề xuất chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử) và một số tỉnh thành thực hiện thí điểm chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động. Thành công của các chương trình thí điểm này sẽ tạo đà hiệu quả cho việc thúc đẩy các động lực tăng năng suất lao động trong cả nước.

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, sau khi nghe và thảo luận về báo cáo nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó phân tích, đánh giá cụ thể, khách quan và toàn diện về nguyên nhân, thực trạng năng suất lao động VN.

Đồng thời xác định phương pháp tính năng suất lao động phù hợp với thực tiễn VN, hoàn thiện báo cáo nâng cao năng suất lao động VN, xây dựng nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng suất lao động VN, báo Thủ tướng Chính phủ và các phó thủ tướng trong tháng 11-2015.

Theo Tuổi trẻ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh và làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nếu có hành vi thao túng thị trường.

Đề nghị thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng
Hành động vì động vật hoang dã

Động vật hoang dã (ĐVHD) được ví như một tài nguyên quý thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Là địa bàn rộng, dân cư đông nên TP. Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, hành động vì ĐVHD góp phần nâng cao nhận thức của người dân về bảo tồn thiên nhiên, hạn chế việc tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm ĐVHD.

Hành động vì động vật hoang dã
Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Giá vàng sáng 16/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 16/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Giá vàng sáng 16 4
Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

TIN MỚI

Return to top