Thế giới

Nga- Ukraine: Căng thẳng mới vì các lệnh cấm bay

ClockThứ Hai, 26/10/2015 15:23
TTH.VN - Quan hệ giữa Nga và Ukraine lại vừa nảy sinh những căng thẳng mới sau khi cả hai nước cùng lúc áp dụng lệnh cấm bay lẫn nhau.

Theo tính toán, cả hai nước đều sẽ phải chịu thiệt hại trực tiếp về kinh tế lên tới 110 triệu USD mỗi năm bởi các lệnh cấm bay này.

Sau khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Brucxen ( Bỉ) vào phút chót để tìm ra một giải pháp cho lệnh cấm bay bị thất bại vào tối 23/10, Ukraine chính thức thông báo, kể từ ngày 25/10 sẽ đóng cửa không phận đối với 25 hãng hàng không, trong đó có các Hãng Aeroflot, Transaeco của Nga. 

nga- ukraine: cang thang moi vi cac lenh cam bay hinh 0
Máy bay của hãng hàng không Aeroflot, Nga. (ảnh: Reuters)

Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Ukraine còn nêu rõ, Ukraine cũng sẽ cấm các chuyến bay quá cảnh của Nga nếu các máy bay chở theo quân nhân hoặc hàng hóa có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Như vậy, với quyết định này, mỗi tháng có khoảng 70 nghìn hành khách Ukraine và Nga sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ukraine Pivovarski lại cho rằng biện pháp trừng phạt của Ukraine đối với Nga có thể sẽ không gây ra quá nhiều sự bất tiện: “Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đối với người dân Ukraine khi muốn di chuyển sang Matxcova. Những du khách có thể quá cảnh ở các thành phố khác trên thế giới. Từ nay, công dân Ukraine khi du lịch đến Nga vì mục đích công việc hay gia đình cũng có thể đi du lịch bằng tàu hỏa hoặc máy bay”.

Tính từ đầu năm, đã có khoảng 200.000 người Ukraine du lịch sang Nga trong khi có hơn 500.000 công dân Nga sang Ukraine vì các mục đích công việc và du lịch.

Trước thái độ cứng rắn của Ukraine trong giờ phút chót của đàm phán, Nga cũng trả đũa bằng lệnh tương tự, cấm các hãng hàng không Ukraine khai thác các chuyến bay qua không phận nước này. Nga cho rằng hành động này của Ukraine  “điên rồ”, “ tự bắn vào chân mình” bởi đa phần hành khách đều bay từ Nga sang Ukraine để làm việc, thăm thân nhân hoặc quá cảnh.

Tuy vậy, giới chức Nga thừa nhận họ cũng sẽ phải gánh chịu những thiệt hại không nhỏ về kinh tế khi mà 2/3 số hành khách Ukraine đi lại bằng các máy bay của các hãng hàng không Nga. Bộ Giao thông vận tải Nga ước tính rằng, ngành hàng không hai nước sẽ bị thất thu khoảng 110 triệu USD một năm. Các hãng hàng không lớn nhỏ mỗi bên  dự báo cũng sẽ bị giảm tới 30% lợi nhuận từ các biện pháp trả đũa mới này.

Có thể thấy, những động thái đáp trả giữa Ukraine và Nga nhằm gia tăng sức ép lẫn nhau trên chính trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến chính cuộc sống của cả người dân hai nước. Từ nay, hành khách hai nước sẽ phải thực hiện các chuyến bay xa hơn, tốn kém hơn do phải quả cảnh ở một nước thứ ba, hoặc phải chấp nhận đi tàu hỏa với thời gian hành trình lên tới 13 tiếng.

Một hành khách người Nga nói: “Tôi không ủng hộ cả hai bên với các biện pháp trả đũa nhau trong cuộc xung đột này. Theo quan điểm của tôi, các hành động “ăn miếng trả miếng”  giữa hai quốc gia láng giềng  thời gian qua giống như một cuộc chiến thông tin song  nó lại đang gây ra những khó khăn cho cả người dân Nga và Ukraine.”

Theo giới phân tích, các động thái trên lại làm leo thang căng thẳng trong quan hệ hai nước và càng khiến việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên khó khăn hơn.

Và có một thực tế mà hai nước không phủ nhận rằng trong mối quan hệ láng giềng Nga và Ukraine xưa nay vẫn luôn là mối quan hệ phụ thuộc và  không dễ gì xóa bỏ, chính vì thế mà các biện pháp trả đũa nhau chỉ là "lợi bất cập hại" mà trước tiên là người dân hai nước phải hứng chịu những thiệt hại trực tiếp.

Mai Liên (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng

Hiện tượng khí hậu được gọi là El Nino và La Nina, mang theo những đợt nắng nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán, sẽ xảy ra thường xuyên hơn và cực đoan hơn trong những năm tới, sau khi Nam Mỹ hứng chịu đợt El Nino dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia thời tiết cho biết.

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top