ClockChủ Nhật, 10/09/2017 07:15

Ngẫm từ vài câu chuyện

TTH - Chuyện thanh niên tình nguyện TP. Hồ Chí Minh “vẽ tranh” trên các cột điện đã gây nên nhiều “lời ra tiếng vào”.

Chuyện ở Hà Nội có một ông Tây tổ chức một nhóm tình nguyện cạo sạch bờ tường một con hẻm bị vấy bẩn, sơn lại và vẽ lên đó những bức tranh đã tạo nên sự thích thú và ủng hộ của nhiều người.

Ở đây xin không bàn về những việc nêu trên là có nên hay không nên làm, phù hợp hay không phù hợp, mà điều chúng tôi muốn nói, dù sao, qua những việc làm này, những người tham gia đã thể hiện mong muốn góp phần làm đẹp thêm thành phố. Tôi tin rằng họ làm như vậy, họ cũng thừa hiểu rằng với những “đốm lửa nhỏ” không thể trực tiếp cải thiện được tình hình nhếch nhác của đô thị, nhưng ít ra nó cũng đưa lại một thông điệp: “Nếu mỗi người góp tay một tí, hoặc ít ra nếu không đóng góp cho môi trường sống, không gian sống tốt hơn thì hãy đứng làm xấu nó”.

Nhưng đôi khi nói thì dễ, chứ làm không hề dễ.

Trong khi một số người “đơn lẻ” đang cố gắng như vậy, thì đáng tiếc, nhiều người đang vô tình hay cố ý làm cho môi trường xấu thêm; cảnh quan đô thị ngày càng nhếch nhác.

Ai có dịp đi trên đường Lê Ngô Cát, phường Thủy Xuân, TP. Huế sẽ thấy điều này. Dọc con đường này, ít nhất là có 3 điểm để các thùng đựng rác. Có lẽ vì lượng rác thải nhiều nên có nơi đặt đến 3 thùng. Thế nhưng không ít người không đổ rác vào thùng mà vứt bừa ra ngoài. Đây lại là con đường du lịch dẫn đến lăng Tự Đức. 

Tôi lại nhớ đến câu chuyện của Bí thư huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa đọc được trên báo. Chuyện một Bí thư huyện mới 36 tuổi đã thấy thích thú. Chuyện anh thuyết phục người dân góp phần giữ gìn cho hòn đảo này sạch hơn lại càng thú vị. Khi ra đây nhận công tác, anh thấy người dân vứt rác hết sức bừa bãi, việc thu gom rác cũng không nề nếp. Thế là họp dân, thuyết phục dân, rằng thay vì bà con  chỉ chậm một phút nhưng rác được bỏ vào thùng, nếu bà con cứ vứt ra ngoài thì người dọn lại mất nhiều công hơn, đó là điều không đáng để chúng ta làm như vậy.

Những lời khuyên chí tình chí lý, hết sức thuyết phục. Người dân đồng tình hưởng ứng. Hệ quả là việc thu gom rác tốt hơn và đảo Lý Sơn ngày càng sạch hơn nhiều, ngày càng thu hút đông khách du lịch.

Hiện nay, việc làm nhếch nhác mỹ quan đô thị, có thể nói đó là việc quảng cáo rao vặt. Hầu như đi trên tuyến phố nào, chúng ta cũng thấy tình trạng này. Nhiều vô kể, muôn hình vạn trạng – dán giấy có, treo biển có, viết bằng sơn trực tiếp lên bờ tường, cột điện cũng có... Pháp luật xử phạt hành chính ở lĩnh vực này đã có nhưng có cảm giác như cơ quan quản lý không quan tâm nhiều lắm. Cho nên tình trạng vi phạm ngày càng nhiều. Tham gia vào hình thức quảng cao này không chỉ những cá nhân mà cả các công ty. Có địa chỉ, có số điện thoại hẳn hoi. Có nghĩa là nếu muốn quản lý hoặc xử lý cũng không phải khó tìm ra đầu mối.

Một nhóm người rất nhỏ có những hành động góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, trong khi rất nhiều người có hành động làm xấu nó đi thì chắc chắn cảnh quan đô thị khó mà cải thiện.

Có rất nhiều ngành nghề và dịch vụ do những cá nhân đảm nhận với quy mô rất nhỏ. Đó là công ăn việc làm, họ cũng có nhu cầu đưa thông tin đến khách hàng nhưng không có điều kiện thực hiện các công cụ truyền thông khác nên chọn hình thức “rao vặt”. TP. Huế đã quan tâm đến điều này bằng việc thiết kế và dựng những tấm bảng to cho phép người có nhu cầu dán quảng cáo rao vặt vào đó. Điều kiện hỗ trợ đã có. Muốn chấm dứt hoặc ít ra là hạn chế tình trạng quảng cao rao vặt tràn lan chỉ còn cách là tăng cường kiểm tra, xử phạt. Đồng thời với đó là đẩy mạnh công tác truyền truyền. Phương thức tuyên truyền cũng phải hết sức cụ thể.

Và, cái cách tuyên truyền như Bí thư huyện đảo Lý Sơn nêu trên cũng đáng để chúng ta suy ngẫm.

NGUYÊN LÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Muốn biến chuyển, phải phạt!

Công tác tuyên truyền, giáo dục đã được tiến hành thường xuyên, liên tục, đa dạng. Thế nhưng, vi phạm vẫn cứ hoàn vi phạm. Ngẫm lại, trăm sự đều do…chưa phạt mà ra.

Muốn biến chuyển, phải phạt
Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích

Rất nhiều "Ngày chủ nhật xanh" đã được tổ chức, Xanh- sạch- sáng đã trở thành phong trào của cả tỉnh và được nhiều địa phương duy trì thường xuyên, vậy mà sao vài vị trí rất đáng để mắt như nơi đống rác kia “tọa lạc” lại bị bỏ sót...

Phải chấm dứt tình trạng xả rác, xâm hại cảnh quan di tích
Return to top