ClockThứ Bảy, 17/11/2018 06:45

Ngày hội của dân

TTH - Không phân biệt giàu, nghèo, tuổi tác, tôn giáo…, Ngày hội Đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc là dịp để người dân chung vui, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn; củng cố và phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc.

Nhiều nơi tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộcBộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở phường Hương Sơ

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện tặng quà cho các em học sinh nghèo học tốt tại Ngày hội Đại đoàn kết phường Hương Sơ năm 2018

Tỏa rộng, thấm sâu

Là địa bàn có đông người dân tái định cư, công việc không ổn định nên Ngày hội ĐĐK tại khu vực 5, phường Hương Sơ (TP. Huế) tổ chức ngày 10/11 vừa qua có phần “đặc biệt”.

Chưa đến giờ khai mạc, nhưng bà con khu vực 5 đã có mặt đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Ai nấy đều trang phục chỉnh tề. Mọi người háo hức truyền tin, lần này có “Bác Bộ trưởng” đến dự.

Sau chương trình văn nghệ, các thành quả về xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế của khu vực được tuyên dương; nổi bật với tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,95%, hộ cận nghèo 8,26%. Tôi bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của những người lao động đã thoát nghèo. Với họ, thoát nghèo vừa là mơ ước vừa là động lực vươn lên trong cuộc sống. Sau nhiều năm được lên bờ, không còn lênh đênh sông nước, đời sống người dân khu vực 5 đã khởi sắc.

Tại ngày hội, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch chia sẻ, bài toán “di dân” đưa người dân sống trên sông nước lênh đênh lên bờ luôn khiến ông trăn trở khi còn công tác tại địa phương. Đời sống bà con tại khu tái định cư Hương Sơ ngày càng khởi sắc là thành quả rõ nhất cho sự nỗ lực chung tay vào cuộc của toàn thể hệ thống chính trị.

Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức tại Ngày hội Đại đoàn kết xã Phú Sơn năm 2018

Bà Trần Thị Lan (68 tuổi), cho biết, đời sống bà con ngày càng được cải thiện, trẻ em được đến trường đầy đủ. Ngày hội ĐĐK là dịp để người cao tuổi cùng ôn lại kỷ niệm, thắt chặt tình làng nghĩa xóm và giáo dục thế hệ trẻ tinh thần đùm bọc, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn; nỗ lực học tập, góp sức xây dựng quê hương đất nước.

Không riêng khu vực 5, trong Ngày hội ĐĐK năm nay, nhiều địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian. Đơn cử như tại xã Phú Sơn (TX.Hương Thủy), bà con nhân dân tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt đập om, thi đổ nước vào chai và nhảy bao bố, qua đó tạo không khí vui tươi phấn khởi. Hay tại thôn Tây Hoàng (xã Quảng Thái, Quảng Điền) đã tổ chức hội thi kéo co nữ giữa đội tuyển kéo co của thôn Tây Hoàng với 3 đội tuyển nữ của các thôn bạn là Trằm Ngang, Trung Kiều và Lai Hà…

Hiệu quả thiết thực

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) tỉnh đánh giá, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh được tổ chức hằng năm là hoạt động thiết thực, bổ ích tại các khu dân cư với mục tiêu tiếp tục tăng cường, củng cố và phát huy sức mạnh khối ĐĐK toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.

Trong 5 năm (2012 – 2017), toàn tỉnh có 98,6% khu dân cư tổ chức phần hội và 77,8% tổ chức cả phần lễ và hội; tổng kinh phí trên 47 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp gần 25,4 tỷ đồng. Ngày hội Đại đoàn kết thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân ở địa phương, con em là người địa phương đang sinh sống, xa quê hương trở về đoàn tụ, chung vui với gần 920 nghìn lượt người tham gia; tạo không khí sinh hoạt truyền thống tại các địa phương.

Thông qua tổ chức Ngày hội ĐĐK, các khu dân cư đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt việc tốt, điển hình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất - kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo.Với 3.068 tập thể và 19.168 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng, biểu dương, ngày hội đã góp phần xây dựng đạo đức, lối sống, nếp nghĩ, cách làm, tinh thần tương thân, tương ái, kính lão trọng thọ, khát vọng làm giàu chính đáng, vì cộng đồng. Đồng thời, mạnh dạn đấu tranh phê phán cái xấu, hình thành lối sống tốt đẹp, phù hợp trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố khối ĐĐK toàn dân tộc.

Việc lồng ghép ký kết giao ước thi đua thực hiện tốt các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giúp hình thành các phong trào, hoạt động chung tay vì cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư. Nhờ đó, toàn tỉnh hiện có 1.319 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 96%. Có 245.294 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 91,3% so với đăng ký. 1.079 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 89,9%.

Ngoài ra, một số địa phương còn tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân, tương ái”, nhân đạo, từ thiện như: tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn; tổ chức văn nghệ, xổ số để vận động Nhân dân ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ khuyến học, khuyến tài của các thôn, tổ dân phố.

Theo bà Lê Thị Tuyết Mai, với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, việc tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc trên địa bàn trong những năm qua đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thực sự là “Ngày hội của Nhân dân”.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top