ClockThứ Năm, 18/02/2016 14:38

Ngày xuân nghe ”Ông già tóc bạc” kể chuyện đời

TTH - Hình ảnh “Ông già tóc bạc” - nhà văn Nhất Lâm, với chiếc xe đạp cà tàng dạo quanh TP Huế, từ mấy năm nay đã được nhiều người để ý, nhất là từ ngày ông tình nguyện hiến xác cho Trường đại học Y Dược Huế vào cuối năm 2013, sau khi biết mình bị bệnh tim khá nặng.

Chẳng biết nhờ ông tìm được cách chết vẫn còn có ích, hay do niềm vui sống với văn chương, báo chí, nên hơn hai năm qua, ông vẫn sống khỏe! Và Xuân 2016 này, tròn tuổi 80, ông rỉ rả kể chuyện đời mình từ lúc còn là chú bé ở làng quê An Tiêm bên sông Vĩnh Định (Quảng Trị) cho đến nay.

Người đọc có thể còn muốn tác giả trau chuốt ngôn ngữ hơn nữa, chọn lọc chi tiết và bổ sung những đoạn đời còn trống vắng trong cuốn sách, nhưng ở tuổi 80 như Nhất Lâm, với trái tim ngày nào cũng phải có thuốc trợ lực, viết được tác phẩm dày gần 300 trang như “Sống để chết” đã là một “chiến công”!  

Chuyện đời riêng của một con người, tuy không phải là danh nhân, tướng tá đầy mình huân chương, nhưng những trang ghi chép chân thực từ nơi sinh thành là một làng quê cách mạng nổi tiếng ở Quảng Trị, đến mọi cảnh đời phong phú ở hầu khắp các vùng đất nước, suốt từ miền Trung nắng gió đến miền Tây Bắc xa xôi mà ông có cái “duyên” được trải qua trong mấy chục năm đầy biến động của lịch sử dân tộc, không chỉ là tư liệu sinh động bổ sung cho “chính sử” mà còn gợi hứng thú cho người đọc như được tham dự một tour du lịch rất đặc biệt. Đó là cảnh làng quê trù mật bên sông Vĩnh Định - con sông đào được chọn đưa hình lên Cửu Đỉnh Huế - với những người con Quảng Trị giàu lòng yêu nước và cách mạng, sẵn sàng dốc thóc lúa nuôi bộ đội thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng 8, trong đó có gia đình Nhất Lâm đã nhiều lần đóng góp vào quỹ kháng chiến; rồi cảnh “Đò em lên xuống Ba Lòng / Chở người cán bộ lên vùng chiến khu”, cảnh giặc càn, đốt phá, những du kích trẻ bị giết dã man, gợi nhớ thời “Bình Trị Thiên khói lửa”; bản thân Nhất Lâm nếu không kịp hụp lặn dưới bàu thì đã “sống mãi” ở tuổi 16! Sau Hiệp nghị Geneve, mẹ con gặp nhau chưa kịp vui hưởng hòa bình, Nhất Lâm với các bạn cùng lứa và một số chị em bế cả con nhỏ, ba lô trĩu vai, tay xách nách mang, lếch thếch lần bước theo con đường sắt bỏ hoang ra Vĩnh Linh, qua Đồng Hới, vượt Đèo Ngang, tập kết ra miền Bắc. Cảnh bà con làng kháng chiến Cảnh Dương và nhiều làng xóm ở Hà Tĩnh, mặc dù cũng vừa trải qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, vẫn tận tình tổ chức đón đưa bà con Trị Thiên trên đường ra Bắc thật là cảm động…

Đặc biệt thú vị là những chương tác giả ghi lại những năm tháng lăn lộn trèo đèo lội suối cùng đội quân ngành địa chất tìm mỏ ở hầu khắp miền Tây Bắc, Đông Bắc của Tổ Quốc. Gian khổ không thể kể xiết, nhưng cũng ít ai có được diễm phúc thưởng ngoạn những khung cảnh kỳ vĩ, nên thơ ở những vùng đất xa xôi giàu tài nguyên và đầy bí ẩn ấy từ lúc còn hoang sơ như kỹ sư địa chất Nhất Lâm.

Cho đến khi cùng chuyên gia Liên Xô đi tìm mỏ vàng Mu Lu; vàng ở độ sâu 6-9m, nhưng trong một ngôi nhà sàn vắng vẻ, nàng Ín - người đẹp vùng cao cô đơn sau một đời chồng dang dở, như đã sẵn chờ anh, chủ động dâng hiến cho anh và anh đã không cưỡng nổi… Trước ngày về xuôi, anh lại đến với nàng, nhưng nghe Ín nói: “Nếu anh nằm lại đêm nay thì chẳng bao giờ đi đâu cả, và thành chồng Ín…”, anh như người tỉnh mộng. Vì anh không thể thành công dân bản Mu Lu. “Tôi phải trở về quê nhà, cho dù ngày Bắc Nam thống nhất chưa biết đến bao năm nữa. Đó là động lực mà tôi đã vượt qua con suối cạn trong đêm mồng 3 Tết ở Mu Lu.”

Hơn 10 năm sau, Nhất Lâm mới được trở lại với làng quê, gặp lại người mẹ già bên sông Vĩnh Định. Tác giả còn cho chúng ta biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu cảnh đời nữa, trong đó, có hình ảnh khá nhiều văn nghệ sĩ mà ông có dịp gặp gỡ trên đường đời. Những cuộc gặp gỡ đó - đặc biệt là với nhà thơ Vĩnh Mai, đã giúp ông thêm yêu văn chương, ham thích viết báo, thêm nguồn vui sống và biết chọn cách chết có ích cho đời; bằng chứng là cuốn sách thứ 17, ông vừa cho xuất bản vào mùa Xuân thứ 80 của đời mình, dù mở đầu và kết thúc bằng chuyện “hiến xác” của mình, vẫn tràn đầy lạc quan…

NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày xuân xem võ cổ truyền

Chiều 23/1 (Mùng 2 Tết), tại công viên Thương Bạc, Trung tâm Văn hóa thông tin và Thể thao TP. Huế tổ chức chương trình biểu diễn võ thuật cổ truyền. Hơn 20 màn biểu diễn mang đến không khí rộn ràng tươi vui cho công chúng, du khách trong những ngày đầu xuân.

Ngày xuân xem võ cổ truyền
Ngày xuân nhớ khúc Nam Cầm

Xuân đến trên đất trời xứ Huế, sông như xanh hơn, núi như tím hơn. Mùa xuân mưa phùn thoảng sương, gió se lành lạnh, có tiếng chuông Thiên Mụ xa xa...

Ngày xuân nhớ khúc Nam Cầm
Dậy hương bánh thuẫn ngày xuân

Những ngày cuối cùng của năm, khi cây hoàng mai trước ngõ rực vàng những chùm hoa, gia đình cũng đã dọn dẹp tổng kết vệ sinh xong đâu đấy, chúng tôi lại bắt tay vào làm những món mứt bánh chuẩn bị đón Tết. Và bánh thuẫn là món mà chị em tôi nghĩ đến trước tiên mỗi khi tết đến xuân về.

Dậy hương bánh thuẫn ngày xuân
Chút tình ngày xuân

Người đàn ông áng chừng 65 tuổi, gương mặt sạm đen, dáng vẻ khắc khổ.

Chút tình ngày xuân

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top