ClockThứ Hai, 29/04/2013 09:56

Nghe hiện vật kể chuyện

TTH - Đến Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng (BTLS&CM) vào những ngày tháng 4 lịch sử, lòng tôi tràn ngập cảm xúc khi đứng trước những chứng tích của một quá khứ hào hùng. Mỗi hiện vật như một ngọn lửa nhỏ mãi cháy sáng. Đó là những tiếng nói vọng về từ lịch sử.

Tiếng nói của lịch sử

Khu trưng bày hình ảnh, hiện vật trong kháng chiến chống Mỹ ở Thừa Thiên Huế. Những vật dụng giản dị quen thuộc của anh bộ đội cụ Hồ: đôi dép cao su, ba lô con cóc, mũ tai bèo, chiếc gậy vượt Trường Sơn… khiến lòng tôi dâng lên bao xúc cảm. Bùi ngùi trước những kỷ vật là chiếc mũ ngả màu, chiếc áo vải sờn vai. Thú vị với cây sáo, chiếc đàn ghi ta các anh tự tạo từ thùng lương khô. Khâm phục, ngưỡng mộ khi chỉ với những chiếc cuốc, xẻng thô sơ, các anh đã mở đường Trường Sơn cứu nước. Cuộc sống sinh hoạt của bộ đội chỉ có thế thôi. Gian khổ và hy sinh. Ấy thế mà, họ đã làm nên lịch sử.

 
Học sinh Thừa Thiên Huế tham quan Bảo tàng Lịch sử Cách mạng 

Tôi lặng người xúc động trước hình ảnh nhỏ nhắn, xinh xắn của 11 cô gái Sông Hương. Kỷ vật còn lại là khẩu súng B40 của o du kích Phạm Thị Liên, đội trưởng. Còn rất trẻ nhưng họ đã chiến đấu anh dũng ngoan cường, lập được nhiều chiến công hiển hách, đánh lùi nhiều đợt phản kích của địch trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968. Sau chiến công ấy, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi các chị: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường / Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường / Bác khen các cháu dân quân gái / Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương”.

Phía bên kia là những hũ gạo thấm tình quân dân mà đồng bào cả nước đã tiết kiệm để gửi ra chiến trường. Cả chiếc gùi đồng bào dân tộc ở miền Tây Thừa Thiên Huế vận chuyển lương thực cho bộ đội, những chiếc nắp hầm bí mật nuôi giấu cán bộ của các cơ sở cách mạng... Đơn sơ thế mà chúng đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại với hiện vật biểu trưng là lá cờ được kéo lên ở Kỳ đài vào ngày 26/3/1975.  

 

Hiện vật chiến tranh của Mỹ Ngụy tại bảo tàng.

Đối lập với những vũ khí thô sơ của bộ đội ta là những phương tiện, vũ khí hiện đại, khổng lồ của đế quốc Mỹ với bom bi, máy bay, xe tăng, pháo tự hành... Ở khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng, vẫn còn đây chiếc máy bay A37 được mệnh danh là “rồng chiến” mà địch sử dụng để thả bom napan và bắn rocket trong những cuộc hành quân lớn khi chúng tham chiến tại chiến trường Trị Thiên Huế. Hay chiếc máy bay UH1 địch từng dùng để tầm soát kinh thành Huế trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Pháo tự hành 175mm được quân ngụy mệnh danh là vua chiến trường, rồi xe thiết giáp, xe tăng… Những phương tiện vũ khí khổng lồ ấy từng càn quét, bắn giết biết bao đồng bào, chiến sĩ. Và, càng khâm phục biết bao khi nhân dân ta bằng tinh thần yêu nước, lòng quật cường đã làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, quét sạch giặc thù, thống nhất đất nước.

Giáo dục truyền thống yêu nước

BTLS&CM đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày trên 20 nghìn hiện vật. Để phát huy giá trị của các hiện vật trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, hàng năm, bảo tàng đã tổ chức triển lãm lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền giới thiệu trên truyền hình. Bảo tàng cũng đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ qua các hoạt động: miễn vé tham quan cho học sinh, tổ chức cho học sinh, sinh viên đến tham quan học tập, sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức thi tìm hiểu lịch sử…

Ông Đỗ Hữu Hà, Phó Giám đốc BTLS&CM cho biết: “Các em học sinh đến tham quan rất thích thú khi được xem, tìm hiểu về các hiện vật lịch sử trực tiếp tham gia trong chiến tranh. Đó là những hình ảnh sống động phản ánh chân thật quá trình đấu tranh cách mạng của quân dân Thừa Thiên Huế, đem lại cho thế hệ trẻ những cảm xúc thật. Từ đó, các em hiểu được giá trị của cuộc sống hòa bình mà các em có hôm nay được đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của biết bao thế hệ đi trước”.

Đến nay, bảo tàng đã đón hàng triệu lượt người tới tham quan, năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2012, bảo tàng đã đón và phục vụ gần 86 nghìn lượt khách, trong đó có hơn 26 nghìn lượt khách quốc tế. Khách đến thăm bảo tàng không chỉ là các cựu chiến binh, các cơ quan, đơn vị, địa phương mà còn có rất đông các em học sinh. Đây thực sự đã trở thành một nơi giáo dục truyền thống cách mạng “trực quan, sinh động” bởi hệ thống tư liệu, hình ảnh, hiện vật phong phú.

Nhiều em học sinh khi đến thăm bảo tàng đã bày tỏ sự xúc động và cảm kích trước tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng. Em Đoàn Thị Diệu Phúc, học sinh Trường PTTH Hai Bà Trưng chia sẻ: “Đến tham quan bảo tàng, em rất xúc động và tự hào về tinh thần chiến đấu anh dũng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, tự hào khi mình là người Việt Nam với lịch sử của cuộc kháng chiến anh hùng. Bảo tàng đã giúp em hiểu và trân trọng hơn giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay mà các thế hệ cha ông đã đổ xương máu gìn giữ”.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top