ClockThứ Bảy, 03/01/2015 09:39

Người nuôi và cộng đồng đều hưởng lợi

TTH - Tăng năng suất, sản lượng, nhưng phải bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí ngành nuôi trồng thủy sản Thừa Thiên Huế đang hướng đến.

Từ cơ sở hạ tầng đến quy trình kỹ thuật nuôi tôm của Công ty C.P đều được đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: Văn Cảm

 

Chuyên nghiệp hóa ngày càng cao

Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2014 hơn 6.779 ha. Trong đó, diện tích nuôi nước lợ, mặn gần 4.590 ha, gồm: 223,6 ha nuôi chuyên tôm sú cao triều và hạ triều, 424,4 ha nuôi tôm chân trắng 2 vụ, 3.941 ha nuôi xen ghép, chắn sáo và nuôi chuyên cá. Sản lượng thu hoạch hơn 17.226 tấn, tăng gần 20% so năm 2013. Trong đó, tôm các loại hơn 7.601 tấn; cá, cua nước lợ gần 2.678 tấn. Nhờ thay đổi phương thức và đa dạng hoá các đối tượng nuôi nên có đến 84% hộ nuôi có lãi.

Nuôi tôm chân trắng ở vùng cát ven biển là đối tượng chủ lực, góp phần thúc đẩy phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Phong Điền là một trong những địa phương canh tác dải đất cát ven biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn nhất Thừa Thiên Huế. Từ một vài hộ nuôi tôm chân trắng nhỏ lẻ, đến nay, nuôi tôm trên cát ở Phong Điền đã thu hút nhiều tập thể, cá nhân, doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư nuôi trồng, thu mua, chế biến, nâng diện tích nuôi tôm chân trắng lên hơn 315ha, chiếm gần 75% diện tích nuôi tôm trên cát toàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2014, tổng sản lượng NTTS toàn huyện Phong Điền đạt 5.325 tấn, riêng sản lượng tôm các loại đạt 4.500 tấn, năng suất bình quân khoảng 14,4 tấn/ha/năm. Theo quy hoạch, diện tích NTTS vùng cát ven biển huyện Phong Điền đến năm 2015 và năm 2020 gần 899 ha, trong đó diện tích quy hoạch ao nuôi hơn 494 ha, chiếm hơn 90% diện tích quy hoạch NTTS vùng cát ven biển toàn tỉnh.
Ông Lê Thành Bắc, Trưởng phòng Công Thương huyện Phong Điền cho hay, quy hoạch đã xây dựng nhiều giải pháp đi kèm như chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đầu tư cơ sở hạ tầng, hậu cần dịch vụ cho NTTS, thị trường và giải pháp về môi trường... Cùng với hạ tầng khu NTTS trên cát ven biển xã Điền Hương (Phong Điền) vừa được đưa vào sử dụng, huyện Phong Điền tiếp tục khuyến khích các hộ, nhóm hộ nuôi thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết, đảm bảo xây dựng vùng nuôi an toàn, bảo vệ môi trường bền vững. Nhiều tiểu khu, HTX được thành lập đã tự bỏ vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải nội bộ, khép kín.
Một số tổ hợp tác, doanh nghiệp NTTS trên địa bàn đang đi theo hướng nuôi công nghiệp thâm canh. Trong đó phải kể đến Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Công ty C.P) , thuộc tập đoàn hàng đầu về nông nghiệp trên thế giới của Thái Lan. Mong muốn tạo ra một sản phẩm độc đáo, đơn vị áp dụng những giải pháp kỹ thuật an toàn, công nghệ hiện đại trong nuôi và chế biến sản phẩm tôm, nhằm đạt được sản phẩm “tôm sạch” an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thị trường xuất khẩu bền vững và ổn định. Với 215 ha đất nuôi tôm trên cát ở các xã Điền Hương, Điền Môn và Điền Lộc, Công ty C.P đã xây dựng hệ thống “green house” để nuôi tôm nhằm kiểm soát tác động thời tiết, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Công ty áp dụng quy trình nuôi “an toàn sinh học” hiện đại nhất trên thế giới, quy trình tuần hoàn khép kín, không thay nước. Tuy tốn kém hơn rất nhiều so với hình thức nuôi truyền thống, song lại đảm bảo nuôi lâu dài trên diện tích đất đầu tư. Ngoài ra, trong quy trình nuôi, đơn vị không thả nuôi trực tiếp mà thả qua hệ thống ao ươm, sau 30 ngày mới thả xuống ao nuôi và sau 50 đến 60 ngày cho thu hoạch. Năng suất nuôi tôm theo mô hình “green house” lên đến 45 tấn/ha/1 năm/4 vụ, trong khi các ao nuôi lộ thiên đạt năng suất bình quân 15 tấn/ha/1 năm/2 vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Cảm, Giám đốc Kế hoạch và phát triển kinh doanh lĩnh vực thủy sản - Công ty cổ phẩn Chăn nuôi C.P Việt Nam, đối với Công ty C.P, nguyên tắc một sản phẩm phải đáp ứng 3 tiêu chí: An toàn, bảo vệ môi trường và có lợi cho cộng đồng. Ngoài chú trọng quy trình, kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững, để thu mua tôm nuôi sống tại chỗ trong dân đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu từ 12 ngàn đến 15 ngàn tấn tôm nguyên liệu của nhà máy chế biến tại KCN Phong Điền, ngoài diện tích nuôi của đơn vị, đội ngũ chuyên môn còn hỗ trợ kỹ thuật cho người dân nuôi theo mô hình “green house” nhưng bằng vật tư, vật liệu rẻ tiền, phù hợp điều kiện người nuôi; đồng thời cung cấp giống, thức ăn, thu mua có điều kiện.
Tăng năng suất theo hướng bền vững
Cùng với 1.000 ha đất dải cát ven biển quy hoạch nuôi tôm chân trắng, diện tích mặt nước lợ hơn 22 ngàn ha trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là tiềm năng và lợi thế để phát triển NTTS của Thừa Thiên Huế. Tiềm năng diện tích, những thuận lợi về điều kiện tự nhiên đã tạo môi trường NTTS đa dạng về đối tượng, phong phú về mô hình nuôi với các hình thức và mức độ thâm canh khác nhau. Trong đó phải kể đến một số đối tượng được người dân đưa vào nuôi mới đây như: cá giò, cá vẩu, cá nâu, cá hồng, cá mú, cá hồng Mỹ... cho hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, do thời tiết khí hậu thay đổi thất thường, môi trường vùng đầm phá ngày một ô nhiễm do hạ tầng vùng nuôi xuống cấp, không có sự đầu tư hợp lý, chất lượng con giống chưa thực sự tốt, ứng dụng KHCN chưa nhiều, nên Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã nghiên cứu, khuyến cáo người nuôi vùng đầm phá chuyển đổi đối tượng nuôi, hình thức nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng để đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong sản xuất. Từ năm 2006 đến nay, nhờ chuyển sang nuôi xen ghép nhiều loại cá, cua, hiệu quả nuôi được cải thiện toàn diện. Cùng với chú trọng yếu tố con giống, đối tượng, kỹ thuật nuôi, hằng tuần, Chi cục NTTS tiến hành quan trắc tại 15 điểm tại vùng đầm phá, vùng cát ven biển và khu vực nuôi nước ngọt để dự báo, cảnh báo môi trường. Đây là một trong những cơ sở giúp người dân nắm bắt tình hình, đồng thời có giải pháp kỹ thuật xử lý kịp thời. Nhờ đó, diện tích tôm, cá bị bệnh năm nay giảm gần 76 ha so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá của bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, tuy việc nuôi xen ghép đem lại hiệu quả, nhưng năng suất và sản lượng chưa cao. Bởi, giống cá như dìa, kình... hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Những loại cá này không phải đối tượng nuôi xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, tôm sú, tôm chân trắng mới là những đối tượng xuất khẩu chủ lực. Do đó, muốn tăng hiệu quả cần tăng đối tượng nuôi này lên và việc cần làm là phải công nghiệp hóa NTTS để đảm bảo tính bền vững. Theo bà Hồng, cần đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ, khép kín và được vận hành hiệu quả thì mới đưa vào thâm canh bền vững. Ngoài ra, ngành cũng đã quy hoạch những vùng nuôi sinh thái, đảm bảo các tiêu chí, quy định trong lĩnh vực NTTS.
Nhờ nhạy bén chuyển đổi phương thức nuôi như xen ghép, lồng kết hợp đầu tư áp dụng mô hình NTTS theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường đã làm lợi cho chính người nuôi, giúp sử dụng vùng nuôi lâu dài, hạn chế được ô nhiễm, giảm dịch bệnh xảy ra. Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản nước lợ bình quân lãi từ 35-60 triệu đồng/ha/năm. Một số hộ lãi từ 80-100 triệu đồng/ha/năm. Số hộ nuôi tôm chân trắng vùng cát ven biển thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha/năm ngày càng tăng lên.
Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn

Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) vận hành hiệu quả các hệ thống thủy lợi, đê điều, điều phối nguồn nước và phối hợp các địa phương nạo vét các kênh mương, hồ chứa bị bồi lắng để khôi phục, tăng khả năng trữ nước phòng chống hạn mặn.

Điều tiết nước, nạo vét kênh mương ứng phó hạn mặn
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn
Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Return to top