ClockChủ Nhật, 13/09/2020 11:08

Người trẻ chọn món chay

TTH - Vèo một cái đã hết hơn nửa năm. Kỳ thực là tôi không theo dõi lịch âm nên hiếm khi bắt kịp các ngày kỵ giỗ, cúng rằm như bà và mẹ. Chỉ là mỗi lần dạo chợ, nếu thấy hai bên đường đã nhuộm nhiều sắc hoa là biết, tối nay nhà mình sẽ phảng phất mùi khói hương. Hoặc thấy các biển hiệu treo bún bò, giò, chả đã chuyển thành bún, phở, gỏi chay... là biết ngày trăng tròn đã đến.

“Ngon & lành”, ẩm thực chay đủ sức làm hài lòng khách

Bạn trẻ mê món chay. Ảnh: HẠ AN

Nhưng đâu chỉ ngày rằm, chọn ăn chay giờ đã không chỉ “đắt khách” mỗi ngày rằm trong tháng mà đã dày hơn. Nhiều người đã xem việc ăn chay là một lựa chọn dễ chịu trong việc hướng đến sự nhẹ nhõm và an yên.

Dạo còn “rất trẻ”, mỗi bận có ai đang đương trẻ bảo “hôm nay tao ăn chay”, thế nào cũng nhận về được mấy lần trố mắt và vài cái hỏi dồn vì không tin được. 5-6 năm về trước, ăn chay với người trẻ hẳn là những định kiến như vậy. Ấy mà khi tôi bắt đầu lớn lên, biết tự chắp tay trước ngực nguyện cầu trước mùi nhang khói và tự chọn những bữa ăn cho riêng mình hay với bạn bè, ăn chay đã không còn là điều gì xa vời hay lạ lẫm. Ý là tôi đang nói chính mình và những người bạn đồng trang lứa. Chúng tôi, vừa mới lưng chừng tuổi 20.

Món chay dễ ăn, giàu dinh dưỡng. Ảnh: TRÂM NGUYỄN - HẠ AN

Huế nhỏ chút xíu, tưởng chừng như đi vài lần là hết nhưng hành trình ăn chay của người trẻ thì muôn vàn mà kể. Hòa, bạn tôi bảo, hôm đó đi dọc đường chẳng biết ăn gì nên cứ rảo quanh, rồi tấp đại vào quán ăn cho qua bữa, rồi mê đồ chay từ đó. Bảo Hân thì nghĩ, đồ chay mau đói, cứ ngỡ ăn chay tức sẽ tiêu nhanh, tức giảm cân nhanh được nên lúc đầu ăn cho đẹp, sau này lại nghiện, thế là gắn bó với đồ ăn chay mấy bận mỗi tuần và gắn cả với cái bụng đã bớt nhiều mỡ từ đó.... Cô em của tôi hay được chị dụ đi ăn chỗ này, chỗ kia đã không ít lần đề xuất món chay thanh tịnh. Còn tôi, chỉ là thích sự thú vị khi được thưởng thức vị mới.

Ăn chay có nhiều nơi và nhiều món. Tôi thì tùy lúc, có khi thích ăn cùng bạn ở nhà hàng, lúc lại thích lên chùa cùng bà, mẹ.

Vào những ngày rằm, hay chùa có kỵ cúng to, dễ mà thấy các cô, cậu trẻ tuổi mặc đồ dài, hay áo chàm đền quỳ lạy, đọc kinh rồi tham gia dọn bàn, ăn chay cùng các mẹ, các thầy. Bữa cơm chùa ngày trước tôi cũng từng vào bếp bưng cơm, canh ra bàn, rồi tự bưng vào phân loại bát đũa, thức ăn thừa còn lại. Những hôm lễ lớn, “buffet ở chùa” thường có cả cơm chiên, cháo, bún chay đủ các loại. Cúng kỵ nhỏ hơn, cơm chùa chỉ có mấy món đậu kho, rau xào... đạm bạc, nhưng ăn vẫn thấy ngon. Không đầy đủ như ở nhà và ra hàng, nhưng cái vị thanh thanh của muối, xì dầu hay một thứ bột nêm chay gì đó đến giờ tôi vẫn không biết được cứ lưu luyến mãi.

Ngoài lên chùa ăn chay, thì mấy bạn trẻ Huế cũng theo từng cấp và độ tuổi mà chọn cho mình những hàng chay phù hợp với túi tiền và khẩu vị.

Nhắc đến ngang đoạn này, kiểu gì đầu óc của cái Tâm, cái Nhã cũng liến thoắng kể tên “Thanh Liễu, Liên Hoa, Thiền Tâm, Sân Mây...". Thậm chí là các quán ăn nhỏ nép cạnh cổng chùa, đền thờ Phật Bà... đều có. Tôi cũng trẻ, cũng cùng suy nghĩ với mấy đứa vừa nhắc tên nên thường lui tới các hàng quán chay này nếu có thể. Ấy vậy mà nhiều bận đến, cả lũ cũng phải ố á bất ngờ vì những mái đầu nâu nâu, vàng vàng cũng như mình đã nhanh chân phủ hết các bàn còn trống. Nhìn quanh một vòng, dễ mà nhìn thấy được ai nấy cũng hớn hở chọn món từ menu rồi thưởng thức, cười nói chứ hiếm mà có cảnh nhăn nhó vì thiếu tôm, thiếu thịt. Ừ thì cũng đúng thôi, thức ăn ngon, hợp khẩu vị, vừa vào đã hoa mắt bởi 3-7-21 loại bánh, nậm, lọc, lẩu chay, giá cả thì vừa túi tiền, chỉ từ 10.000 – 70.000 đồng tùy món. Nội cái việc chọn được món mình ưng, rồi vừa ăn vừa trầm trồ khen cũng đã mất quá trời “mùa thu” mà kể, nên hiếm ai hục hặc khó chịu gì cho được.

Với “kinh nghiệm” hơn chục năm ăn hàng, 4-5 năm ăn chay, tôi hiếm khi gặp trường hợp nào hò, dô hay tám chuyện lớn tiếng trong các quán chay ở Huế và cả ở nhiều tỉnh khác. Mấy bạn Huế hay nói chuyện hào sảng, ngồi trước mâm xì dầu, đậu hũ, cơm chay cũng tự động “vặn âm lượng” ở mức 3/10 là hết đát. Lúc này, cười duyên khe khẽ là được nhận cái gật đầu, chứ phớ lớ cười to như các quán nhậu thì mất hẳn, hay vừa có thì bị nhắc nhở liền chứ không ai để lâu được. Những an yên, thanh tịnh vang ra từ chuông chùa dù được nghe ở các hàng ăn ven cổng hay phát từ máy phát của các quán lớn, nhỏ cũng trở nên rõ ràng kỳ lạ.

Đấy. Kỳ thực với mức “đầu tư” nhỏ mà nhận được cả đồ ăn ngon, mua kèm sự tĩnh lặng thì còn gì bằng nữa. Tôi không biết các bạn đến với ẩm thực chay với lý do gì, có giống với mình hay không. Nhưng đơn giản ở xứ Thần kinh, chúng tôi đã lớn lên với lời dạy của mẹ, của ba, của tiếng mõ, hương, niềm tin và có cả chút chao, chút đậu trong người. Nếu mỗi lần nguyện ước, chay tịnh là một lựa chọn để tâm mình an hơn, thì không phải là điều tốt hay sao...?

HẠ AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

Các cấp bộ Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) các cấp đã và đang phát triển các mô hình câu lạc bộ (CLB), tổ, đội, nhóm theo sở thích, nhu cầu của thanh niên, góp phần tạo sân chơi, môi trường học tập, rèn luyện lành mạnh, định hướng lối sống đẹp cho người trẻ

Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ
Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông

Công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho thanh, thiếu niên được tuổi trẻ Thừa Thiên Huế triển khai với đa dạng hình thức, góp phần nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và mỗi người dân về việc chấp hành pháp luật giao thông.

Trách nhiệm của người trẻ với an toàn giao thông
Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người trẻ

Công an TP. Huế đã tổ chức các buổi diễn tập, trải nghiệm, hướng dẫn về các kỹ thuật, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho các em học sinh, sinh viên ở một số trường học trên địa bàn. Đây là việc làm thiết thực, cần thiết khi mà nguy cơ cháy nổ diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây.

Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho người trẻ
Mong người trẻ thêm hiểu & yêu giá trị nghệ thuật truyền thống

Cô giáo - Nghệ sĩ Quỳnh Nga vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh 1 trong 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Vừa trở về từ Hà Nội, chị tâm sự: “Tôi rất xúc động và vui khi được vinh danh. Cảm thấy biết ơn nghề, gia đình và đồng nghiệp rất nhiều”.

Mong người trẻ thêm hiểu  yêu giá trị nghệ thuật truyền thống

TIN MỚI

Return to top