ClockThứ Năm, 24/05/2012 05:40

Nguyễn Tuấn, không chỉ là trở lại

TTH - Tôi biết, khó nói trước một điều gì đối với người chỉ mới có 4 bức tranh tham gia triển lãm chung cùng 10 tác giả khác, cho dù chúng đều được các nhà sưu tập tranh mua hết. Nhưng trước đó, còn có cả một quãng đời dài mấy mươi năm, Nguyễn Tuấn đã từng là bộ đội, vẽ tranh, làm công tác thông tin văn hóa, làm báo và cũng kinh qua bao nhiêu chìm nổi, bầm dập, với những nhiêu khê của đời sống.

Nguyễn Tuấn tuổi Giáp Ngọ (1954), một loại ngựa hoang in dấu chân lang thang từ biên giới phía Bắc đến những đồng cỏ Tây Nguyên, rồi lại về với quê nhà.Vì miếng cơm manh áo trì níu của đời sống, buộc phải cày sâu cuốc bẩm trên nhiều danh phận khác nhau, nhưng nó vẫn là con ngựa bất kham, hễ cứ có cơ hội, có điều kiện là tung bờm cất vó "phi...đại".

Sự từng trải đó đã níu giữ, nuôi dưỡng, dồn nén và thức tỉnh trong tâm thức Nguyễn Tuấn những vòm cong, đường thẳng, sắc màu và ánh sáng của một đời sống nghệ thuật vẫn âm ỉ, đến nay đầu đã hai thứ tóc, trắng nhiều hơn đen, bỗng nhiên bộc lộ, phát ra một chút ánh sáng nhưng đa sắc, tạo nên nhiều ấn tượng, không thể không lưu tâm.


Bố cục 2

Nguyễn Tuấn vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1974. Học đến năm thứ 4, chiến tranh biên giới nổ ra, năm 1978 anh vào bộ đội tham gia chiến đấu ở Lạng Sơn. Đến năm 1981, anh được đơn vị cho biệt phái về đi học tiếp, năm 1982, tốt nghiệp, trở lại quân đội. Năm 1984, anh rời quân ngũ. Và chính từ đây, cuộc sống đã đưa đẩy anh từ nơi này đến nơi khác với nhiều biến động. Là họa sĩ của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Đăk Lăk, rồi về làm phóng viên báo Dân (Bình Trị Thiên), báo Thừa Thiên Huế, rồi về báo Văn hóa và đời sống (nay là Văn hóa Huế) thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Anh là người làm báo có nghề, viết được nhiều thể loại, lại sành việc biên tập, trình bày, minh họa, có người từng nói: “cả tòa soạn nằm trong túi xách Nguyễn Tuấn”. Anh còn được mệnh danh “Người làm báo từ A đến Z” (Vừa làm đề cương, đặt bài, biên tập, viết bài, trình bày, minh họa và cả sửa bản in) .
 
Thời còn ở lính, anh ở tuyên huấn sư đoàn, được đào tạo qua một lớp báo chí ngắn hạn, một mình phụ trách tờ tin của sư đoàn, viết bài cộng tác với nhiều tờ báo quân đội. Cái máu ham mê viết lách của anh đã có từ thời đó. Nhưng đến khi đi làm báo thực thụ, anh được giao biên tập, trình bày và vẽ minh họa nhiều hơn là viết lách. Tôi vẫn còn nhớ, bức vẽ ngoằn ngoèo nhưng rất sinh động của anh minh họa cho bài viết Dưới chân đèo Phước Tượng của Hồ Đăng Thanh Ngọc thời mới về làm phóng viên tập sự báo Thừa Thiên Huế... Con mắt của người học nghệ thuật tạo hình đã giúp ích rất nhiều cho công việc của người làm báo, nhất là đã cung cấp một cái nhìn xác tín trước những vấn đề nổi cộm của đời sống. Nhưng cũng chính vì máu mê chữ nghĩa và tấm lòng trải rộng với đời, đã cuốn hút anh, cứ như “để gió cuốn đi” làm tan loãng cả màu sắc, đường nét, hình khối, không gian... tưởng như chẳng còn cơ may, chẳng kịp thời gian quay lại bến bờ…
 

Bố cục 3
 

Trong Festival Huế 2012 vừa qua, mặc dầu bận bịu biên tập tờ tin nhanh tại Trung tâm Báo chí Festival, Nguyễn Tuấn vẫn dành thời gian ký họa chân dung những ai yêu mến phòng tranh "Lại về lại" tại Tạp chí Sông Hương. Với số tiền ký họa chân dung và đóng góp của các họa sĩ, phòng tranh "Lại về lại" đã trao 6 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng cho 6 sinh viên nghèo học giỏi khoa Hội họa và Đồ họa của Trường đại học Nghệ thuật Huế.

Và, tất cả những gì là vô thức đã trở thành hữu thức, là im lặng trong anh bỗng lên tiếng nói tại phòng tranh “Lại về lại”. Một ý tưởng liên hoàn Bố cục 1, Bố cục 2, Bố cục 3Kiều. Cả ba bố cục đều là những lát cắt thể hiện sức sống cơ thể của người phụ nữ, tuy khác nhau về đường nét và màu sắc, từ đỏ, vàng, xanh, lam, trắng... đậm nhạt khác nhau, nhưng đều là cái đẹp không gì cưỡng nổi của đời sống. Được đặt theo thứ tự liên hoàn với nhau và kết thúc bởi một vài đường cong thon thả, màu sắc nền nã của Kiều càng thể hiện rõ cảm hứng chủ đạo của tác giả và tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm, một chủ đề khá tập trung thể hiện thế giới tâm hồn của tác giả.
 
Là bạn bè, đồng nghiệp với nhau, gặp nhau bao giờ cũng nói những câu tếu táo cho vui, ít ai ngờ Nguyễn Tuấn lại ẩn chứa bên trong một thế giới tâm hồn dường như được kiến tạo đậm đặc chất liệu đời sống, một thứ nhựa sống mà những người sống hời hợt, bô lô ba la không thể có được. Hóa ra, lâu nay, tuy kiếm sống bằng việc lắp ghép từng con chữ, anh vẫn âm thầm theo đuổi nghiệp vẽ, đó là những bức ký họa thu hút thần sắc của đối tượng một cách tài hoa và chuẩn xác. Trong túi xách của anh bao giờ cũng đầy ắp những phác thảo, nhiều bạn bè vẫn tỏ ra thán phục và yêu thích những ký họa chân dung chuẩn xác như “nắm thóp” được hồn cốt của từng người. Tất cả những gì anh trải nghiệm, dầm ngấm từ đời sống chưa được chưng cất thành nghệ thuật, nó ẩn chứa trong tâm hồn đầy ắp lâu ngày, tìm cách thoát ra từ những đường rạn nứt ấy, như những mạch ngầm rò rỉ mãi, nay thành dòng chảy, thành thế giới hình tượng mang ý nghĩa nhân văn.
 
Sau “khởi động” ở Festival Huế vừa rồi, Nguyễn Tuấn đang tích cực chuẩn bị với ước vọng sẽ có một triển lãm riêng cho mình vào năm 60 tuổi. Với tôi và nhiều đồng nghiệp của anh rất mong điều đó đến với anh, bởi Nguyễn Tuấn, hội họa hình như chỉ mới bắt đầu…
 
Hương Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top