ClockChủ Nhật, 12/01/2014 07:10

Nhà lưu niệm cho nhà thơ Tố Hữu

TTH - Trong phong trào giành quyền độc lập cho đất nước và trong hai cuộc chống Pháp, chống Mỹ, huyện Quảng Điền chúng ta xuất hiện 2 nhà văn hóa lớn. Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu. Cả hai người đều được nhân dân cả nước yêu mến.

 

Tôi đồng ý với nhà phê bình Trần Đình Sử khi ông nhận xét: “Xét về sức tác động trực tiếp đối với công chúng thì thơ Tố Hữu có thể sánh với bất cứ thơ kiệt xuất nào trên thế giới. Đó là một sự thực mà không ai có thể phủ nhận khi chứng kiến sức thu hút của thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến và chống Mỹ”.

Ngay khi chúng ta giành được độc lập, thơ Tố Hữu như reo lên, nói hộ lòng mọi người: 
 
“Cám ơn Hồ Chí Minh vĩ đại
 
4000 năm ta lại là ta”
 
Hầu như tất cả các bạn trẻ đến với cách mạng như gặp ước mơ khao khát của mình, ai cũng muốn sống hết lòng cho lý tưởng ấy:
 
“Đi bạn ơi đi sống đủ đầy
 
Sống trào sinh lực bốc men say
 
Sống trong sóng gió thanh cao mới
 
Sống mạnh dù trong một phút giây”
 
Ngay trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã nhìn nhận đúng về những người mẹ Việt Nam. Bà góp thóc nuôi quân, làm hầm bí mật và canh gác cho các chiến sĩ nằm vùng, rồi không ai khác chính bà mẹ đã đưa con mình vào quân đội, trực tiếp góp sức mình cho kháng chiến thành công.
 
Những chiến sĩ quân đội không thể quên:
 
“Con đi trăm núi ngàn khe
 
Chưa bằng muôn nổi tái tê lòng bầm
 
Con đi đánh giặc mười năm
 
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”
 
Thế hệ tiếp theo vào kháng chiến chống Mỹ, Tố Hữu đã miêu tả đúng tâm trạng lạc quan của người chiến sĩ:
 
“Vài chàng lính trẻ măng tơ
 
Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”.
 
Tuy vào trận cái chết chỉ cách gang tấc nhưng người chiến sĩ chấp nhận hết và nhìn rõ tương lai của mình:
 
“Anh nghe thu dứt lá gọi đời đi
 
Tôi thấy cả một mùa xuân bước tới”.
 
Chúng tôi là những người lính của thời đó, hầu như trong ba lô chúng tôi đều có mang theo thơ Tố Hữu đi cùng. Thơ Tố Hữu đã in sâu trong lòng. Kể cả những câu thơ mang đầy triết lý: có những chiến bại là tất nhiên, song đó là kinh nghiệm để chiến thắng.
 
Tố Hữu đã đúc kết cho chúng tôi:
 
“Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
 
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần
 
Hướng đường đi còn lắm bước gian truân
 
Nhưng chưa phải trận cuối cùng chiến đấu
 
Hãy đứng dậy xoa tay mà tự bảo
 
Chí còn đây sức lực hãy còn đây”
 
Những vần thơ khích lệ chiến đấu ấy của Tố Hữu là sức mạnh cho chúng tôi cầm súng lên đường. Tuổi trẻ chúng tôi thời đó ai cũng thuộc câu thơ này của Tố Hữu như một lời thề của người ra trận.
 
“Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
 
Phải trả ta cho mạch giống nòi”
 
Thơ Tố Hữu có sức âm vang như thế. Bây giờ về thăm lại Quảng Điền, chúng tôi được anh em trong huyện dẫn đi thăm nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ngôi nhà cũ lợp lá của ông đang còn đó. Và khuôn viên của nhà lưu niệm thật hoành tráng. Gần đây con cháu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn xây cho ông một nhà thờ rất uy nghiêm trên thành phố Huế.
 
Sau khi thăm nhà lưu niệm Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi được dẫn tới thăm nhà Tố Hữu. Trong thâm tâm chúng tôi, chính quyền đã làm xong nhà lưu niệm Nguyễn Chí Thanh thì chắc nhà lưu niệm Tố Hữu cũng hoành tráng như thế. Song, không, vẫn chỉ là ngôi nhà ngói ba gian lụp sụp ngày xưa cha mẹ ông ở. Ngoài ra chưa có gì thêm. Trên bàn thờ ngôi nhà ba gian ấy có ảnh thờ ông bà thân sinh ra nhà thơ và ảnh nhà thơ đặt bên đó. Chúng tôi thấy sao trong lòng mình bỗng trống trải bởi thiếu một cái gì đó đang ôm ấp trong lòng chúng tôi.
 
Chúng tôi thắp hương lên bàn thờ và ngồi với nhau, trong trò chuyện, chúng tôi nhắc một thời không chỉ là nhà thơ, mà Tố Hữu còn được phong lên làm Phó Thủ tướng.
 
Đã là Phó Thủ tướng thì quyền hành trong tay và cần gì ho một tiếng là có. Vậy mà ông đã không tận dụng thương hiệu ấy đề làm nhà lưu niệm cho mình. Rõ ràng ông là một ông quan liêm khiết. Bác Hồ cũng đã từng lấy triết lý của bậc tiền nhân dạy cho đội ngũ quan lại, chỉ gồm có 8 chữ: “CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH, CHÍ CÔNG VÔ TƯ”. Nhà thơ đã thực hiện đúng ý tưởng LIÊM CHÍNH của lời dặn dò ấy. Chỉ hai chữ LIÊM CHÍNH ấy cũng đã cho chúng ta xây dựng nhà lưu niệm cho ông.
 
Lần ấy ra làm việc tại hội nhà văn, tôi có kể cho các anh chị ngoài hội về kỷ niệm chuyến đi này, ai cũng thấy cần phải xây dựng nhà lưu niệm cho nhà thơ Tố Hữu, chỉ riêng việc huyện Quảng Điền có hai nhà văn hóa nổi tiếng như đã kể trên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có nhà lưu niệm, chẳng lẽ Tố Hữu không có được nhà lưu niệm sao.
 
Có lẽ cuộc gặp gỡ giữa huyện Quảng Điền với hội nhà văn chưa thực hiện được nên mới có sự chậm trễ này.
 
Rất may, mới đây tôi được đọc bản “Nghị quyết về việc quy hoạch thiết kế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế có đoạn viết: “Phấn đấu giai đoạn 2013-2020, đầu tư xây dựng bảo tàng lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế, Bảo tàng thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung; Bảo tàng văn hóa Huế, nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu, khu trưng bày ngoài trời di tích Cồn Ráng, khuyến khích hình thành các bảo tàng tư nhân”.
 
Vậy là chính quyền không hề quên nhà thơ Tố Hữu đâu, chỉ chậm mà thôi.
 
Đây chính là một cơ hội chính quyền, huyện Quảng Điền liên hệ mật thiết với chính quyền tỉnh và hội nhà văn, đồng thời kêu gọi thêm đầu tư của các nhà doanh nhân và những người có tấm lòng nhân ái, thì chắc chắn nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu sẽ hoàn thành để đón tiếp những người yêu mến nhà thơ.
 
Rất mong một ngày không xa về xã Quảng Thọ chúng tôi sẽ được cùng lúc đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu bên bờ sông Bồ quê hai ông. Vì hai nhà chỉ cách nhau chừng một cây số thôi mà.
 
Người viết bài này đang mang đầy hy vọng và chắc chắn sẽ là hiện thực.
Nguyễn Quang Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

TIN MỚI

Return to top