ClockThứ Sáu, 01/08/2014 11:58

Nhu cầu cấp thiết

TTH - "Nhu cầu tư vấn về tâm lý ở lứa tuổi học đường là rất lớn, song công tác này trong các trường học chưa đáp ứng được". Thạc sĩ Đinh Thị Hồng Vân, giảng viên Khoa Tâm lý, Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế nhìn nhận.

Thạc sĩ Đinh Thị Hồng Vân cho biết, tỷ lệ học sinh sinh viên cần được tư vấn tâm lý trước những khó khăn, căng thẳng và rối loạn tâm lý (hay còn gọi là rối loạn sức khoẻ tinh thần) rất cao. Nghiên cứu với hơn 600 học sinh tại ba trường cấp III tại TP Huế cho thấy có tới 58% các em mong muốn được chuyên gia tư vấn, trợ giúp, 33% cho rằng có cũng được không có cũng được và chỉ có gần 9% trả lời không cần. Một đề tài khác nghiên cứu ở đối tượng sinh viên cho thấy có tới 100% cần được tham vấn về tâm lý. Điều này nói lên nhu cầu thư vấn tâm lý của học sinh, sinh viên rất cao.

Thạc sĩ Đinh Thị Hồng Vân khảo sát tâm lý học sinh tiểu học

Từ áp lực gia đình

Trong khi tại TP Hồ Chí Minh có 50 trường học đã có chuyên gia tư vấn tâm lý học đường thì hiện tại ở Thừa Thiên Huế mới chỉ có Trung tâm tư vấn tâm lý và giáo dục đặc biệt, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế là đơn vị tư vấn tâm lý đầu tiên được chính thức thành lập vào 8-2013, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của học sinh sinh viên, phụ huynh và xã hội.

Từ những nghiên cứu và khảo sát của Th.S Đinh Thị Hồng Vân về tác nhân gây ra cảm xúc tiêu cực trên lứa tuổi vị thành niên (như tức giận, buồn bã, lo âu,...) cho thấy, nguyên nhân do xung đột hoặc mâu thuẫn trong gia đình. Một trong những vấn đề lớn nhất gây ra căng thẳng cho các em chính là áp lực về thành tích học tập bố mẹ đặt ra cho con trẻ.
Th.S Vân kể, có em học sinh đã nói với tôi rằng: “Em rất cần một chuyên gia tham vấn”. Trong phiếu khảo sát chúng tôi thường dành phần trống sau cùng để các em viết về tâm tư của mình và các em đã viết rất say sưa, có những em khi ngồi viết đã khóc. Không ít em bảo rằng trước cuộc khảo sát của chúng tôi “không ai hỏi hay để ý vì sao em buồn?”. Ở lứa tuổi vị thành niên, do tâm lý chưa ổn định, sự nhận thức về cuộc sống chưa thật sâu sắc và thường đánh giá thấp bản thân mình. Với trẻ, có những tác nhân rất đơn giản, như hiểu nhầm, bố mẹ không đáp ứng yêu cầu của các em,... cũng có thể gây cảm xúc tiêu cực khiến trẻ buồn chán, tức giận, thậm chí rơi vào trầm cảm. Vì thế, cha mẹ phải có cách nhìn khác về trẻ vị thành niên”, Th.S Đinh Thị Hồng Vân kết luận.
Trẻ mới lớn cũng mong muốn khẳng định cái tôi nhưng bố mẹ lại cản trở và thường cứ nghĩ con còn nhỏ, không cho con quyền quyết định và sự độc lập nhất định. Nếu bố mẹ không hiểu tâm sinh lý lứa tuổi và không gần gũi con thì có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực có khi rất nguy hiểm, và có khi bố mẹ biết thì “chuyện đã rồi”. Đã có nhiều trường hợp các em đóng cửa thu mình lại, cảm thấy cuộc đời không còn ý nghĩa nữa.
“Bố mẹ không hiểu em!”, “Cái gì cũng chê em!”, “Em làm vỡ một cái ly mà nói em là đồ vô dụng!”, “Em nỗ lực nhiều mà bố mẹ nói không được tích sự gì!”. Một cô bé học lớp 8 mới cắt tóc ngố (mái tóc ngang dài gần chấm mắt) ấm ức: “Em vậy mà mẹ nói em như con ma!”... Đó là những chia sẻ rất chân thành từ những học sinh mà giảng viên khoa Tâm lý đã khảo sát. Những câu nói này của bố mẹ đã vô tình ảnh hưởng lòng tự trọng của con trẻ. “Nếu áp đặt quyền uy với con sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn ngày càng lớn hơn. Do vậy, phải hiểu để có cư xử phù hợp, tôn trọng trẻ, lắng nghe các em và học cách nói chuyện với con ngay từ nhỏ để biết con có những vấn đề khó khăn gì mà chia sẻ với con. Nguy hiểm lớn nhất là con không chia sẻ với mình”, ThS.Vân đưa ra lời khuyên.
Tổn thương vì bạn bè
Một tình huống khác mà Th.S Vân kể đó là trường hợp một cô bé học sinh cấp 3 đã bị trầm cảm và sút đến 5 cân vì người yêu... đi yêu người khác. Do những bất đồng với bố mẹ, lứa tuổi vị thành niên thường tìm đến mối quan hệ bạn bè vì có cùng tâm sinh lý. Bạn bè đóng vai trò quan trọng nên những vấn đề liên quan đến bạn bè cũng gây cảm xúc tiêu cực cho các em. Nhiều học sinh tâm sự: “Em chỉ vui khi có những người bạn hiểu mình, chơi với mình. Vì thế nên khi bạn hiểu nhầm em, em cảm thấy mình bị cô lập và rất buồn”.
Theo Th.S Vân, vì bạn bè quan trọng với các em nên những vấn đề nảy sinh trong quan hệ bạn bè, như bất đồng, xung đột, tranh cãi trong nhóm bạn, ghen tỵ, nghi ngờ, hiểu nhầm hay xúc phạm lẫn nhau có thể gây ra cảm xúc nặng nề cho trẻ. Sẽ vô cùng nguy hiểm trong trường hợp một học sinh chơi với một người bạn mà bố mẹ lại ngăn cấm bởi việc này dễ dẫn đến hành vi tiêu cực có thể xảy ra như nghiện game, học tập sa sút. Một cô bé rất nhạy cảm và năng động nhưng vì bị bạn bè cô lập nên đã sinh ra bỏ bê học hành, đến lúc thi phải quay cóp bạn. Từ học khá giỏi, cô bé này đã bị hạnh kiểm yếu và sau đó phải chuyển trường.
“Công tác tham vấn học đường trong trường học là một nhu cầu cấp thiết không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của học sinh, sinh viên và xã hội mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường, ThS.Vân nói. Các trường cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh về tầm quan trọng của sức khoẻ tâm thần thông qua các buổi tập huấn, nói chuyện với chuyên gia; tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng mềm, giúp các em có kỹ năng cơ bản để ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống”, Th.S Vân nói.
“Những khó khăn, căng thẳng tâm lý thường xuất phát nhiều nhất từ mối quan hệ xã hội trong đó quan hệ ứng xử với bố mẹ, người thân chiếm hơn 40% và quan hệ ứng xử với bạn khác giới trên 38%. Có nhiều nguồn trợ giúp các em trước những căng thẳng này như bố mẹ, thầy cô và bạn bè nhưng các em vẫn mong muốn được chuyên gia tư vấn nhất”.
Thạc sĩ Đinh Thị Hồng Vân
 
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội STEM cấp tiểu học

Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024 với chủ đề “Đẩy mạnh giáo dục STEM thông qua bài học STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học”.

Ngày hội STEM cấp tiểu học
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Return to top