ClockThứ Ba, 19/05/2020 05:45
KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 - 19/5/2020)

Những bài báo, thư viết tay mừng sinh nhật Bác

TTH - Sinh nhật Bác Hồ từ lâu đã trở thành một dịp đặc biệt để “tỏ lòng biết ơn Người nhưng nhất là để học Người, noi gương Người, để rèn luyện tinh thần, cách làm việc, chủ trương và cốt cách của chúng ta theo khuôn mẫu của Người” [1].

Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trang 1 trên Báo Giải Phóng

Những bài báo, dòng thư tâm huyết của cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân ta qua từng giai đoạn cách mạng được lưu giữ trên những trang báo, trang thư viết tay nhuốm màu thời gian, tưởng chừng thông tin như đã cũ nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Những số báo kỷ niệm ngày sinh nhật Bác

Hiện, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ nhiều trang tư liệu quý về kỷ niệm ngày sinh của Bác Hồ, nhiều nhất là Báo Cứu Quốc (có những trang từ năm 1949); Báo Thống Nhất, Thông Tin, Quyết Thắng, Giải Phóng…Tất cả đều được lưu hành tại Huế.

Những tờ báo có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành kỷ vật quý giá của người dân Huế trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Trên các trang báo, mỗi dòng tiêu đề, bài viết đều hàm chứa tình cảm tôn kính sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, thể hiện quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, như: “Noi gương Hồ Chủ tịch”, “Hồ Chủ tịch - Hình ảnh của dân tộc” (Báo Cứu Quốc, ngày 19/5/1949); “Hồ Chủ tịch – Người công dân xứng đáng bậc nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” (Báo ThôngTin, ra ngày 19/5/1950);  “Hồ Chủ tịch muôn năm. Toàn dân tin tưởng và biết ơn Hồ Chủ tịch” (Báo Cứu Quốc, ngày 19/5/1954).

Bên cạnh các bài viết, chân dung của Bác Hồ được khắc họa rõ nét theo thời gian, những số báo kỷ niệm sinh nhật Bác còn đọng mãi tâm huyết của những người làm báo, tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng con chữ, trau chuốt hình ảnh, màu sắc để có số báo mừng sinh nhật Bác đẹp và có ý nghĩa. 

Một trong những tờ báo đặc biệt mà Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ được là tờ Quyết Thắng - cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng Trị Thiên Huế phát hành tháng 5/1969, kỷ niệm sinh nhật cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc Người đi xa.

Ngay trên trang nhất đăng chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh; “Lời Bác dạy” và xã luận “Quyết lập công mừng thọ Bác”. Tờ báo được tìm thấy vào năm 1997, đựng trong một chiếc két đạn bằng sắt cùng với ảnh Bác Hồ, cờ Đảng, cờ Giải phóng và một số tài liệu khác chôn tại rừng của thôn Ba Lăng, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Những hiện vật này trong kháng chiến được dùng trong công tác thông tin tuyên truyền và để trang trí trong các buổi lễ kết nạp Đảng, tổ chức lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi được phát hiện, dù không xác định được chủ nhân hiện vật, nhưng qua phương thức cất giữ thì đây là cách cán bộ, chiến sĩ chôn giấu để tránh sự truy lùng gắt gao của địch, bảo vệ tài liệu cách mạng.

Hiện vật sau khi được phát hiện đã được xã Phú Xuân cất giữ, bảo quản và sau đó chuyển giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế phát huy giá trị.

Thư chúc thọ Bác của Nhân dân Thừa Thiên Huế

Tập thư của Nhân dân Thừa Thiên Huế kính gửi Hồ Chủ tịch nhân dịp sinh nhật của Người gồm 4 bức thư và 1 bản kiến nghị.

Từng dòng thư tay đã phai màu thời gian, nhiều chữ không còn đọc được, nhưng trong đó vẫn thấm đẫm tình cảm và lòng biết ơn của từng cán bộ, chiến sĩ đối với Người.

Trong thư của chị Tôn Nữ Lệ Tuyết, 26 tuổi, quê quán xã Minh Thủy, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, viết ngày 19/5/1955 gửi chúc thọ Người, có đoạn viết: “Nhân dịp sinh nhật Bác, cháu kính chúc Bác sống lâu trăm tuổi, luôn luôn khỏe mạnh, để dắt dìu toàn dân Việt Nam chóng thành công. Nam Bắc thống nhất”.

Hay bức thư của đồng chí Phan Văn Diện, đại diện cho 24 người quê quán tại hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ tại công trường thủy lợi tỉnh Nghệ An. Thư viết ngày 19/5/1955, trong đó có đoạn: “Hôm nay kỷ niệm sinh nhật Bác, chúng cháu kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu để lãnh đạo cuộc cách mạng đến ngày toàn thắng.

Chúng cháu nguyện tích cực thực hiện mọi công tác củng cố hòa bình mà Đảng, Bác và Chính phủ đã giao phó.

Chúng cháu không lúc nào quên được lời Bác dạy là: Cần, kiệm, liêm, chính”.

Những bức thư mộc mạc, chân chất của những người con bình dị gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày sinh nhật Người cũng chính là lời thề khắc cốt ghi tâm, nguyện cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng, cho độc lập và thống nhất nước nhà.

Những bức thư được gửi lên Bác Hồ, sau này được lưu giữ tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Với giá trị lịch sử sâu sắc, 4 bức thư và 1 bản kiến nghị đã được chuyển giao và trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế từ năm 2000.

Lật giở từng tờ báo, trang thư, từng câu, từng chữ hiển hiện trước mắt người đọc là nguồn sử liệu khi nghiên cứu, tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, càng thấm thía tình cảm gắn bó máu thịt như người thân trong gia đình của các tầng lớp Nhân dân đối với Người.

Ngày nay, những hiện vật này trở thành tài liệu quý giá trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 Hoàng Liên

 

[1] Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 19/5/1949

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặt mục tiêu có được học bổng

Nhiều sinh viên đặt mục tiêu học tập, rèn luyện thật tốt để có thể nhận học bổng, đó là cách để các em phụ giúp gia đình.

Đặt mục tiêu có được học bổng
Động lực cho học sinh rèn luyện

“Học sinh 3 tốt” là một trong những phong trào được Tỉnh đoàn duy trì và nhân rộng tại các trường học thông qua nhiều cách làm hay, hoạt động thiết thực.

Động lực cho học sinh rèn luyện
Những tấm gương học tập rèn luyện

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng cả 3 học sinh Trường THPT Hà Trung (xã Vinh Hà, Phú Vang) đã nỗ lực không ngừng vươn lên, đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện, mới đây vinh dự được Tỉnh đoàn trao tặng danh hiệu “Học sinh 3 tốt”; lan tỏa tấm gương trong nhà trường và trên địa bàn huyện.

Những tấm gương học tập rèn luyện
Khánh thành mô hình sân chơi rèn luyện thể chất tại các trường tiểu học

Chiều 28/8, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc tổ chức lễ khánh thành mô hình sân chơi rèn luyện thể chất năm 2023 tại Trường tiểu học Vinh Giang và Trường tiểu học Vinh Hưng 1.

Khánh thành mô hình sân chơi rèn luyện thể chất tại các trường tiểu học

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top