ClockThứ Bảy, 10/12/2022 14:28

Nỗi nhớ giữa ngày đông

Ấm áp chiếc lồng ấp ngày đông

Ai đó viết trên tường nhà facebook: “Sáng nay gió đông lạnh thật, nhưng...” kèm tấm ảnh bếp lửa rực hồng, gợi nỗi bâng khuâng đến lạ. Tôi mở hé cánh cửa sổ chào làn gió rét cùng tiếng mưa rả rích. Miên man nhớ.

Hồi còn thơ bé, tôi thích những ngày đông rét mướt, cơn mưa đôi khi lê thê mấy ngày liền khiến bầu trời ướt sũng. Mưa rét khiến một đứa trẻ “có quyền” nấn ná, nhõng nhẽo trong chăn ấm. Để đứa cháu kịp bữa sáng trước lúc tới trường, lời giục giã của nội bao giờ cũng mềm sự dỗ dành.

Thích nhất là lúc chiều buông, khi cả nhà đã trở về, góc bếp là nơi quây quần ấm áp. Xung quanh chiếc kiềng ba chân, những thanh củi đã được ba tôi chẻ mỏng dựng sát tường gạch hong thật khô, để mẹ dễ dàng nhóm lên ngọn lửa đượm đà. Mỗi lần nội hé cánh cửa, ngọn lửa nhảy nhót, nghiêng bên này, chao bên nọ, bởi cơn gió lạnh vội vã len vào. Lúc cơm sôi già, anh em tôi đưa những bàn tay bé nhỏ bụm lại mùi thơm từ gạo và những lát sắn khô mẹ nấu ghế trong nồi, đưa lên mũi hít hà, hít luôn mùi lửa ấm, êm đềm. Thỉnh thoảng, chén cơm độn sắn lát ngày đông cũng vơi bớt, bởi ba mẹ san sẻ cùng gia đình hàng xóm đang gặp cơn túng quẫn. Một bát cơm nhỏ, nhưng bao giờ nội cũng bảo các cháu phụ giúp, để những ngày đông thơ ấu khiến tôi nhớ đến bây giờ…

Bỗng dưng muốn như ngày thơ bé, nấn ná trong chăn ấm. Lật giở từng trang facebook nhấm nháp mùi vị của rất nhiều cung bậc cảm xúc. Những cô nàng tuổi đôi mươi háo hức với các kiểu váy áo thời trang. Cả phụ nữ trung niên, dù chọn gam màu đằm thắm, nhưng không quên tô lên má, đậm thêm chút phấn hồng, để ngày đông trở nên rực rỡ.

Nhưng với tôi điều khiến ngày đông rực rỡ không hẳn bởi sắc màu, mà là ngọn lửa tình người ấm áp. Đó có thể là những gương mặt rạng ngời của người làm thiện nguyện, khi thực hiện chương trình “Ấm tình mùa đông”, “Áo ấm mùa đông” tại các bản làng xa xôi còn nhiều khó khăn vùng núi cao Nam Đông, A Lưới...

Không chỉ trân trọng tặng áo ấm, chăn ấm, lương thực, các bạn trẻ còn quây quần cùng dân bản, quanh bếp lửa giữa nhà sàn với bao nhiêu câu chuyện gần gũi, khiến những gương mặt hằn nắng gió nương rẫy hồng lên. Mấy trẻ nhóc cười hết cỡ, bày ra vài chiếc răng sún, khi nghe các anh chị kể chuyện hài. Bất giác mỉm cười khi vài cô nhóc, chú nhóc bụm tay như thể giữ ấm nồng, hít hà thật sâu vào lồng ngực.

Tôi nhớ cũng trong một ngày đông, tại quán cơm 5 nghìn đồng dành cho người nghèo, người phụ nữ lớn tuổi chân đi cà quệt, bán vé số, ngồi thật lâu, chậm rãi với phần cơm của mình. Các bạn tình nguyện viên đã nghĩ, có lẽ cô muốn nghỉ chân thêm chút nữa, trước khi tiếp tục bước ra bên ngoài rong ruổi cùng giá rét. Thật bất ngờ khi cô bộc bạch, muốn thật chậm để cảm nhận hết vị ngọt yêu thương.

“Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi”. Tôi đã nhớ những câu thơ này của thi sĩ Xuân Diệu, khi một lần bên khung cửa hít hà hương vị ngày đông. Chợt nhận ra rằng, tôi yêu những ngày đông, bởi mùa đông là “cái cớ” rất đẹp đẽ, khiến con người gần nhau hơn. Những ngọn lửa yêu thương cũng vì vậy mà mãi mãi ấm áp, đượm nồng.

QUỲNH ANH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top