ClockThứ Ba, 08/06/2010 23:28

Nón lá Huế, những chuyện có thể chưa nhiều người biết

TTH - Từ xưa đến nay đã có nhiều người viết nhiều chuyện rất hay về nón lá và nón lá Huế. Ông Nguyễn Quý Đại ở Pháp, trên trang web cá nhân có bài viết khẳng định rằng, chiếc nón đã có từ thời đại đồ đồng, khoảng 2 ngàn 5 trăm đến 3 ngàn năm trước vì, ông thấy có hình ảnh chiếc nón được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ và trên thạp Đoàn Thịnh.

Dương Văn An, trong sách “Ô châu cận lục” của mình khi kể chuyện về những sản vật đất Thừa Thiên đã có đoạn tả cảnh hết sức trữ tình: “Đi về Lôi Trạch sương đầy nón lá, qua lại Bồ Điền mưa thấm áo tơi”. Những đặc trưng cơ bản của nón lá Huế được ca ngợi trong sách “Đại Nam nhất thống chí” bằng những ngôn từ biểu cảm và hàm súc: "Nón bài thơ xứ Huế có dáng mỏng như tờ giấy, nhẹ nhàng như cánh nhạn, đẹp và bền”.

 
Cũng đã có bao nhiêu bài viết, chuyện kể về những chiếc nón bài thơ. Loại nón lá Huế đặc biệt bắt nguồn từ ngẫu hứng đầy sáng tạo và lãng mạn của một cô thợ nón.
 
Càng đọc, càng nghe, chúng tôi quyết đi tìm câu trả lời vì sao nón lá Huế được ca tụng nhiều đến thế. Tại sao, nhờ đâu mà nón lá Huế lại “mỏng như tờ giấy, nhẹ như cánh nhạn, đẹp mà bền”.
 
Chuyện thứ nhất là về màu sắc tự nhiên của nón lá Huế. Trong khi các vùng miền khác dùng hoá chất để tẩy trắng lá nón thì việc nón lá Huế giữ được màu sắc của tự nhiên, bằng phương pháp thủ công là một chuyện hy hữu. Màu của nón lá Huế là màu trắng sáng được điểm xuyết những đường chỉ màu xanh non của lá nón.
 
Người thợ khai thác lá nón phải đi vào rừng ở A Lưới, Nam Đông, ngày càng sâu hơn, xa hơn, để chọn cho được những cây lá nón đúng tuổi, đúng thì. Người sơ chế lá nón phải đạp, phải sấy, phải ủ lá sao cho lá nón nguyên liệu sau khi sơ chế thủ công vẫn giữ nguyên màu trắng sáng tự nhiên của lá nón non mà không phải dùng bất kỳ hoá chất gì. Cuối cùng, những người thợ chằm nón phải ủi lá sao cho khéo, cho láng mà không được cháy sém, ngả màu.
 
Cái màu sắc tự nhiên của nón lá có được cũng lắm công phu !
 
Chuyện thứ hai là về hình dáng của nón lá Huế. Ở đây, chúng tôi phải viện dẫn một chuyện hoàn toàn khác: tỷ lệ vàng trong hình học, kiến trúc và nghệ thuật. Trong toán học, kiến trúc và nghệ thuật tồn tại một tỷ lệ vàng, được diễn đạt một cách đơn giản qua tỷ lệ giữa hai cạnh của một tam giác vuông sao cho tỷ lệ giữa tổng độ dài của hai cạnh trên độ dài của cạnh lớn bằng tỷ lệ giữa cạnh lớn trên cạnh nhỏ, và gần đúng bằng 1,618. Thật tình cờ, tỷ lệ các kích thước của nón lá Huế là gần hơn với tỷ lệ vàng so với kích thước nón của binh lính và dân thường ngày xưa, của nón lá các vùng miền khác trong cả nước ngày nay.
 
 
 
Chắc chắn, những người thợ làm khung chằm không hề biết có một tỷ lệ được gọi là tỷ lệ vàng trong toán học, kiến trúc và nghệ thuật. Chỉ biết rằng, kiểu dáng riêng có liên quan đến tỷ lệ giữa chiều cao, bề rộng và độ dốc của nón lá Huế được nhiều đời thợ làm khung chằm nón kiểm nghiệm, gia giảm mới đạt được sự hài hoà, hợp lý và trở nên một thứ kiến thức bản địa, riêng có, được giữ gìn và lưu truyền như một thứ gia bảo, cha truyền con nối.
 
Chuyện thứ ba liên quan đến trọng lượng chiếc nón lá Huế. Nhẹ. Mức độ nặng nhẹ còn được người ta cảm nhận bởi màu sắc. Chính màu trắng sáng của những chiếc nón lá Huế làm cho chúng ta cảm được cái nhẹ nhàng, thanh thoát của chúng. Có thể bạn không tin, nhưng chúng tôi đã cân thử để so sánh các loại nón đại diện cho các vùng miền làm nón lá nổi tiếng trong cả nước.
 
Trọng lượng chiếc nón nhẹ nhất và chiếc nón nặng nhất của nón làng Chuông (Hà Nội), nón Gò Găng (Bình Định) chênh nhau từ 25 đến 50%. Còn những chiếc nón lá Huế chỉ chênh có 3%. Nếu theo quy tắc làm gần đúng, dưới 5 thì quy xuống, về 0, trên 5 thì quy lên, về 10 thì có thể coi là tất cả nón lá Huế đều “nhẹ như cánh nhạn” như nhau. Kỳ lạ thật ! Chuyện này chỉ có thể được giải thích bằng việc những người thợ chằm nón ai cũng cố gắng để sản phẩm của mình tiệm tiến đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ và họ đã gặp nhau ở chính sự hoàn thiện, hoàn mỹ ấy.  
      
 
Chuyện thứ tư là về cái duyên kỳ ngộ, sự may mắn do tạo hoá ưu ái cho. Ông Lê Khả Kế, trong sách “Những cây cỏ thường thấy ở Việt Nam” có viết: “Núi rừng Thừa Thiên Huế phổ biến loại cây Bồ Diệp Quí, tục danh lá Bồng, dùng làm áo tơi và quạt”. Còn Nam Phương thảo mộc trạng trong sách “Quốc sử quán Triều Nguyễn” cũng nói: “lá Bồ Quí giống lá Tinh Lư mà mềm mỏng, dùng làm nón”.
 
Bồ Diệp Quí chính là tên chữ của cây lá nón, mà vùng Quảng Trị, Thừa Thiên thường gọi với tên dân gian là cây lá lụi. Màu trắng sáng của nón lá Huế có nguồn gốc từ màu sắc của lá cây lá lụi chỉ phân bố ở miền Trung, từ Quảng Trị trở vào. Vành nón ở các vùng, miền trong cả nước đều làm bằng tre. 16 vành của nón lá Huế cũng được làm bằng tre, nhưng là loài tre có mắt thưa hơn, dẻo hơn và có tỷ trọng nhỏ hơn. Vì thế mà tổng trọng lượng của 16 vành lồ ô, hai hoặc ba lớp lá nón cùng lợi, tiến, chỉ khâu, hột xoài trung bình cũng không vượt quá 65g (giá trị trung bình của trọng lượng nón Làng Chuông là 122g).
 
Có thể nói rằng, cái nhẹ nhàng của nón lá Huế cơ bản là trời cho. Người thợ làm vành chỉ góp phần làm cho chúng mỏng mảnh, tròn đều nhưng vẫn đủ sức tạo nên độ bền vững tuyệt vời của nón lá Huế mà thôi.
 
Cuối cùng là câu chuyện về những người thợ chằm nón. Một nghề rất dễ học, rất dễ làm. Làm lúc nào cũng được, làm ở đâu cũng được, không cần nhiều công cụ, không gian. Nhưng để có những chiếc nón lá Huế “đúng tiêu chuẩn”, người thợ chằm nón không chỉ dành công sức, mà gửi cả tâm hồn vào đó.
 
Chằm nón là công đoạn tỉ mỉ, công phu và chiếm nhiều thời gian nhất. Thợ chằm nón lá Huế thường chọn sợi cước nhỏ, kim nhỏ để mũi kim thật mảnh, đến mức hầu như không nhận thấy lỗ kim để lại trên mái nón. Mũi chỉ khâu phải đều đặn, sát vành, làm sao cho các kẽ lá ôm khít lấy nhau. Những công việc cuối cùng nhằm hoàn thiện chiếc nón lá tuy rất nhỏ nhưng có tác dụng làm tăng vẻ đẹp, độ bền vững và thời gian sử dụng của sản phẩm. Đó là nức vành, đột đầu, đánh quai và quang dầu. Thông thường, chiếc nón lá được quét một lớp nhựa thông pha cồn rồi phơi nắng để cho nón thêm sáng bóng, chống thấm nước, kéo dài tuổi thọ.
 
Chính nhờ có những người thợ chằm nón đó mà ngày nay nón lá Huế trở thành vật kỷ niệm mang tính biểu trưng cao, có chất lượng được đảm bảo, là cơ hội tạo ra giá trị gia tăng cho thương hiệu nón lá của tất cả các làng nghề làm nón của tỉnh, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh của tỉnh Thừa Thiên Huế trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
 
Những chiếc nón lá Huế ngày nay không chỉ đơn thuần là vật dụng lưu niệm, mà còn là uy tín của những người thợ cần cù, khéo léo, là tổng hoà của những giá trị tự nhiên được chắt lọc từ đất và nước của một miền quê nắng khét mưa dầm, của những giá trị nhân văn được hình thành từ trong truyền thống lâu đời, đang được nâng niu, giữ gìn và phát triển.
 
Đỗ Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ

Tại buổi gặp các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành sớm cơ chế, chính sách cho đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh để động viên, khuyến khích cho những công hiến, tài năng của các nghệ sĩ.

Cần có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ văn nghệ sĩ
Trang trọng lễ tế đàn Xã Tắc

Rạng sáng 15/3, tại đàn Xã Tắc (phường Thuận Hoà, TP. Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã long trọng tổ chức Lễ tế Xã Tắc năm 2024 nhằm cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

Trang trọng lễ tế đàn Xã Tắc
Vietnam Airlines đồng hành cùng Festival Huế 2024

Chiều 14/3, tại UBND tỉnh, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines ký kết hợp đồng tài trợ với Ban Tổ chức Festival Huế 2024, trở thành Nhà vận chuyển chính thức cho sự kiện, tương đương mức tài trợ 1,2 tỷ đồng.

Vietnam Airlines đồng hành cùng Festival Huế 2024
Đầu tư cho văn hóa thì không bao giờ thừa

Ban Giám hiệu Trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên Huế vừa có một hành động rất ý nghĩa khi trích tiền túi mua vé phim "Đào, Phở và Piano" tặng cho sinh viên của trường.

Đầu tư cho văn hóa thì không bao giờ thừa
Công bố poster chính thức Festival Huế 2024

Ban tổ chức Festival Huế 2024 vừa công bố poster chính thức của Festival Huế 2024 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 6, từ ngày 7 đến 12/6 tới. Poster lấy cảm hứng chủ đạo từ các hoạ tiết cung đình được phục hồi trên công trình điện Kiến Trung, Đại Nội, Huế.

Công bố poster chính thức Festival Huế 2024
Return to top