ClockThứ Tư, 12/04/2017 05:51

Nuôi cá lồng tự phát ở lòng hồ: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

TTH - Nuôi cá lồng bè (NCLB) trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi góp phần tạo thu nhập, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân. Song, với sự phát triển ồ ạt như thời gian gần đây, nếu không được quản lý tốt sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.

Cảnh sát đường thủy tuyên truyền cho hộ dân nuôi cá lồng bè

Phát triển ồ ạt

Năm 2014, sau khi Nhà máy thủy điện Bình Điền vận hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tổ chức nuôi thí điểm cá lồng trên lòng hồ thủy điện này. Đánh giá bước đầu, cá nuôi trong lòng hồ lớn nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, dễ chăm sóc, thu hoạch và cho hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình thí điểm này, Sở NN&PTNN đã có đề án trình UBND tỉnh về phát triển nuôi cá ở các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.  

Trong khi UBND tỉnh chưa có quy hoạch, định hướng về nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Bình Điền thì người dân đã ồ ạt nuôi tự phát. Theo ông Nguyễn Trung Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, trước đây chỉ có vài hộ tổ chức nuôi cá lồng trên lòng hồ với quy mô nhỏ lẻ, đến tháng 4/2017, toàn xã có 30 hộ dân (chủ yếu ở thôn Bình Tân) nuôi với gần 300 lồng; ngoài ra, ở Bình Điền có khoảng chục hộ nuôi.

Ông Nguyễn Trung Nhân cho biết, một bộ phận người dân nuôi cá lồng góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo thu nhập. Tuy nhiên, việc nuôi cá của người dân chỉ mới ở hình thức tự phát, chưa có quy hoạch. Lãnh đạo Công ty CP Thủy điện Bình Điền nhiều lần có ý kiến về việc nuôi cá tự phát ở lòng hồ.

Theo quy định, nuôi cá lồng phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt

Ông Phạm Ngọc Thành, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Bình Điền thông tin, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận sở hữu mặt nước toàn bộ lòng hồ thủy điện cho công ty. Người dân muốn nuôi cá ở lòng hồ phải được sự đồng ý của công ty. “Việc người dân nuôi cá trong lòng hồ được khuyến khích, nhưng cần phải thông qua chúng tôi để quản lý và hướng dẫn người dân sử dụng thức ăn hợp lý, không gây ô nhiễm và có kỹ thuật gia cố lồng bè trong mùa mưa, tránh sự cố đáng tiếc”- ông Thành nhấn mạnh. 

Bộc lộ nhiều vướng mắc

Theo Quyết định số 60 ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh về nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh, cơ sở nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nằm trong phân vùng mặt nước được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các tổ chức, cá nhân nuôi phải có quyền sử dụng mặt nước theo quy định hiện hành. Có 1 trong 3 loại giấy tờ: quyết định giao, cho thuê mặt nước nuôi trồng thủy sản  của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hợp đồng thuê quyền sử dụng mặt nước cho nuôi trồng thủy sản có chứng thực của UBND cấp xã nơi có mặt nước và có hiệu lực ít nhất 2 năm; có văn bản cho phép nuôi cá lồng của cơ quan có thẩm quyền của địa phương. Tuân thủ các quy định hiện hành và cam kết bảo vệ môi trường.

Thống kê của Sở NN&PTNN, toàn tỉnh có gần 100 hồ chứa thủy lợi, thủy điện và tự nhiên với dung tích 1.189 triệu m3, diện tích 530ha, lưu vực rộng lớn rất thích hợp cho việc nuôi cá lồng, cho giá trị kinh tế cao nhưng chưa có quy hoạch. Ngoài hồ thủy điện Bình Điền, một số nơi đã tổ chức nuôi cá lồng như: thủy điện A Lưới, Khe Lời, hồ Nam Lăng (Hương Thủy), Khe Ngang (Hương Trà), hồ Hòa Mỹ (Phong Điền)…Việc tận dụng mặt nước các hồ chứa như thế nào cho phù hợp, hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản chưa được đặt ra.

Trung tá Lê Viết Sơn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh cho biết, toàn bộ hàng trăm lồng cá trên lòng hồ thủy điện Bình Điền chưa được tổ chức, quy hoạch phù hợp; các thủ tục, giấy tờ chưa đảm bảo. Việc phát triển nuôi cá trên lòng hồ bước đầu bộc lộ những vướng mắc cần tháo gỡ về an ninh trật tự, an toàn hồ đập, vệ sinh môi trường. Theo quy định, các lồng bè nuôi cá có xây dựng nhà ở, kho chứa thức ăn bên trên phải có đăng kiểm kỹ thuật nhưng hầu hết các hộ dân này vẫn chưa đăng kiểm. Để giúp người dân, đơn vị đã tiến hành tuyên truyền về điều kiện, vị trí, khoảng cách giữa các lồng bè; cảnh báo các nguy cơ về tai nạn đuối nước, nguy cơ giật điện và bảo vệ môi trường… 

Lãnh đạo Sở NN&PTNT nhận định, với các công trình hồ chứa phong phú trên địa bàn tỉnh, mức độ đầu tư hiện nay chưa tương xứng để tận dụng được tiềm năng mặt nước. Tạo điều kiện về các cơ chế, chính sách và có kế hoạch, lộ trình phát triển thủy sản trên các hồ đập là cần thiết. Khi người nuôi có sự đồng thuận trong tổ chức sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học để quản lý môi trường nuôi, thực hiện các công nghệ nuôi sạch, an toàn về môi trường và dịch bệnh sẽ góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm sạch có giá trị cao.

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ

Mưa lớn kéo dài, các vùng thấp trũng vẫn còn ngập, nước thượng nguồn đổ về khiến sông Hương sông Bồ chuyển màu. Ngày 15/10, hàng ngàn hộ dân vẫn tất bật giằng néo, chăm cá lồng dưới làn mưa lạnh nhằm bảo vệ thành quả lao động và công sức đầu tư.

Đội mưa chăm cá lồng ngày lũ
Anh trưởng thôn mê nuôi cá

Tự học hỏi, tìm tòi nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện A Sáp, đến nay anh Hồ Văn Phúc (Hồng Thái, A Lưới) đang sở hữu 12 lồng cá. Bình quân mỗi năm, nghề này mang lại lợi nhuận cho anh khoảng 150-200 triệu đồng.

Anh trưởng thôn mê nuôi cá
Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa

Nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa không còn là chuyện lạ, nhưng nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa mang lại hiệu quả là chuyện mới đối với người dân.

Nuôi cá leo an toàn trên hồ chứa
Chăm cá lồng mùa đông

Toàn tỉnh hiện còn gần 3.000 cá lồng chưa đến kỳ thu hoạch ở Quảng Điền, Phú Lộc và TX Hương Trà. Nuôi cá lồng vào mùa đông đồng nghĩa với đối mặt thời tiết mưa lũ.

Chăm cá lồng mùa đông
Return to top