Thế giới

Pháp và Mỹ khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước

ClockThứ Năm, 11/11/2021 15:39
Tổng thống Pháp Macron cho biết cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/10 vừa qua tại Rome đã tạo tiền đề cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Tổng thống Mỹ có cuộc gặp nhanh người đồng cấp Pháp bên lề hội nghị G7

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nguồn: Reuters

Trong khuôn khổ chuyến công du Pháp 4 ngày, ngày 10/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã hội kiến Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron.

Hai bên nhất trí về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa hai nước sau những căng thẳng ngoại giao liên quan việc Mỹ, Anh và Australia công bố thỏa thuận an ninh 3 bên (AUKUS) dẫn tới việc Canberra hủy thỏa thuận mua tàu ngầm đã ký với Paris.

Phát biểu trong cuộc hội kiến tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron hoan nghênh chuyến thăm của bà Harris, đồng thời cho biết cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 29/10 vừa qua tại Rome đã tạo tiền đề cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Theo ông Macron, hai bên có chung quan điểm rằng thế giới đã bắt đầu một kỷ nguyên mới và hợp tác giữa Pháp và Mỹ đóng một vai trò "then chốt" trong kỷ nguyên này.

Chia sẻ quan điểm trên, Phó Tổng thống Harris cho rằng kỷ nguyên mới sẽ mang đến cả thách thức và cơ hội cho hai nước.

Theo bà, trong quá khứ, việc đồng hành trên chặng đường có cả khó khăn và thuận lợi đã giúp Pháp và Mỹ đạt được những thành công lớn.

Phó Tổng thống Mỹ hy vọng hai nước sẽ duy trì hợp tác và khôi phục những trọng tâm trong quan hệ đối tác, dựa trên kết quả của cuộc hội đàm giữa hai tổng thống hôm 29/10.

Theo kế hoạch, bà Harris sẽ tham dự Diễn đàn hòa bình Paris cùng các nhà lãnh đạo thế giới trong ngày 11/11 và hội nghị quốc tế về Libya trong ngày 12/11.

Tháng Chín vừa qua, Australia, Anh và Mỹ quyết định thành lập liên minh an ninh 3 bên (AUKUS), dẫn tới việc Canberra hủy hợp đồng mua tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD đã ký với Pháp, thay vào đó sẽ mua ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh. Pháp đã phản ứng mạnh về diễn biến này, gọi đây là "nhát dao đâm sau lưng" và triệu hồi các đại sứ tại Washington và Canberra.

Gần đây, Mỹ có các động thái nhằm hàn gắn quan hệ với Pháp, trong đó có chuyến thăm Paris của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp

Theo tin từ Nhà Trắng, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Michael Regan vừa công bố 8 tổ chức sẽ giám sát việc đầu tư 20 tỷ USD để tài trợ cho hàng chục nghìn dự án năng lượng sạch và giao thông vận tải tại các cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn trên khắp nước Mỹ.

Mỹ đầu tư 20 tỷ USD vào năng lượng sạch ở các cộng đồng thu nhập thấp
Return to top