ClockThứ Tư, 06/04/2016 13:56

Phát huy “không gian văn hóa Lục bộ”

TTH - Một buổi sáng đẹp trời, tôi và một số hội viên đã đến thăm “Không gian văn hóa Lục bộ” với tên bảng ở cổng vào “Vọng Lục bộ” tại 79 Nguyễn Chí Diễu, phường Thuận Thành trong kinh thành Huế mở cửa hoạt động phục vụ từ tháng 12/2015 đến nay.

Thật khá bất ngờ và thú vị với chúng tôi khi đến đây vì những gì chứng kiến và được biết, đơn vị tổ chức là “Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình Triều Nguyễn - Việt Nam”.

Không gian dành cho việc trình diễn và trưng bày nghệ thuật viết Thư pháp. Ảnh: V. Chung

Địa điểm này, trước đây sau triều vua Tự Đức (1883) từng là Phủ Phụ Chính, nơi làm việc của Hội đồng gồm một số hoàng thân quốc thích hoặc các đại thần có uy quyền điều khiển tạm triều đình khi vua vắng mặt, ốm đau hoặc băng hà chưa kịp có người nối ngôi, hoặc vua còn nhỏ tuổi chưa chính thức trị vì đất nước. Trong một số giai đoạn khác của triều Nguyễn, đây là nơi học tập của các vị hoàng tử, vương tôn khi còn thơ ấu. Sau giải phóng, cơ sở này đã giao cho một số cơ quan Nhà nước quản lý và sử dụng làm trụ sở. Nhiều năm qua, địa điểm này đã giao lại cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cô đô để trùng tu lại nằm trong tổng thể phát huy di tích triều Nguyễn về quần thể di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận vào năm 1998.

Bước qua cổng “Vọng Lục bộ”, ta sẽ thấy các chậu, cây cảnh “bon sai” rồi một dãy các lồng chim, có nhiều loại chim đang hót líu lo chào khách của CLB Chim cảnh Huế trưng bày. Trong các gian phòng của tòa nhà chính có nhiều hoạt động với nét truyền thống mà du khách đang thưởng ngoạn, các cô gái Huế phục vụ đều mặc áo dài với nhiều màu sắc, tiếng nói nhỏ nhẹ, đi lại nhẹ nhàng, ứng xử thanh lịch văn hóa. Gian nhà giữa phục vụ và trưng bày các lọai trà cung đình (Ngự trà) như Sinh khương lục trà, Tịnh tâm liên hoa Ngự trà, Ngũ phúc Ngự trà, Trà phú, Ngũ tử diễn tông trà, Thủ ô giáng nhỉ trà, Thượng viện Ngự trà, Trà vả ... Về rượu có: Hoàng triều Ngự tửu, Liên hoa huyết tửu, đặc sản rượu làng Chuồn... Trên tường treo những bức họa về Huế xưa thể hiện “Huế đẹp Huế thơ” của nhiều tác giả. Du khách vừa thưởng thức trà vừa ngắm các bức họa trên tường. Xung quanh đó là trình diễn các nghề truyền thống Huế như chằm nón, làm hoa giấy Thanh Tiên, làm diều, thư pháp... Bên cạnh đó là trưng bày và bán các sản phẩm đặc sản Huế: Mè xửng, dầu tràm, phấn nụ, bánh Huế... Thỉnh thoảng lại có biểu diễn ca Huế phục vụ khách du lịch.

Tất cả mọi sắp xếp, trưng bày là do nhà thiết kế Minh Hạnh (quê ngoại ở Huế) giúp đỡ, có sự phối hợp tham gia của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Hội Đông y tỉnh và một số nhà nghiên cứu văn hóa Huế. Anh Nguyễn Duy Hiền, nguyên Giám đốc Trung tâm Festival Huế đã có nhiều đóng góp cho việc hình thành “Không gian văn hóa Lục bộ” thể hiện một nét tao nhã của Huế.

Thưởng uống trà với anh Đặng Văn Thạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Phát triển sản phẩm văn hóa cung đình Triều Nguyễn và anh Đào Văn Hiếu, quản lý kinh doanh và tiếp thị của công ty, chúng tôi cảm nhận các anh hết sức tâm huyết với những hoạt động của “Không gian văn hóa” này. Hiện nay, bước đầu cơ sở đang có sự liên kết với du lịch TP. Hồ Chí Minh để giới thiệu những nét truyền thống văn hóa của vùng đất cố đô và hứa hẹn phát triển trong tương lai.

Ngoài địa điểm tại 79 Nguyễn Chí Diễu, TP. Huế như hiện nay, thì tại Cung Trường Sanh - Đại Nội Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô cũng đã tổ chức một không gian trưng bày, trình diễn, bán các sản phẩm cung đình triều Nguyễn và đã phối hợp, liên kết với “Không gian văn hóa Lục bộ” để phát huy hơn nữa các ngành, nghề, sản phẩm truyền thống Huế.

Festival Huế lần thứ chín đang sắp diễn ra từ ngày 29/4 đến 4/5/2016. Đây là dịp để chúng ta giới thiệu với du khách thêm một địa điểm cần đến đó là “Không gian văn hóa Lục bộ”.

Nguyễn Cương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Return to top