ClockThứ Bảy, 07/03/2020 06:45

Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư vào đầm phá Tam Giang

TTH - Hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng để thu hút đầu tư vào khu vực đầm phá Tam Giang.

105 tỷ đồng thực hiện dự án Đường phía tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa)

Đường Chợ Mai - Tân Mỹ nối trung tâm thành phố về các địa phương vùng biển, đầm phá

Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng

Theo Sở KH&ĐT, nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý đã bố trí phát triển hạ tầng khu vực đầm phá Tam Giang trong thời gian qua khoảng 860 tỷ đồng. Nguồn lực thực hiện được bố trí lồng ghép từ nguồn hỗ trợ phát triển ODA, nguồn vốn chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương và nguồn ngân sách tỉnh.

Hiện, nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện các dự án khoảng 200 tỷ đồng, UBND tỉnh đang xem xét bố trí theo yêu cầu thực tế trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho biết, là địa phương thuộc khu vực đầm phá Tam Giang, nhiều năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Quảng Điền đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đê điều và các bến thuyền ở Quảng Lợi để phát triển du lịch, bảo vệ sản xuất.

Từ năm 2016-2019, trên địa bàn đã đầu tư tuyến đê Tây phá Tam Giang với chiều dài gần 2km, kết nối với Tỉnh lộ 4 với chức năng ngăn xâm ngập mặn, bảo vệ cho 300 ha lúa tại địa phương; hệ thống đường dẫn, bến thủy, cầu tàu đậu đỗ thuyền phục vụ du lịch cộng đồng trên vùng đầm phá Tam Giang tại thôn Ngư Mỹ Thạnh và sửa chữa lại nhà trưng bày các ngư cụ, làm bãi đổ xe…

Năm 2020, địa phương xây dựng đề án đề xuất đầu tư một số hạng mục như lắp hệ thống điện mặt trời dọc hệ thống đê Tây phá Tam Giang; xây dựng nhà trưng bày, đón tiếp du khách trên đường ra khu vực bến thuyền và hỗ trợ khoảng 20 hộ dân chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản lòng hồ sang làm nhà chồ phục vụ du lịch cộng đồng tại Ngư Mỹ Thạnh.

UBND tỉnh đã đầu tư một số hạ tầng quan trọng như đường giao thông để kết nối từ đô thị trung tâm Huế về biển, đầm phá như đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường Phú Mỹ - Phú Đa; các trục đường ngang nối QL1A về đầm phá như đường cứu hộ cứu nạn Phong Điền - Điền Lộc, đường Thủy Phù - Vinh Thanh; hệ thống đê kè phá, chỉnh trị luồng lạch; một số hạ tầng quan trọng khác như các bến thuyền, đường ven đầm tại một số vị trí phát triển du lịch đầm phá ở Quảng Lợi (Quảng Điền), Phú An (Phú Vang).

UBND tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thêm một số hạ tầng liên quan khác từ nguồn vốn ADB, Luxembourg để phát triển hạ tầng các bến thuyền và các hạng mục bổ trợ ở Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền; hỗ trợ đầu tư hạ tầng và cả cơ sở vật chất tại các điểm có tiềm năng phát triển du lịch đầm phá, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển du lịch trên phá Tam Giang.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở KH&ĐT thông tin, theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, một trong những nhiệm vụ, định hướng được nêu rõ: “Phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, trong đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thông qua việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; ưu tiên phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đẳng cấp quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả liên kết, hợp tác giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương trong vùng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển du lịch và dịch vụ biển”.

Đây là một trong những cơ sở để hệ thống chính trị tỉnh tập trung chỉ đạo, ban hành các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) du lịch đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu chính là tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2020 đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới.

UBND tỉnh đã ban hành danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2017 - 2018 và định hướng đến năm 2020, trong  đó danh mục các dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ kêu gọi đầu tư được định hướng kêu gọi đầu tư cho vùng Tam Giang-Cầu Hai. Các dự án này khi triển khai đầu tư ngoài ưu đãi, chính sách cho các DN theo các quy định trung ương thì sẽ nhận được ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 21/4/2017 của UBND tỉnh.

Tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của DN trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã giao Sở KH&ĐT nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế (sửa đổi, bổ sung Quyết định số 39/2018/QĐ-UBND) và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ đối với DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án Quy hoạch Kiến trúc Sở Xây dựng phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai các nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Trong đó, có mục tiêu quy hoạch phát triển vùng đầm phá đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để trở thành vùng trọng điểm kinh tế của miền Trung và của Thừa Thiên Huế; phát triển kinh tế vùng theo hướng du lịch sinh thái - thủy sản - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp sinh thái.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị ở Quảng Điền đã cụ thể hóa mô hình “Dân vận khéo” bằng nhiều mô hình, các hoạt động sôi nổi, rộng khắp, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, khơi dậy nội lực, huy động sức dân tạo nguồn lực để chung tay xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Huy động nguồn lực cho phát triển từ “Dân vận khéo”
Tích cực tháo gỡ 3 'điểm nghẽn' đối với phát triển giáo dục mầm non

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 173/TB-VPCP truyền đạt ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tích cực tháo gỡ 3 điểm nghẽn đối với phát triển giáo dục mầm non
Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

Phát huy lợi thế đất rừng, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuyển đổi từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Theo đánh giá bước đầu, các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn

TIN MỚI

Return to top