ClockThứ Năm, 25/05/2017 05:46

Phòng cháy chữa cháy rừng: Nâng cao trách nhiệm của người dân

TTH - Ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng Elnino, nguy cơ cháy rừng ngày càng cao; đặt ra nhiệm vụ quan trọng không chỉ đối với lực lượng kiểm lâm mà cả quần chúng Nhân dân tham gia.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh diễn tập PCCCR

Ông Văn Thanh Hùng ở xã Phong Mỹ (Phong Điền) là hộ có nhiều diện tích rừng trồng kinh tế tại địa phương, luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), nhất là từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Hùng chia sẻ: “Mức phí dịch vụ môi trường rừng chi trả hằng năm tuy không lớn, nhưng đó là sự động viên, khích lệ tinh thần đối với người dân trong bảo vệ rừng, PCCCR. Cứ vào mùa nắng nóng, cả gia đình thay phiên nhau canh gác, tuần tra những cánh rừng trồng và những khu rừng tự nhiên lân cận. Nếu những cánh rừng tự nhiên bị cháy, không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ lây lan sang rừng của mình”.

Theo kinh nghiệm của ông Hùng, trong PCCCR, mỗi người dân phải tự ý thức, hiểu biết về những nguyên nhân cháy rừng, từ đó mới có biện pháp đề phòng và ứng phó “giặc lửa”. Thời tiết nắng nóng gay gắt, lá cây quá khô rất dễ bốc cháy khi gặp tàn thuốc, đốt vàng mã, thắp nhang, đạn nổ... là những nguyên nhân chính. “Mỗi lần đốt vàng mã, thắp nhang, hay nấu ăn trong rừng, tui thường chờ đến lúc lửa tắt hẳn, sau đó dùng nước dội vào đám cháy mới ra về. Trong quá trình canh giữ, tuần tra, tui luôn ý thức, vứt bỏ tàn thuốc đúng quy định...”, ông Hùng nói.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng

Ông Nguyễn Bá Thạo, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền cho rằng, trong điều kiện nhân lực, vật lực còn hạn chế thì ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng, PCCCR của người dân có vai trò rất quan trọng. Phần nhiều các vụ cháy trong những năm qua đều do người dân gây ra, chủ yếu đốt vàng mã, thắp nhang, nấu ăn cạnh rừng, đốt thực bì... Cứ vào mùa nắng nóng, ngành kiểm lâm huyện tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả PCCCR. Chỉ cần mỗi người dân ý thức, nêu cao trách nhiệm sẽ hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng.

Các vụ cháy giảm, diện tích cháy giảm hằng năm, một phần nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Dịch vụ này bắt đầu thực hiện từ năm 2011, đến nay kinh phí đã thu, chi gần 98 tỷ đồng, góp phần quản lý, bảo vệ có hiệu quả hơn 120 ngàn ha, chiếm 42% diện tích rừng toàn tỉnh. Đáng chú ý, 30 ngàn ha rừng được giao cho người dân, cộng đồng, nhóm hộ quản lý đã phát huy hiệu quả.

Tại nhiều khu rừng trên địa bàn các xã Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân... đều có nguy cơ cháy rất cao. Ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, vào đầu mùa nắng nóng, Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức diễn tập PCCCR. Những năm gần đây, các trang thiết bị, máy móc được đầu tư mua sắm, từng bước đáp ứng yêu cầu PCCCR. “Đến thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng lực lượng, thiết bị cho công tác bảo vệ, PCCCR mùa nắng nóng”, ông Thạo nói.

Ông Lê Viết Ngọc Vinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP. Huế cho hay, ngoài một bộ phận người dân ý thức cao, vẫn còn nhiều người chủ quan trong PCCCR. Trên địa bàn thành phố có nhiều cánh rừng cảnh quan, rừng thông phủ dày đặc lá khô rất dễ bốc cháy. Chỉ cần vứt bỏ tàn thuốc, hay đốt vàng mã vương vãi thì nguy cơ bốc cháy rất cao… Một nguyên nhân khác cần đề cao cảnh giác đó là sét đánh cũng dễ gây ra cháy rừng.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại Anh Tuấn thông tin, khác với nhiều năm trước, mùa nắng nóng năm nay, ngành kiểm lâm đề cao cảnh giác đối với những “cánh rừng nghèo”. Những cánh rừng này chủ yếu các loại cây không thành rừng, không có giá trị kinh tế, đa dạng sinh học nên trước đây thường thiếu sự cảnh giác, kiểm tra, giám sát nên nguy cơ bốc cháy rất cao. Khi rừng bốc cháy không được ngăn chặn, dập tắt kịp thời sẽ lây lan sang những cánh rừng khác.

Mặc dù nắng nóng diễn biến gay gắt, phức tạp nhưng từ đầu năm đến nay chỉ mới xảy ra một vài vụ cháy nhỏ, không đáng kể. Đây là điều đáng ghi nhận trong công tác tuần tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đám cháy. Tuy nhiên, mùa nắng nóng vẫn còn dài, công tác PCCCR năm nay được dự báo sẽ ở mức báo động cao, cần đề cao cảnh giác hơn bao giờ hết. Các lực lượng kiểm lâm, cơ quan chức năng đang tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn, hạn chế tối đa cháy rừng.

Điều ông Tuấn quan tâm, ngoài lực lượng kiểm lâm, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, từ các cấp chính quyền địa phương, mặt trận, đoàn thể và quần chúng Nhân dân. Cán bộ kiểm lâm cơ sở ngoài tuần tra, canh gác còn có nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và huy động nhân lực, thiết bị trong dân để ứng phó khi xảy ra sự cố cháy rừng.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Cùng với phường Phú Nhuận, hiện nhiều địa phương trên địa bàn TP. Huế đã thành lập các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và "Điểm chữa cháy công cộng", phát huy tác dụng trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) như Đông Ba, Phú Hội, Phú Thượng, Vĩnh Ninh...

Sẵn sàng trong mọi tình huống
“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu

Châu Âu đang ngày càng phải đối mặt với những đợt nắng nóng gay gắt đến mức cơ thể con người không thể chịu được, khi biến đổi khí hậu tiếp tục làm nền nhiệt toàn cầu tăng cao, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết.

“Stress nhiệt” gây hại cho sức khỏe ngày càng gia tăng ở châu Âu
Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm

Trước xu thế thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt, ngày 19/4, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phát thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại vùng đồng bằng và TP. Huế dự báo cấp độ cháy rừng cấp 3 (cấp nguy hiểm), đặc biệt ở Nam Đông cấp 4 (cấp rất nguy hiểm).

Cảnh báo cấp độ cháy rừng rất nguy hiểm
Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

Ngày 19/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, trong 24 giờ qua, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt.

Nguy cơ thiếu nước và xâm nhập mặn

TIN MỚI

Return to top