ClockThứ Năm, 30/09/2021 14:33

Phòng, chống COVID-19: Cuộc chiến giữ vùng an toàn - kỳ III: Bảo vệ thành trì, duy trì kiểm soát

 

 

“Phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe, tính mạng của người dân”. Tư tưởng của Thủ tướng Chính phủ cũng là mục tiêu Thừa Thiên Huế đang thực hiện. Trước tình hình mới, tỉnh triển khai xây dựng kịch bản cao hơn; vừa chống dịch vừa sản xuất; mở cửa từng bước có kiểm soát… thận trọng, kỹ lưỡng.

 

Xuyên suốt hành trình chống dịch, Thừa Thiên Huế giữ chặt 3 “chiến tuyến”. Đó là các khu cách ly - giữ để làm sao các công dân có yếu tố dịch tễ được quản lý, giám sát một cách chặt chẽ; Cơ sở y tế - là lực lượng làm nền tảng cho việc chống dịch; an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh duy trì phát triển kinh tế.

 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thứ ba (từ trái qua) kiểm tra công tác hậu cần phục vụ công dân cách ly

 

Đầu tiên là siết quản lý ở các khung cách ly. Gác vòng ngoài do công an, dân quân đảm nhận; gác vòng trong có đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tuần tra 24/24h. Tuyệt đối không để công dân cách ly ra khỏi vành đai an toàn được quy định ở các phòng, các tầng. Mỗi ngày, đội ngũ phục vụ và cán bộ y tế đều giao ban, đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp. Công dân thực hiện cách ly ít nhất 14 ngày và được xét nghiệm ít nhất 3 lần (tất cả đều âm tính) mới được trao giấy chứng nhận hoàn thành cách ly tập trung.

Thượng tá Ngô Nam Cường-UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh truyền mệnh lệnh: “Trước dịch bệnh, bất kể là lực lượng tuyến đầu hay các công dân thực hiện cách ly phải chấp hành nghiêm các quy định, không có ngoại lệ”!

 

Từ bếp ăn đến hoạt động phục vụ công dân phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt phòng lây nhiễm chéo

 

Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh còn lập các bếp ăn tập trung ngoài khu cách ly phục vụ cho nhiều khung. Bếp ăn tập trung tại Trường ĐH Luật (ĐH Huế) phục vụ 12 ngàn suất ăn mỗi ngày, bếp ăn xã hội hóa tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (cũ) phục vụ gần 3.000 suất ăn cho các khung cách ly lân cận. Bếp ăn do quân đội phụ trách giám sát; các đoàn thể Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… phụ trách sơ chế, nấu nướng, đóng gói.

Khi dịch bùng phát, bảo vệ bệnh viện, cơ sở y tế là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Vì vậy, Sở Y tế thường xuyên kiểm tra công tác triển khai thực hiện bộ tiêu chí bệnh viện an toàn cùng các biện pháp siết chặt quy trình sàng lọc.

 

Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hội chẩn điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2

 

 

Bệnh viện Trung ương Huế - đơn vị hạng đặc biệt, thuộc tuyến cuối điều trị bệnh nhân áp dụng quy trình phòng chống dịch chặt chẽ với 3 tầng sàng lọc: Cổng bệnh viện, tại khoa phòng, tại giường bệnh. Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, khu cách ly, điều trị tập trung bệnh nhân mắc COVID-19 bố trí biệt lập, các kíp trực hoạt động độc lập nhằm hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo.

Cùng với 3 tổ chỉ đạo phòng chống COVD-19, 41 đội phản ứng nhanh và các bệnh viện dã chiến được thành lập, toàn bộ nhân lực ngành y được huy động cho cuộc chiến chống dịch. Cái khó trong điều trị COVID-19 đối với các cơ sở tuyến dưới là chưa có nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát nhiễm khuẩn dịch bệnh nhóm A (COVID-19 được xếp vào dịch bệnh nhóm A). Trước tình hình đó, Bệnh viện Trung ương Huế đã chủ động tổ chức các đợt tập huấn kiểm soát nhiễm khuẩn trực tiếp và trực tuyến.

 

Tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực trong điều trị bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế

 

Trước khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 tại Huế, Sở Y tế đã cử nhiều nhóm cán bộ, nhân viên y tế tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về lọc máu, sử dụng máy thở… Các lớp đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở được triển khai.

Với những bước chuẩn bị bài bản; phương án, giải pháp kỹ lưỡng, khoa học, thành trì y tế ở Huế đến thời điểm này vẫn đứng vững.

 

 

 

“Sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất”, quy định này không chỉ có tác dụng với ngày thường mà còn có ý nghĩa trong phòng chống dịch bệnh. Rất nhiều nhà máy, công xưởng đã xây dựng một quy trình làm việc chặt chẽ dựa trên bộ tiêu chí chung của khu kinh tế, khu công nghiệp.

 

 

 

Tại Công ty cổ phần SCAVI – công ty may quy mô lớn ở Thừa Thiên Huế, ông Hồ Phan Minh Đức, Trưởng ban Kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, quá trình vận hành, sản xuất của nhà máy đảm các yếu tố giãn cách, tách biệt. Công nhân đi làm bằng xe buýt riêng, sản xuất riêng, ăn cơm riêng; sẵn sàng phương án sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ) kết hợp “1 cung đường, 2 địa điểm”.

Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cho biết, không riêng Khu công nghiệp Phong Điền, tất cả các lực lượng, doanh nghiệp đều có phương án phòng, chống dịch phù hợp để bảo vệ vùng sản xuất an toàn, tránh đứt gãy. Phương án “3 tại chỗ” cũng đã được lên kế hoạch trong trường hợp xấu nhất. Quá trình tổ chức thực hiện được theo dõi, đánh giá, cập nhật để điều chỉnh, bổ sung, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.

 

Chủ tịch UBND tỉnh (hàng đầu thứ hai từ phải sang) cùng đoàn kiểm tra chốt y tế đóng trên địa bàn huyện Phú Lộc

 

 

Về kết quả bước đầu phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh sau nhiều tháng căng thẳng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, tỉnh đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Đã kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng, khu công nghiệp, các khu dân cư tập trung...

 

 

 

 

Nhìn vào bản đồ vùng an toàn và vùng phong tỏa - giãn cách, tỷ lệ “vùng xanh” vẫn chiếm đa số, điều này cho thấy hiệu quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dưới góc độ chuyên môn phòng chống dịch, đó còn là bài học khoanh vùng sớm, truy vết nhanh; siết chặt vùng “đỏ” để bảo vệ vùng “xanh”.

 

Phú Lộc - điểm nóng xuất hiện nhiều ca cộng đồng, việc khống chế dịch, hạn chế lây lan là nhiệm vụ hàng đầu. Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn, UBND huyện Phú Lộc cho rằng, bên cạnh phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương tiến hành rà soát, truy vết... sự kết hợp giữa tổ cộng đồng phòng chống dịch - công an - y tế - xét nghiệm PCR cho người có yếu tố nguy cơ cao, góp phần siết chặt kiểm soát dịch bệnh trong “vùng đỏ”. Cũng theo ông Mẫn, tinh thần chống dịch được địa phương triển khai cấp bách, quyết liệt. “Siết vùng đỏ, giữ vững vùng xanh”, địa phương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm.

 

Xuất nhập hàng hóa theo tuyến riêng ở khu công nghiệp Hương Thủy

 

Theo đánh giá từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, kiểm soát dịch hiệu quả còn nhờ phát huy vai trò chủ động của chính quyền địa phương và tinh thần chịu trách nhiệm của những người đứng đầu. “Tỉnh chỉ đạo các cơ quan ban ngành từng lĩnh vực một xây dựng kịch bản cụ thể. Đặc biệt là giao trách nhiệm cho các địa phương xây dựng phương án chủ động. Bí thư, Chủ tịch là “tư lệnh vùng” chịu trách nhiệm giám sát, triển khai các biện pháp theo kịch bản đã xây dựng, đảm bảo một hệ thống chống dịch xuyên suốt từ trên xuống dưới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Một thế mạnh nổi bật của Thừa Thiên Huế chính là áp dụng công nghệ trong phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông cho hay, Sở luôn nhận “đặt hàng” từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh, điều này cho thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong lĩnh vực này. Ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm điều hành đô thị thông minh IOC Huế tiết lộ, có lúc cả đội ngũ chuyên gia về công nghệ làm việc cấp tập xuyên đêm để tìm ra giải pháp chuyển lãnh đạo Sở Thông tin - Truyền thông kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo. “Thường thì ‘dead line’ sự vụ chỉ trong 24h. Anh chị em ở IOC mùa dịch có thời điểm công suất làm việc tăng 300-400%”, ông Minh kể.

 

Giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19

 

Ra mắt đường dây nóng tư vấn phòng chống dịch đầu số 19001075 từ năm 2020, Hue-S của IOC Huế còn có nhiều tính năng khai báo y tế trong - ngoài tỉnh, phản ảnh thông tin chống dịch, xác minh tin giả về dịch, phần mềm giám sát phương tiện - con người đi qua và vào Thừa Thiên Huế giúp chính quyền xử lý, điều hành, ra quyết sách kịp thời. Người dân trên cơ sở đó cũng được cung cấp thông tin về diễn biến dịch hàng ngày, tham gia giám sát và chung tay phòng chống dịch trên môi trường mạng. Gần nhất và việc triển khai mã QR chống dịch quốc gia, Thừa Thiên Huế trở thành đơn vị tiên phong thực hiện nhanh, đồng bộ.

 

Làm mã QR code cho tiểu thương chợ Đông Ba để thuận tiện cho việc quản lý, truy xuất thông tin

 

 

Trong buổi làm việc cuối tháng 9/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, lãnh đạo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia đánh giá Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu triển khai các ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch COVID-19. Một số chức năng, ứng dụng như báo cáo số, triển khai giải pháp QR cho người dân là những giải pháp hay cần được nhân rộng trong toàn quốc.

Nhiều mệnh mệnh, phương châm được triển khai trên tất cả các mặt trận trong cuộc chiến chống dịch lần thứ 4 ở Huế ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng trong các nhà máy, công xưởng và trên từng trận tuyến cách ly, phong tỏa... Từ đây, nhiều kinh nghiệm, bài học phòng, chống dịch quí giá được đúc rút là cơ sở để nâng cấp các “kịch bản” trong thời gian tới.

 

 

Nhìn lại công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Thừa Thiên Huế đợt 4, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cho rằng, Thừa Thiên Huế chịu rất nhiều áp lực trong công tác phòng, chống dịch. “Điều quan trọng là chúng ta có thể ứng phó, giải quyết được tình huống hay không. Tình hình phức tạp, có nhiều thứ không thể lường trước. Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn đang ở tư thế chủ động trong công tác phòng chống dịch”, ông Bình khẳng định.

 

Siết chặt giao thương đối với các xe ngoại tỉnh khi đến Huế

 

Sự chủ động ấy mang lại những tín hiệu tích cực. Trong khi nhiều tỉnh thành tăng trưởng về âm thì Thừa Thiên Huế có tốc độ tăng trưởng 6 tháng/2021 đạt 5,64% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng 0,51% của 6 tháng đầu năm 2020 khi phải đối mặt với hai làn sóng COVID-19 (Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh công bố 1/7/2021). Tại buổi họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8/2021, những con số công bố cho thấy nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa sản xuất. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng ước đạt 6.801,9 tỷ đồng, vượt 12,1% dự toán và tăng 22,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 8 tháng ước đạt 16.808 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ...

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chống dịch là nền tảng để phát triển kinh tế. Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Trong đợt dịch lần thứ 4 này, một số hàng quán tỉnh vẫn cho hoạt động ở mức có thể đảm bảo các điều kiện an toàn phòng, chống dịch. Đây là điểm khác với các đợt dịch trước đó. Thời gian tới, tỉnh vẫn tiếp tục các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn tất tiêm vắc xin trong các cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế.   

   

Vừa sản xuất vừa áp dụng các biện pháp phòng chống dịch tại Công ty cổ phần SCAVI Huế

 

Chuẩn bị cho thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung “nâng chất” cho lĩnh vực y tế - bởi y tế là trụ cột, là trung tâm. PGS.TS.Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế thông tin: “Chúng tôi đã có phương án ở những địa bàn gần Thừa Thiên Huế hoặc địa phương có số người về đông sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ thì tại các chốt sàng lọc phải tăng cường năng lực hơn nữa. Nhiệm vụ của chúng ta là phải sàng lọc sớm, phát hiện F0 càng sớm càng tốt ngay tại chốt. Tăng cường tầm soát trong cộng đồng phòng trường hợp có F0 lọt vào địa bàn sẽ phát hiện sớm nhất để cách ly, chặn đứng nguồn lây. Về công tác thu dung, điều trị F0, ngành chuẩn bị cơ sở cho những tình huống 1.000 - 2.000 ca, thậm chí nhiều hơn. Chúng tôi cũng đã nâng cao năng lực chuyên môn để điều trị F0 từ triệu chứng nhẹ, trung bình cho đến triệu chứng nặng”.

Huế còn có đội ngũ phản ứng nhanh 75 (PUN 75) thành lập tháng 8/2021 với hơn 100 tình nguyện viên sẵn sàng “kích hoạt” khi diễn biến dịch căng thẳng. Hiện lực lượng này đang hỗ trợ cộng đồng làm thẻ kiểm soát dịch bệnh. Đây là mô hình mà trong kế hoạch, phương án đảm bảo phòng chống dịch Thừa Thiên Huế đặt ra.

Trong điều kiện bình thường mới, tỉnh sẽ “mở cửa” như thế nào? Du lịch - dịch vụ, một ngành quan trọng sẽ hoạt động ra sao? Làm gì để tiếp tục duy trì mục tiêu kép vừa chống dịch vừa sản xuất… Đó là những thách thức phía trước. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, tất cả phải tiến hành thận trọng, duy trì kiểm soát và đánh giá thường xuyên. “Không chỉ tính toán cho việc “mở cửa” nay mai, các cơ quan ban ngành sẽ tổ chức công tác đánh giá lại nhằm có những giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình trong thời gian tới”, ông Phương khẳng định.

Từ 30/9 trở đi, công tác phòng chống dịch trong cả nước sẽ có thay đổi, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương sẵn sàng phương án căn cơ để chủ động ứng phó. Sau 30/9, TP. Hồ Chí Minh và nhiều địa phương nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, dự báo lượng người về/đến Thừa Thiên Huế từ các vùng có dịch sẽ tăng cao. Thời điểm này vừa là cơ hội song cũng tiềm ẩn lắm nguy cơ nên không thể chủ quan.

Trên mặt trận mà kẻ thù không nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy; sau lưng chúng ta là tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người là một thử thách chưa từng có trong lịch sử. Tâm thế sẵn sàng, xoay chuyển, linh hoạt… “Một kịch bản cho tình huống cao hơn” là điều không thể thiếu. Đây mới chỉ là “chiến thắng” bước đầu, tất cả phải cùng nỗ lực duy trì thành quả, giữ vững thành trì bởi hành trình chống dịch vẫn còn dài.

 

 

>> Phòng, chống COVID-19: Cuộc chiến giữ vùng an toàn - kỳ I: Lá chắn tuyến đầu

>> Phòng, chống COVID-19: Cuộc chiến giữ vùng an toàn - kỳ II: Cùng ý chí, chung tấm lòng

Nội dung: Nhóm PV

Hình ảnh: Nhóm PV - CTV

Thiết kế: Quang Thiều

Concept: Minh Hà - Tuệ Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Ích Thận Vương giúp tôi kiểm soát suy thận độ 1 do biến chứng huyết áp cao

“Tôi bị huyết áp cao 160 mmHg đang dùng thuốc. Ngoài ra, tôi còn bị thiếu máu não, ảnh hưởng đến trí nhớ, hay mất ngủ. Năm 2012 thì phát hiện thêm bệnh suy thận độ 1” - chú Lưu Công Cư (sinh năm 1960, trú tại số nhà 65B, đường Nguyễn Cao, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang - SĐT: 0866.914.566) chia sẻ.

Ích Thận Vương giúp tôi kiểm soát suy thận độ 1 do biến chứng huyết áp cao
Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Giữ vững thành quả, phòng ngừa sốt rét quay trở lại

Mặc dù được công nhận là địa phương đạt “Loại trừ sốt rét” cuối năm 2022, song tại Thừa Thiên Huế vẫn xuất hiện ca sốt rét ngoại lai trong 2 năm qua. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này từ các tuyến theo quy định của Bộ Y tế.

Giữ vững thành quả, phòng ngừa sốt rét quay trở lại
Cao điểm kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn tàu xe dịp Tết Giáp Thìn

Ngày 3/2, lực lượng liên ngành Thanh tra giao thông phối hợp Cảnh sát giao thông và quản lý hành chính về trật tự xã hội tỉnh, thành phố… tiếp tục mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông (ATGT) tàu, xe vào dịp cận Tết Giáp Thìn 2024 trên địa bàn.

Cao điểm kiểm tra, kiểm soát trật tự an toàn tàu xe dịp Tết Giáp Thìn
Return to top