ClockThứ Năm, 20/12/2018 14:47

Quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong bối cảnh thực thi REDD+

TTH - Từ thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, ý kiến tham luận tại các hội thảo, Sở NN và PTNT đã đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bổ sung kế hoạch hành động REDD+ giai đoạn 2016-2020Đẩy mạnh thực thi sáng kiến REDD+

Ông Võ Văn Dự, Phó giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại hội thảo liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, đất rừng

Việc triển khai Chỉ thị số 65 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp một cách đồng bộ trên quy mô toàn tỉnh có tác động tích cực tới công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần thực hiện Kế hoạch hành động REDD+ của tỉnh và Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ.

Để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt cơ bản tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở: NN và PTNT, TN&MT và các ban quản lý rừng triển khai rà soát các diện tích rừng và đất rừng đã bị lấn chiếm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thu hồi đất trả lại cho các chủ rừng, đồng thời tiếp tục rà soát để chuyển giao một phần diện tích đất rừng cho các địa phương để giao lại cho người dân sống gần rừng chưa có đất canh tác, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quản lý tài nguyên rừng tự nhiên hiệu quả.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đang bị lấn chiếm là 2.142,22 ha (trong đó: có chủ 1.715,04 ha và 427,18 ha không chủ); diện tích định hướng thu hồi và thu hồi: 535,18 ha. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng đã lập biên bản hiện trường các trường hợp vi phạm là 134 vụ; diện tích lấn, chiếm là 188,37 ha; trong đó đã xử lý 78 vụ, diện tích thu hồi 154,48 ha.

Bên cạnh thực hiện tốt Chỉ thị số 65của UBND tỉnh, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có ý nghĩa quan trọng trong việc tập trung được nguồn lực để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các đơn vị chủ rừng. Thông qua cơ chế chỉ huy trong quy chế phối hợp lực lượng, việc tập trung xử lý vụ việc đúng trọng điểm đã kịp thời ngăn chặn, chống được tiêu cực trong thực thi công vụ. Các đơn vị tham gia phối hợp đã giám sát lẫn nhau, minh bạch vì hoạt động truy quét buộc phải sử dụng máy GPS, máy tính bảng nhờ đó kiểm soát được toàn bộ diện tích rừng của các đơn vị quản lý. Việc thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là một cách làm có hiệu quả, cần đánh giá và nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 1485/QĐ-DALN-FCPF-2 của Trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Sở NN&PTNT cùng Ban Quản lý dự án FCPF-2 tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hội thảo nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng, tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 65 và công tác thực hiện quy chế phối hợp giữa kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách.

Từ thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, ý kiến tham luận từ các hội thảo, Sở NN&PTNT đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện trong thời gian tới, cụ thể là: thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71 của Chính phủ; Chương trình hành động số 27 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 216 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư nhằm tăng cường sức chiến đấu của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia mạnh mẽ của các cộng đồng dân cư, thúc đẩy hoạt động có hiệu quả chính quyền các địa phương, các ban ngành, đoàn thể và lực lượng chuyên trách như kiểm lâm, công an, quân đội để quản lý chặt chẽ rừng và đất rừng, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng tự nhiên, không để tình trạng phá rừng, cháy rừng xảy ra trên diện rộng, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về pháp luật lâm nghiệp.

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng cho chính quyền các cấp huyện và xã; quy định rõ trách nhiệm của chủ rừng, chính quyền các cấp, các cơ quan thực thi pháp luật và thôn, xã nếu để mất rừng, phá rừng ở địa phương. Rà soát các nội dung, trình tự, thủ tục, tính pháp lý để xây dựng cơ chế phối hợp giữa các chủ rừng, các ngành, các địa phương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động quản lý bảo vệ rừng và thực thi lâm luật.

Chủ rừng và lực lượng kiểm lâm cần nghiên cứu kỹ Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đất đai để thực hiện đúng quy định pháp luật. Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn những vấn đề đặc biệt, mới phát sinh tại địa phương, cụ thể là hướng dẫn xử lý rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi chủ rừng, mỗi người dân và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển mô hình đồng quản lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng.

Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay, cần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thông qua bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển; thực hiện đồng bộ từ khâu quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng hợp lý tài nguyên; tối ưu hóa dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái; thực hiện tốt công nghệ thông tin trong quản lý rừng; thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản và lồng ghép, thu hút các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ là những nội dung quan trọng cốt lõi trong công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần thực hiện Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ.

Bài, ảnh: Nguyên Thi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng

Trước những chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị liên quan đã có nhiều hoạt động phối hợp tăng cường kiểm tra các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng. Theo đó, chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước đã dần thu hẹp.

Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Return to top