ClockThứ Sáu, 29/04/2016 05:26

Quan trọng là giữ được hồn của văn hóa Huế

TTH - Festival Huế 2016 đang đến gần giờ khai mạc. Chào đón sự kiện quan trọng này, phóng viên Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2016.

Ông Nguyễn Dung

Với cảm xúc của “tổng chỉ huy”, ông Nguyễn Dung chia sẻ: Năm nay, chương trình khai mạc và nhiều chương trình khác được triển khai sớm hơn nhưng với quy mô của Festival Huế, khối lượng công việc lớn nên luôn luôn cần sự điều chỉnh để tổ chức thật tốt. Do đó, đội ngũ nhân sự của Trung tâm Festival Huế và các bộ phận liên quan đều đã luôn cố gắng hết sức mình. Tất cả mọi người đều mong muốn có thêm một Festival Huế thành công, tốt đẹp.

Ông nghĩ gì khi ở Festival Huế 2016, công tác xã hội hóa thu hút tổ chức, doanh nghiệp tham gia lớn nhất từ trước đến nay?

Trong công tác vận động tài trợ, đến thời điểm này chúng ta có được gần 32 tỷ đồng, trong đó có hơn 21 tỷ đồng tiền mặt. Đây là kết quả kêu gọi tài trợ cho Festival Huế lớn nhất từ trước đến nay. Ban tổ chức Festival Huế 2016 cũng xã hội hóa một số chương trình nghệ thuật và nhận được sự hưởng ứng tích cực, như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn, lễ hội Quảng chiếu và múa Phật giáo, hội thảo ẩm thực dân gian và cung đình, biểu diễn khinh khí cầu, chương trình áo dài, đêm nhạc rock…

Tôi nhận thấy rằng thành công bước đầu của chúng ta là ở chỗ Festival Huế đã có sức hút. Khi giới thiệu về Festival Huế 2016, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã mong muốn tham gia tài trợ.

Trong xu thế ngày càng nhiều địa phương tổ chức festival, chúng ta sẽ tiếp tục khẳng định thương hiệu Festival Huế như thế nào?

Không riêng Việt Nam mà ngay cả ở trên thế giới cũng có nhiều chương trình festival với nhiều góc độ, hình thái khác nhau. Chúng ta không lạ gì với Festival hoa, Festival cà chua, Festival trà… Nhưng với cái riêng của Huế, tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ cho được hồn của văn hóa Huế. Qua mỗi kỳ Festival Huế, chúng ta phải nghiên cứu để có sự đổi mới trong chính mình. Điều đó sẽ giúp Festival Huế giữ được bản sắc riêng và thu hút nhiều du khách hơn.

Tôi đồng tình với quan điểm, nên kết hợp tổ chức Festival Huế với những ngày lễ lớn. Chỉ như vậy, không riêng du khách mà ngay cả người dân Huế mới có điều kiện để tham gia, thưởng thức các chương trình của Festival Huế.

Một tiết mục trong buổi tổng duyệt lễ khai mạc Festival Huế 2016. Ảnh: Võ Nhân

 Tính nhân văn của Festival Huế là một yếu tố được công chúng, du khách đánh giá cao, vậy Ban tổ chức duy trì điều đó như thế nào ở kỳ festival này?

Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu về Festival Huế 2016. Hơn ai hết, mỗi người dân Huế phải là mỗi chủ thể thực sự của Festival. Du khách đến Huế ngoài việc thưởng thức các chương trình Festival Huế 2016 còn có sự giao lưu, tương tác với người dân bản địa. Sự đón tiếp bằng nụ cười, thái độ thân thiện của người dân Huế đối với du khách sẽ góp phần rất quan trọng đối với sự lan tỏa niềm vui trong du khách. Chúng tôi rất tôn trọng và phát động đến với toàn thể người dân Thừa Thiên Huế rằng hãy tham gia Festival Huế 2016 và thể hiện bằng những gì tốt đẹp nhất mà mình có.

Ban tổ chức đã tạo điều kiện như thế nào để người dân Huế trở thành chủ thể thực sự của lễ hội, thưa ông?

Trong các chương trình của kỳ Festival này, chúng tôi tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân tham gia. Trong cơ cấu các chương trình, có chương trình bán vé, có chương trình không, có chương trình tổ chức miễn phí và có cả những chương trình cần sự cộng hưởng rất lớn của người dân. Có thể kể, như: Chợ quê ngày hội bên cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), về miền Hương Ngự ở đình Kim Long hay các chương trình quảng diễn đường phố… Tất cả đều cần có sự phối hợp giữa các nghệ sĩ với người dân. Nếu chỉ riêng nghệ sĩ thì hoạt động không thể thành được. Đó là cách chúng tôi “kéo” người dân vào lễ hội này.

Ở “ghế nóng” tổng chỉ huy, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về điều tâm đắc nhất tại kỳ Festival này?

Đó là sự thành công từ công tác xã hội hóa. Tuy chưa phải là tốt nhất, nhưng trong điều kiện muốn tiếp tục duy trì Festival Huế thì chúng ta không thể mãi trông chờ vào nguồn ngân sách. Từ kết quả đạt được trong kỳ này, chúng tôi tin rằng những kỳ Festival Huế sau nữa, chúng ta sẽ đỡ khó khăn hơn. Còn không, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách của Nhà nước, e rằng sẽ đến lúc Festival Huế phải dừng lại để chuyển sang hướng khác.

Từ tâm thế một người tham dự các kỳ lễ hội trước đến vị trí “ghế nóng” Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2016, ông cảm thấy thế nào?

Trước đây ở vị trí công tác khác, trách nhiệm ít hơn nên tôi tham gia Festival Huế với tâm thế rất nhẹ nhàng. Còn nay, ở cương vị này thì áp lực công việc lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh tôi luôn có sự hỗ trợ của các anh chị em đã có nhiều kinh nghiệm tham gia tổ chức Festival Huế các kỳ trước, nên tôi cố gắng để tiếp tục phát huy năng lực của các anh chị em ấy, xem họ là những chủ thể sáng tạo thực sự. Trong các bước chuẩn bị cho Festival Huế 2016, chúng tôi luôn bàn bạc, lắng nghe và có sự thống nhất cao để có thể tổ chức thêm một kỳ Festival Huế thành công và đạt được những gì tốt đẹp như chúng ta mong muốn.

Ông có nhắn gửi gì với người dân Huế?

Tôi mong muốn tất cả chúng ta hãy cùng tham gia Festival Huế 2016 một cách vui vẻ, thân thiện và gặt hái được những gì tốt đẹp nhất. Qua một số chương trình chạy thử trước khai mạc, tôi thấy rất nhiều người dân tham gia. Đó là một điều tốt cho Festival sắp tới.

ĐỒNG VĂN (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ

Làm gì để giữ gìn văn hóa Huế trong dòng chảy cuộc sống hôm nay? Đó là nỗi trăn trở của những người yêu Huế. Muốn giữ gìn, phát huy, lan tỏa thì phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó phải kể đến đối tượng học sinh – sinh viên đang học tập, sinh hoạt trong mỗi trường học.

Đa dạng hình thức giáo dục văn hóa Huế cho giới trẻ
Nỗi thương món Huế

Xứ Huế để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí tôi vì nhiều lẽ: Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng hữu tình, con người duyên dáng và thanh lịch, chất văn hóa ngấm trong từng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, nếp sống, nếp nghĩ của con người Cố đô... Và, tôi còn vấn vương xứ Huế vì một lẽ khác nữa - những món của Huế!

Nỗi thương món Huế
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Return to top