ClockThứ Tư, 11/11/2020 08:38

“Sau bão mẹ hãy trồng một cây xanh, mẹ hí!”

TTH - Thư con gái trò chuyện qua messenger, đa phần chỉ là “wow!”,“ahaha”, “huhu” và icon biểu lộ các sắc thái tình cảm. Rất ít những câu dài, chắc có lẽ do con bận học. Mẹ cũng dần dần chấp nhận và nghĩ con đang bận học.

Những ngày tháng mười quê nhà bão lụt kinh hoàng, mẹ đã vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc khi con hàng ngày gọi điện, nhắn tin hỏi thăm tình hình, trò chuyện cùng mẹ nhiều hơn, thăm hỏi mọi người trong gia đình và hàng xóm, con cũng không quên nhắc mẹ giữ gìn sức khỏe, nhớ ăn nhiều và ngủ ngon. “Mới bước chân ra khỏi nhà là tự khắc trưởng thành ngay”, câu nhận định trả lời cho bao lo âu bấy nay của mẹ khi con đi học xa.

Xa cách về địa lý không ngăn được con cập nhật thông tin mưa lụt ở quê nhà. Sáng nay, mẹ bất ngờ khi con nhắn tin “Mẹ ơi, sau bão mẹ hãy trồng ít nhất một cây xanh, mẹ hí!”, mẹ hiểu rằng con muốn gửi đến mẹ một thông điệp hãy góp sức mình dựng lại màu xanh của Huế bằng cách trồng một cây xanh. Đôi khi con cái trở thành người khơi nguồn cảm hứng cho cha mẹ là như thế. Ừ, thì trồng. Mẹ đi mua đất sạch, mua chậu và xin cây giống từ nhà bạn. Sáng chủ nhật, mẹ tự tay cho đất vào chậu, tự tay ươm những cây sống đời, lèn chặt đất cho cây đứng vững. Mẹ cảm nhận được đất ẩm ướt dưới tay mình, cảm nhận cây con mỏng manh và cần sự gượng nhẹ, khéo léo khi vào đất. Buổi sáng trôi qua thật nhanh, thành quả ngắm nhìn thật mãn nguyện dù phải chờ đợi vài tháng cây bén rễ, lên xanh và cho hoa. Mẹ nhẩm tính, nếu ba tháng nữa con về ăn tết, hy vọng hai chậu cây sống đời này phủ xanh lá và cho những chùm hoa màu đỏ tươi rực rỡ.

Mẹ đã kể cho con nghe về chuyện ngay sau khi bão Noul tan, mẹ chạy xe một vòng quanh thành phố, nhìn cây cối gãy đổ lòng mẹ xót xa. Mười lăm ngàn cây xanh bị thiệt hại, cả thành phố nhìn tan hoang. Câu chuyện những ngày sau bão, đi đâu cũng nghe mọi người kể về những kỷ niệm của mình với cây xanh.

Sau bão Noul là đến lũ lụt kinh hoàng. Núi sạt, đất lở gây nên những cái chết đau thương không gì bù đắp được, những mất mát về tài sản cả đời người làm lụng mới dành dụm được. Trong nhiều nguyên nhân sâu xa dẫn đến thiên tai ngày càng tăng mức độ “hung dữ” có lý do rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh bị tàn phá làm tăng sự khủng khiếp của lũ lụt và sạt lở đất.

Bạn mẹ từ xa cũng nhắn tin hỏi “Cây mắt biếc” ở làng Hà Cảng có sao không? Cây  phượng ở đầu cầu Trường Tiền có bị gì không?”. Con cũng hỏi mẹ về hàng cây trên những con đường chúng ta từng đi, về cây xanh ở ngôi trường con học và con cũng đặt câu hỏi với mẹ, tại sao chúng ta không bảo vệ tốt rừng khi biết rằng rừng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người và trong nền kinh tế quốc dân.

Những câu hỏi của con làm mẹ nhớ về đêm mắc võng nằm ở thung lũng Bạch Mã, nghe tiếng gió, tiếng rừng lao xao như đang trò chuyện, bình yên và sâu thẳm. Nhắc mẹ nhớ về những con người thầm lặng một lòng bảo vệ rừng Bạch Mã, giữ Bạch Mã xanh như ngày hôm nay, nhà khoa học, nhà địa chất, người trồng cây, thầy giáo, học sinh, võ sinh Karate-Do Nghĩa Dũng và cả người đã từ bỏ việc săn bắt chim rừng Bạch Mã để trở thành người tích cực bảo vệ Bạch Mã như anh Trương Cảm-người có biệt tài gọi chim rừng. Mẹ tin khi có những người yêu rừng quanh ta thì rừng sẽ được bảo vệ và trồng nhiều hơn.

Thư của con gợi mẹ nhớ về rừng thông Nam Giao, rừng thông bao quanh lăng vua Tự Đức mà sử sách còn ghi chép rộng hơn hai mươi mẫu, đó là do quy định mỗi người lính hộ lăng mỗi năm phải dành ra hai tháng để trồng cây, mỗi tháng trồng 6 cây.

Mẹ cũng nhớ những cánh rừng trồng ở Nam Đông, A Lưới màu xanh đã phủ kín nhiều đồi núi trọc cho con người cảm giác được che chở, được sống và mẹ cũng đã từng chứng kiến những cánh rừng trồng đổ rạp khi cơn bão dữ đi qua vùng đất này.

Nước mắt của cây, nước mắt của người trồng rừng hòa cùng nhau. Và mẹ hiểu được rằng để giữ màu xanh của rừng nguyên sinh càng khó khăn hơn khi không chỉ thiên tai mà cả con người vẫn đang xem rừng là nơi tìm kiếm nguồn lợi.

Mỗi người trồng một cây xanh, mỗi người bảo vệ một cây xanh, hôm nay chúng ta có rừng của mười năm, hai mươi năm, ngày sau chúng ta sẽ có rừng của trăm năm. Có màu xanh trong nhà sẽ có màu xanh trong phố, trong làng, trên rừng, dưới biển. Trồng rừng là chuyện lớn, với mẹ, mẹ sẽ trồng một cây xanh nhỏ trong vườn. Mỗi cây cổ thụ đều lớn lên từ một cây con, điều đơn giản ấy mẹ nhận ra khi tưới dòng nước mát vào chậu cây vừa trồng.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
''Trồng một tỷ cây xanh' trên hành trình 'về đích''

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã và đang quyết tâm đưa Đề án "Trồng một tỷ cây xanh" (Đề án) của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025 "về đích" đúng hẹn.

Trồng một tỷ cây xanh trên hành trình về đích
Cây xanh cho đô thị di sản

Huế là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước với gần 70 ngàn cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1. Công tác quy hoạch cây xanh đường phố đã và đang được TP. Huế triển khai nhằm tạo ra một bản sắc riêng cho đô thị di sản.

Cây xanh cho đô thị di sản
Return to top