Thế giới

Shangri La: Các nước đề cao vai trò ASEAN trong vấn đề Biển Đông

ClockThứ Hai, 01/06/2015 10:13
TTH.VN - Sau 3 ngày thảo luận nhiều vấn đề nóng của khu vực và thế giới, ngày 31/5, Đối thoại Shangri La lần thứ 14 vừa bế mạc tại Singapore.

Tổng Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) John Chipman nhận định, Đối thoại Shangri La năm nay có những phát biểu thẳng thắn đáng kể từ các bộ trưởng; trong đó có rất nhiều thảo luận về vấn đề Biển Đông, sự cấp thiết để có thể sớm hoàn tất và tiến tới ký kết Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc.

Hình ảnh từ máy bay trinh sát của Mỹ cho thấy Trung Quốc đang cải tạo một bãi đá ở Biển Đông (Ảnh AP)

Phát biểu ở những phiên cuối cùng tại Đối thoại Shangri- La lần này, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc đã đáp lại những chỉ trích cũng như quan ngại của đại diện các nước tham dự Đối thoại về những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực.

Ông Tôn Kiến Quốc cho rằng: “Hoạt động xây dựng này của Trung Quốc ngoài việc đáp ứng các yêu cầu phòng thủ cần thiết, cải thiện cuộc sống của những người sống trên đảo, còn giúp thực hiện tốt hơn các trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc liên quan tìm kiếm và cứu hộ trên biển, phòng chống thiên tai, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu các nước, mà trọng tâm xoay quanh vấn đề Biển Đông, đại diện Trung Quốc cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay “về tổng thể là hòa bình và ổn định”, và “Trung Quốc luôn kiềm chế, bảo đảm an ninh an toàn trên biển, đóng góp tích cực vào hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới”.

Tuy nhiên, những câu hỏi trực diện của nhiều đại biểu về việc Trung Quốc đưa vũ khí tới các đảo tranh chấp cũng như cần một sự giải thích rõ ràng, minh bạch hơn cho những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã không được ông Tôn Kiến Quốc giải đáp với lý do thời gian quá hạn hẹp.

Có thể thấy ý kiến của ông Tôn Kiến Quốc rằng "Biển Đông về tổng thể là hòa bình và ổn định" trở nên lạc lõng tại Đối thoại Shangri La năm nay. Bởi trong các bài phát biểu của mình, những diễn giả quan trọng nhất cùng bộ trưởng quốc phòng các nước lớn luôn dành thời lượng đáng kể đề cập đậm nét quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, cụ thể hơn là hoạt động cải tạo trái phép quy mô lớn của Trung Quốc những tháng qua.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, New Zealand … đều bày tỏ quan ngại về chiều hướng quân sự hóa trong các hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cho biết, chính phủ nước này luôn coi trọng sự ổn định, hòa bình và phồn vinh của khu vực. Biển Đông là một trong những tuyến giao thông hàng hải, hàng không nhộn nhịp nhất trên thế giới và một nửa thương mại của New Zealand.

Vì vậy, sự tăng cường minh bạch là rất quan trọng khi các hoạt động gia tăng quân sự đang diễn ra ở khu vực. Mặt khác, các nước cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế trên biển. New Zealand sẽ cùng với các nước liên quan tìm kiếm cách thức xử lý tranh chấp tại khu vực này.

Tại cuộc họp 3 bên trước đó, bên lề Đối thoại Shangri- La, Mỹ, Nhật và Australia cũng đã ra tuyên bố chung, mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc ngừng cải tạo đảo phi pháp trên Biển Đông. Tuyên bố chung nhấn mạnh, Mỹ, Nhật, Australia kiên quyết phản đối các hành động đơn phương sử dụng vũ lực để ép buộc hoặc làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Một trong những thông điệp đanh thép nhất gửi đến Trung Quốc tại Đối thoại Shangri- La lần này phải kể đến bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Ông Carter đã chỉ ra rằng, trong khi các nước khác ở khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Philippines đang tích cực theo đuổi con đường hòa bình thì Trung Quốc “chà đạp” lên các quy định quốc tế vốn để đảm bảo cấu trúc an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter, để tìm một giải pháp hòa bình lâu dài đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên thì ASEAN phải đóng vai trò trung tâm: “Trung tâm của cấu trúc an ninh khu vực này phải là ASEAN. Vì thế Mỹ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông trong năm nay và Mỹ sẽ ủng hộ quyền của các nước tuyên bố chủ quyền theo đuổi những vụ kiện quốc tế và những biện pháp hòa bình khác để giải quyết nhưng tranh chấp này.”

Tham dự đối thoại lần này, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong việc giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông.

Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách An ninh và Đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố, EU sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trên nguyên tắc "đối tác vì mục đích chiến lược", đồng thời nhấn mạnh, trật tự hàng hải phải dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS).

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen khẳng định: “Ổn định và an ninh ở Đông Á cũng như Đông Nam Á là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các nước trong khu vực mà cũng là của các nước châu Âu. Trong bối cảnh ASEAN đang tăng cường tập trung vào an ninh, trong đó có việc vươn tới Trung Quốc, thì hợp tác giữa ASEAN và EU về quốc phòng và an ninh cũng cần phải được tăng cường. Đối thoại và chia sẻ ý kiến giữa các lục địa có thể xây dựng một thế giới đoàn kết hơn, ổn định hơn và an toàn hơn”.

Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Ng Eng Hen cũng bày tỏ quan ngại về những căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông; cho rằng điều này đang làm thay đổi cán cân quyền lực ở khu vực, qua đó nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng một cấu trúc an ninh tổng thể.

Theo ông, Ng Eng Hen, châu Á đang ngày càng khẳng định là một khu vực phát triển nhanh nhất toàn cầu cả về thương mại, tài chính lẫn quốc phòng, song khu vực này cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như chủ nghĩa khủng bố cực đoan, nạn buôn người xuyên biên giới, an ninh mạng... Do đó, các quốc gia phải cần có sự đồng thuận cao, tránh xung đột, tìm ra các giải pháp chung trên cơ sở duy trì hòa bình và ổn định an ninh trong khu vực.

Diệu Hương (Theo VOV)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top