ClockThứ Ba, 24/11/2015 14:40

Sinh viên sư phạm với tình yêu biển đảo

TTH - Cuộc thi "Sinh viên với chủ quyền biển đảo Tổ quốc" do Hội sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế tổ chức đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của gần 3.000 sinh viên. Nhiều bài viết dự thi được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức trình bày, thể hiện tình yêu và mong muốn bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trao giải cho các sinh viên đạt giải Nhất, Nhì, Ba của cuộc thi

Xúc động

“Giờ đây tôi đang yên bình ngồi đây viết những dòng cảm nhận về “chủ quyền biển đảo quê hương” thì ngoài khơi xa các anh lính Cụ Hồ đang phải đối diện với biết bao gian nan, nguy hiểm, hết mình cống hiến vì hoà bình, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc... Cảm ơn anh người lính hải quân ngày đêm canh giữ - vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Cảm ơn anh những con người cống hiến trong thầm lặng - hy sinh tuổi thanh xuân vì sự nghiệp hoà bình. Sóng Hoàng Sa - Trường Sa liên tục vỗ, chẳng khác gì lòng nhiệt huyết trong từng con tim người chiến sĩ. Ngoài khơi xa thiếu thốn bộn bề thử thách lòng quả cảm - Những chàng trai đen sạm tuổi đôi mươi...”.
Đó là những dòng thư và bài thơ viết gửi tặng các anh lính đảo tràn đầy cảm xúc của Bùi Anh Phong, sinh viên lớp Sinh 2A, đoạt giải Nhất cá nhân cuộc thi “Sinh viên với chủ quyền biển đảo Tổ quốc”. Phong bảo, mình sinh ra từ miền biển (xã Quảng Phú, Đồng Hới, Quảng Bình), gắn bó với biển từ nhỏ nên rất yêu biển đảo, yêu lính hải quân. Học chuyên ngành sinh học nhưng mê lịch sử và địa lý, Phong thường tìm đọc sách, tư liệu về lịch sử trên các trang báo mạng. Để có tư liệu tốt nhất cho bài dự thi của mình, Phong đã dành thời gian đọc rất nhiều bài viết liên quan đến biển đảo để rồi thành quả là bài dự thi dài hơn 50 trang được Phong viết tay tỉ mỉ trong suốt một tuần và trình bày đẹp với nhiều bản đồ minh hoạ. Sáu câu hỏi được chia thành 6 phần trong bài dự thi như một luận án hoàn chỉnh khiến Ban tổ chức không khỏi ngỡ ngàng. “Lần đầu tiên tham gia, em không ngờ mình lại được giải cao đến thế vì nhiều bạn học chuyên ngành sử, địa sẽ am hiểu hơn em, Phong chia sẻ. - Em thích nhất là câu hỏi về tình hình Biển Đông hiện nay. Ở câu này, em cập nhật những vấn đề thời sự như việc Trung Quốc cắt cáp, phá hoại tàu cá của Việt Nam, xây dựng đường băng quân sự trái phép ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam... Đó có lẽ là cái mới và được Ban tổ chức đánh giá cao”.
Cũng có cùng tâm trạng bất ngờ như Phong, Phan Thị Mỹ Kỳ, lớp Văn 4C, đạt giải Nhì cuộc thi cho hay: “Thấy thông tin về cuộc thi ý nghĩa nên em quyết định tham gia. Em dành nhiều thời gian đọc tư liệu trên mạng, chọn lọc và sắp xếp theo trật tự chính xác và hợp lý. Thông qua cuộc thi, em cảm thấy mình được nâng cao nhận thức và hiểu biết thêm rất nhiều về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa, các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam”. Kỳ cho hay, mình tâm đắc nhất với câu 1 - Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vì câu này đòi hỏi phải nghiên cứu, tìm kiếm thông tin thật kỹ lưỡng. Cô sinh viên này dự định: “Sau này ra trường, em xin ra đảo làm giáo viên, dạy học trò ở đảo. Bạn em có đứa bảo em khùng, kêu em sao không xin đi dạy các tỉnh mà ra đảo làm gì cho khổ. Cũng có đứa cùng dự định với em, cũng muốn ra đảo trồng người... Nhưng em biết em muốn gì. Em ước ao vô cùng rằng sau này, mình sẽ trở thành cô giáo ở vùng biển đảo, mang những kiến thức mà bản thân đã được tiếp thu qua 4 năm học để truyền cho các em ngoài đó...”, Kỳ viết trong bức thư gửi các anh ở Trường Sa, Hoàng Sa.
“Hơn 1 năm trước lúc em chuẩn bị thi đại học là lúc Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam. Mỗi con người Việt Nam đều là một ngọn nến với “dây tim” ngay thẳng, chỉ cần một ánh lửa loé sáng, những cây nến ấy sẽ chụm tim vào nhau để mỗi dây tim chạm đến nhau đều lập tức bùng cháy sáng. Và khi bức thư này đến được tay các anh chiến sĩ hải đảo, tôi hy vọng “dây tim” tìm sẽ giúp ngọn lửa nhiệt thành của các anh được giữ vững, là sự sẻ chia, đồng cảm cho những khó khăn mà các anh phải trải qua, thắp sáng lên lòng yêu nước dù là nơi biển đảo xa xôi. Còn giả như người nhận bức thư này là một ngư dân, một người đi biển, chỉ cần bạn là người Việt Nam, khi “dây tim” của nguồn cội chạm đến, hãy mở lòng và đón nhận tình yêu lớn, trách nhiệm lớn, truyền thống lớn của dân tộc... Cuối cùng, mong sóng biển mang theo “lửa yêu thương” từ đất liền ra khơi xa...”.
Đó là một phần bức thư trong chai gửi các anh lính đảo xa của sinh viên Hồ Nguyễn Bảo Nhi, lớp Văn 2D, đoạt giải Ba của cuộc thi. Nhi là một trong những thí sinh có bài dự thi trình bày độc đáo với trang bìa là hình vẽ bản đồ Việt Nam bằng cát do Nhi tự tay làm. Bức tranh có 3 màu chủ đạo đỏ, vàng và xanh tượng trưng cho núi, biển và đất liền. Ở ba miền Tổ quốc, Nhi cố ý bỏ vào hình trái tim thể hiện Việt Nam có chung một tình yêu với Trường Sa, Hoàng Sa. Hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa được vẽ màu đỏ và có hình ngôi sao vàng như lá cờ Tổ quốc thể hiện vững chắc chủ quyền Việt Nam ở đó. Nhi chia sẻ: “Em hài lòng và tâm đắc nhất với câu 6 viết về suy nghĩ, tình cảm và trách nhiệm của mình đối với biển đảo nói chung và 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa nói riêng. “Em viết câu này dưới dạng 1 bức thư trong chai để gửi ra biển. Biển là của Việt Nam, nếu thả chai ra biển, biển sẽ dẫn thư tới tay các anh lính đảo hay ngư dân Việt Nam. Em không gửi một người cụ thể nào để sau khi đọc, bức thư lại được thả xuống biển và đến với ngư dân hay lính đảo tiếp theo. Hy vọng bức thư sẽ truyền được “lửa yêu thương” từ đất liền ra khơi xa”. 
ThS Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi đánh giá: “Cuộc thi là một hoạt động nhằm tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đặc biệt là giáo dục ý thức chủ quyền biển đảo cho sinh viên Trường đại học Sư phạm Huế. Chúng tôi rất vui mừng vì cuộc thi nhận được sự tham gia nhiệt tình của 12 liên chi hội trong trường với tổng số 2.860 bài viết. Những bài dự thi có chất lượng, được đầu tư công phu, trí tuệ, giàu cảm xúc; nhiều bài được đóng quyển với hình thức trình bày phong phú; có đơn vị 100% bài viết được viết tay. Qua cuộc thi này, các thí sinh thể hiện tình cảm và ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bài, ảnh: Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày hội STEM cấp tiểu học

Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày hội STEM cấp tiểu học năm học 2023-2024 với chủ đề “Đẩy mạnh giáo dục STEM thông qua bài học STEM trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học”.

Ngày hội STEM cấp tiểu học
20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA

Ngày 26/4, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế đã phối hợp với Quỹ học bổng AMA trao 20 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển khóa tuyển sinh năm học 2023 -2024.

20 sinh viên sư phạm nhận học bổng AMA
"Trồng" những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện

Rèn luyện đảm bảo sức khỏe, nâng cao thể lực cho học sinh là “khâu” quan trọng, hiệu quả trong nâng cao chất lượng dạy và học của ngành giáo dục & đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Vang; “trồng” những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện, để sau này các em tiếp bước xây dựng quê hương.

Trồng những mầm xanh mạnh khỏe toàn diện
Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học

Những năm gần đây, học sinh các cấp trên địa bàn Phú Vang ngày càng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, Quốc gia. Riêng tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2023-2024 mới đây, học sinh Phú Vang đoạt gần 40 giải. Đó là nỗ lực và kết quả của quá trình vượt lên nhiều khó khăn, bền bỉ nâng cao chất lượng dạy và học của thầy và trò huyện Phú Vang.

Đồng bộ nâng cao chất lượng dạy và học
Return to top