ClockThứ Sáu, 16/07/2010 08:00

Sông quê hoài vọng

TTH - Trong ký ức tôi luôn hiện hữu một dòng sông. Con sông hiền hòa chảy nước vào đồng ruộng ngút ngàn màu phù sa, nơi không đoạn đê nào không in dấu chân người nông dân làng thuần phác, nứt nẻ như ruộng khô ngày nắng hạn...

Ảnh minh họa từ internet
 
Tuổi thơ tôi gắn với đồng ruộng. Vui thích được kì cọ cho trâu mỗi chiều, khi ánh tà dương tụt dần xuống phía đầu non; được thoả chí vùng vẫy giữa con sông làng xanh mát. Do xóm ở gần sông, nên nhà nào có con trai, cha mẹ đều gắng mua cho cái nơm, to tát hơn là tấm lưới để xuống sông kiếm đồ ăn tươi hàng ngày. Phía sau trạm bơm, buổi chiều thường có người ra câu cá kia, cá ngạnh, cá trê về nấu canh chua. Các bác, các ông thì đi chài hoặc cất vó. Lũ con gái như chị tôi thì cất rớ. Cha tôi vót tre và lấy cái mùng cũ cắt ra; mẹ tôi khâu viền quanh những tấm mùng vuông vức ấy rồi buộc bốn đầu ngọn tre, uốn cong - thành rớ. Mỗi lần đi cất ít ra cũng vài ba chục cái như thế. Cứ chiều chiều lứa con gái tầm chị tôi lại rủ nhau đi cho tới khoảng sáu giờ mới về. Tép liều mạng nhất chừng chập choạng, khi mặt trời au au đỏ và gió từ bên kia rào pha lạnh lùa đàn sóng tiến vô bờ chầm chậm. Chị tôi nhai gạo nhổ vào mặt rớ nhấn chìm xuống ở gần bờ sông. Bỏ hết một lượt mấy chục cái thì quay lại cất lên cái đầu tiên. Bữa nhiều có khi được hai bát "bê năm hai". Tép rang vàng hươm, tép nấu canh đỏ tươi, tép kho với khế màu đục... Những món ăn chế từ tép đều rất ngon, ăn cơm lủng cả đáy nồi. Cái mùi bùn đất bốc lên từ niêu cá kho với khế còn hắc mũi tôi cho tới tận bây giờ.
 
Thầm cảm ơn con sông, tôi càng thương cánh đồng đã bắt nguồn nước từ sông để nuôi cây lúa; để cha mẹ nhọc nhằm cõng anh em tôi về miền sáng. Nhớ cánh - đồng - sông - quê mỗi chiều trên con đường mòn vẹt cỏ, chúng tôi lũ lượt lùa trâu về. Trên tay, đứa xách xâu nhái, đứa xách bao đam, bao châu chấu, cào cào, đứa mê man hát xẩm. Những đứa hay chăm tắm cho trâu bò thì dắt ra sông, khoát nước và dùng rơm kỳ cọ, con nào con nấy khoái nhăn răng, ngụp miệng xuống nước thở phò phò, thoả mãn sau một ngày kéo cày mệt mỏi.
 
Nhà tôi hồi đó nuôi trâu chứ không nuôi bò, chính vì gia đình tôi còn được xóm phân cho mảnh ruộng biền (bên mép sông). Cày ở biền phải dùng trâu. Gặt ở biền phải dùng hái (lưỡi hái được gắn vào thanh tre uốn cong, bó lúa vào tay rồi đẩy ngược). Gặt ở biền là cả một ngày hội: Người dùng thuyền, người xếp ván làm bè, ai cũng phải đưa một cái ghế dài và chắc để bó lúa; chỗ hò hét, chỗ nói chuyện rỉ rả, chỗ trẻ em thanh niên tranh thủ giăng lưới bắt cá... Ở biền đĩa rất nhiều, to và đen (đĩa trâu). Không ai là không bị chúng hút ít máu cho dù đã phòng vệ cẩn trọng bằng cách mang tất dày, bôi vôi... Gặt ở biền đàn bà con gái kham không nổi, phải có đàn ông mới xuôi.
 

Sông quê - ảnh minh họa từ internet
 
Thời gian sau này gia đình tôi không làm ruộng biền nữa, phần vì to công phần vì lúa chiêm năng suất thấp. Kể từ ngày đó, tôi không còn lội xuống sông nữa. Nay đã không hình dung nổi dải đất biền chạy dài thênh thênh bên kia bờ. Có còn những đám ruộng không thể xếp vào loại hình nào trong môn hình học, mà muốn biết diện tích phải chia ra tính hàng chục hình khác nhau rồi cộng lại. Bên nớ mùa này đất nứt toe toét như một quả dưa gang chín nhũn. Những đàn chim Sa Chi bắt đầu bay về nhặt những hạt lúa sắp hoặc đã nẩy mầm, miệt mài cho tới lúc bóng người đầu tiên làm vụ mới xuất hiện đầu cổng làng. Trong vòng một tuần thì sạch bóng. Ít nhất chỉ còn mươi cái xác khô rang, và đôi con trụ lại nhảy cà khiểng trên mặt sông mỗi đêm chờ bạn...
 
Nhớ sông quê. Tôi nhớ những đám ruộng đã gặt, mà tôi từng chân trần giẫm lên từng gốc rạ. Một cảm giác thân thương hiện về: vừa êm êm vừa cấn cái, ngưa ngứa lòng bàn chân, rồi lan toả khắp cơ thể. Gió đêm lướt thướt, như lộ cả hình hài giữa lưng chừng màu tối... Cánh đồng hoá thân vào hư ảo, chôn sâu nỗi lo toan của người nông dân. Tôi nhớ. Trong làng, có rất nhiều nhà đi cấy dưới ánh trăng. Năm ấy trời đại hạn, ruộng đồng đâu đâu cũng nứt vết chân vịt. Buổi tối, loa xóm thông báo ngày mai sẽ có nước ở đập Cu Lân về. Cả gia đình tôi đã tập trung ra đồng gặt cho xong thửa ruộng để mai bố kịp cày gieo mạ. Trăng vằng vặc sáng. Thả bó lúa đứng lên, chợt nghe tiếng ai gọi, trong vắt, đâm bổ vào hồn, và chết lặng ở đấy. Tôi ngẩn ra giữa ruộng.
 
Đêm đầu tiên trở về quê sau ngót chục năm lăn lộn phố phường, tôi đã tìm ra em tại Trạm Bơm. Mặt sông trong đêm không một gợn sóng. Chốc chốc lũ cá lại đớp hờ trên mặt nước, còn lũ tép nhảy lên nghe tanh tách. Như mừng vui, lại như đau đớn. Hai đứa ôm chầm lấy nhau với danh xưng là một cặp tình nhân quyến luyến. Vũ trụ chậm quay, xoay cả hai về nhiều hướng, nhiều góc cạnh của đời lộ liễu... Có niềm vui sướng len trong giọt mắt rớt vội, trong hơi thở đặc quánh được nén chặt rồi bung vỡ trong bao xúc cảm dâng trào...
 
Nhụy Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top