ClockThứ Hai, 18/05/2020 06:00
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020)

Sức cảm hóa kỳ diệu

TTH - Lần giở từng trang lịch sử, đặc biệt giai đoạn Cách mạng tháng Tám ở Huế đã thấy rõ tầm vóc, trí tuệ và ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với hoàng tộc triều Nguyễn, tạo ra sức cảm hóa kỳ diệu, thấm đẫm tính nhân văn, hình thành cục diện thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc chống lại thù trong, giặc ngoài, giữ vững chính quyền non trẻ.

Trưng bày những kỷ vật gốc về Bác

Bác Hồ và Bác Tôn chụp ảnh lưu niệm với các dũng sĩ. (Trong ảnh, dũng sĩ Nguyễn Văn Hòa, người Thừa Thiên Huế ở ngoài cùng bên phải). Ảnh: TL

Cuộc chuyển giao lịch sử

Đọc những dòng hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc của cụ Phạm Khắc Hòe - Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại; hồi ký của đồng chí Trần Huy Liệu - Trưởng phái đoàn Chính phủ Lâm thời vào tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại cho thấy rõ hơn giai đoạn lịch sử đặc biệt này.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trước sức ép của lực lượng cách mạng, vua Bảo Đại chấp thuận thoái vị nhưng trong lòng vô cùng lo âu cho tương lai của bản thân và hoàng tộc, không biết người đứng đầu chính phủ mới Hồ Chí Minh là ai, có giữ lời hứa đảm bảo an toàn cho nhà vua và gia quyến sau khi thoái vị không.

Vua Bảo Đại đem sự lo lắng ấy hỏi Đổng lý Ngự tiền văn phòng Phạm Khắc Hòe. Cụ Hòe đi hỏi thăm nhiều nơi, về bẩm báo, Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Sau khi nghe xong, Bảo Đại giơ hai tay lên và buột miệng nói câu tiếng Pháp “Ca vaut bien le coup alors” (Như thế thì thật đáng thoái vị). Chỉ một câu nói, hành động của Bảo Đại đã chứng tỏ được uy tín và tầm ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người khiến đối phương cũng phải khâm phục.

Sau khi thoái vị, điều khiến cựu hoàng đế vô cùng bất ngờ và xúc động, đó là ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Cố vấn tối cao của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sắc lệnh số 23-SL cử ông Vĩnh Thụy (Bảo Đại) làm cố vấn do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Trong hồi ký cụ Phạm Khắc Hòe viết: “Chỉ có nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mới làm một việc độc đáo như thế này”.

Ngày 4/9/1945, Vĩnh Thụy ra đến Hà Nội. Nơi ở của ông được bố trí là một biệt thự tại số 51 đường Gambetta, với đầy đủ tiện nghi. Sáng hôm sau, ông Vĩnh Thụy đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ra đón tận cửa phòng, thoải mái trong bộ đồ vải kaki, mỉm cười niềm nở, đưa hai bàn tay rộng mở như đón chờ một người quen đi xa vừa trở về. Tình cảm chân thành, ấm áp, trọng thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Vĩnh Thụy đã làm cho ông cảm thấy xúc động và may mắn khi được trở thành Cố vấn cho Chính phủ mới.

Tại Hà Nội, Chính phủ đã tạo điều kiện tốt nhất để Cố vấn Vĩnh Thụy làm việc. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiều nhiệm vụ như thay mặt Chính phủ đọc diễn văn phát động Tuần lễ vàng tại Hà Nội; ông là một trong 7 thành viên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; ông được bầu là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Nhiều bức ảnh tư liệu chụp năm 1945, 1946 ghi lại hình ảnh của ông vua thoái vị Bảo Đại (lúc này là cố vấn Vĩnh Thụy) bên cạnh Hồ Chí Minh - Chủ tịch của Chính phủ mới.

Đối đãi với các gia đình hoàng tộc nhân ái, bao dung

Trong hoàn cảnh đất nước phải chống thù trong, giặc ngoài, kinh tế khó khăn, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chăm lo cho các thành viên gia đình hoàng tộc, Người cử Bộ trưởng Lê Văn Hiến làm đặc phái viên các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Trước khi đi thực hiện nhiệm vụ, Người gọi vào căn dặn nhiều việc hệ trọng, trong đó có việc đi thăm viếng các bà hoàng ở Huế.

Vào Huế, đồng chí Lê Văn Hiến đến thăm bà Nam Phương, chuyển lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cựu Hoàng hậu ra Hà Nội sống cùng cố vấn Vĩnh Thụy. Nhưng sợ làm gánh nặng cho Chính phủ, bà đã từ chối. Tại Huế, bà đã tích cực tham gia ủng hộ Chính phủ và chế độ mới, quyên tặng vàng bạc, trang sức trong Tuần lễ vàng tại Huế.

Biết hoàn cảnh sống khó khăn của các bà hoàng - vợ của các vị vua yêu nước Thành Thái, Duy Tân, Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác cho đồng chí Lê Văn Hiến đến hỏi thăm và không quên trợ cấp hàng tháng cho mỗi bà 500 đồng để chi tiêu. Cảm động trước tấm lòng nhân ái của Hồ Chủ tịch, các bà hoàng một thời của triều Nguyễn đã xúc động, đáp lời cảm kích.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có những việc làm cụ thể, thiết thực về học Bác. Ảnh: ANH PHONG

Trọng dụng người tài trong hoàng tộc

Đầu năm 1949, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã gửi thư cho cựu Hoàng thân Ưng Úy (thân sinh nhà bác học Bửu Hội và là chú ruột của Vĩnh Thụy) mời tham gia kháng chiến.

Khi nhận được thư, cụ Ưng Úy ngồi lặng một lúc, trầm giọng như nói với riêng mình: “Từ lâu tui ưng ra với mặt trận mà chưa đặng. Lúc ni thuận dịp xin cho tui ra để trực tiếp đứng trong hàng ngũ, noi theo gương Cụ Hồ chống ngoại xâm”. Từ một hoàng thân, từng làm Tổng đốc Thanh Hóa, sau khi lên chiến khu tham gia kháng chiến, cụ Ưng Úy trở thành Trưởng ban Vận động tòng quân tại Liên khu 4, giúp sức vào công cuộc kháng chiến.

Trong số những nhân sĩ, trí thức tài năng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, trọng dụng có Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng - một trong những trí thức dòng dõi hoàng tộc. Bác sĩ Tôn Thất Tùng rời thủ đô đi theo kháng chiến. Con đường kháng chiến chông gai mà một trí thức đã quyết định đi đến cùng luôn có sự quan tâm, dõi theo của Hồ Chủ tịch. Khi nhận được danh hiệu Anh hùng Lao động, ông xúc động viết: “Chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”.

Hoàng Liên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hồi sinh kỳ diệu

Bất kỳ con người nào, bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có những con đường hy vọng… Thông điệp thiện lành ấy đang được các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế thắp sáng thành niềm hạnh phúc vô bờ bến, khi ngày càng có nhiều bệnh nhi “thắng trận trở về” từ cuộc chiến khốc liệt mang tên “K”.

Hồi sinh kỳ diệu
Lặng lẽ dấu chân cựu chiến binh - Bài 1: Gần gũi để cảm hóa

Trong thời bình, nhiều cựu chiến binh (CCB) TP. Huế vẫn lặng lẽ đấu tranh với cái xấu và các tệ nạn xã hội để góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, vận động người dân ủng hộ, góp sức chung tay vào các phong trào, hoạt động của địa phương.

Lặng lẽ dấu chân cựu chiến binh - Bài 1 Gần gũi để cảm hóa
Yêu thương kỳ diệu

Bé Thảo Hiền, đứa trẻ sơ sinh nặng 1,8kg, còn nguyên dây rốn bị vứt bỏ tại xã Hồng Kim (huyện A Lưới) đã được cứu sống và nuôi dưỡng bằng sữa mẹ ngọt lành, tình yêu thương của những trái tim nhân hậu. Bé được chở che, lớn lên từ ngôi nhà bình yên, ấm áp…

Yêu thương kỳ diệu
Return to top